Đề xuất Bộ GD-ĐT chỉ lo chương trình, không viết sách giáo khoa

Giáo dụcThứ Ba, 11/11/2014 09:58:00 +07:00

(VTC News) - Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng Bộ GD-ĐT cần đứng ngoài việc biên soạn sách giáo khoa để chỉ lo cho chương trình một cách chi tiết, chuẩn mực.

(VTC News) - Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng Bộ GD-ĐT cần đứng ngoài việc biên soạn sách giáo khoa (SGK) để lo chương trình một cách chi tiết, cụ thể và chuẩn mực.

Thay đổi có tính kế thừa

Góp ý về đổi mới chương trình, sách giáo khoa, GS Nguyễn Minh Thuyết nêu quan điểm phải thay đổi có lộ trình, những quyển nào không dùng được nữa thì nên thay, còn sách nào sử dụng được hãy cứ để đó và đổi mới phương pháp dạy học.
Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này cần có tính kế thừa
Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này cần có tính kế thừa 
“Nên giữ lại những bộ SGK phù hợp, chỉ thay những quyển SGK, những nội dung không phù hợp. Việc này phù hợp với thời gian biên soạn, thử nghiệm, tập huấn quá ngắn, đỡ tốn kém kinh phí”, GS Thuyết nêu quan điểm.

Cũng có cùng quan điểm này, GS. Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam cho rằng việc đổi mới phải có kế thừa.

“Tôi tha thiết đề nghị, khi làm gì cũng phải có tính kế thừa, muốn kế thừa hãy rà soát lại sách hiện có, chỗ nào không dùng được, yếu thì bỏ đi, còn điểm nào tốt nhất định phải kế thừa” GS. Trân Châu nói.

Trong khi đó, PGS. Văn Như Cương cũng đồng ý khi làm sách mới phải có tính kế thừa, bởi một số nội dung trong sách giáo khoa hiện hành vẫn dùng được.

“Một số sách chúng ta chỉ cần biên tập lại. Ví như chương trình toán, trong chương trình mới tôi chắc chắn tích phân, đạo hàm không đến nỗi nặng nề như thế. Trong chương trình mới nếu phần này bỏ đi thì chúng ta dùng sách cũ và có thể rút gọn các chương theo tinh thần của chương trình mới” PGS. Cương đề nghị.

Bộ GD-ĐT chỉ lo chương trình chuẩn

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng Bộ GD-ĐT chỉ nên lo xây dựng chương trình chuẩn một cách chi tiết và không nên tham gia vào việc viết sách giáo khoa.

GS. Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam bày tỏ chương trình là “linh hồn” định hướng cho quá trình dạy và học, do đó một chương trình là hợp lý nhưng trước mắt phải xây dựng được một chương trình tốt.

Bộ GD-ĐT có nên viết một bộ sách giáo khoa hay không?

  • Không
  • Ý kiến khác
  • Thăm dò ý kiến Thăm dò ý kiến

“Trong chương trình thay đổi liệu có cần lưu ý đến năng lực học sinh ở các vùng miền? Trước tiên cần thống nhất một chương trình tối thiểu hay căn bản mà học sinh cần phải có để làm công việc tiếp theo chứ không chỉ để vào đại học. Vậy chương trình mới có cần lưu ý tới các em có tiềm năng để học tiếp trong nước và ngoài nước không? Chỗ này cũng rất quan trọng trong khi làm chương trình” GS. Trân Châu lưu ý.
GS Nguyễn Minh Thuyết (Ảnh: Phạm Thịnh)
GS Nguyễn Minh Thuyết (Ảnh: Phạm Thịnh) 
GS Nguyễn Minh Thuyết có lấy ra ví dụ trong chương trình chi tiết của Canada thì chương trình mỗi môn ở mỗi lớp được trình bày như một quyển SGK, trong đó có bài đọc, các bài tập và kiến thức cần hình thành.

“Giáo viên và học sinh sử dụng chương trình này làm tài liệu chính để dạy và học. Trên cơ sở chương trình, giáo viên có thể bổ sung các tài liệu dạy học khác phù hợp với yêu cầu kiến thức, kỹ năng, tình hình cụ thể của học sinh”, GS Thuyết nói.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng Bộ GD-ĐT nên xây dựng chương trình nhằm phát huy tài năng của các hội nghề nghiệp, các nhà khoa học.

GS Nguyễn Ngọc Phú - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam nhận định: "Muốn có được sách giáo khoa phải phân định rõ chương trình, xác định các tiêu chí kiến thức cơ bản mức tối thiểu cần phải đạt được tới đâu. Trên cơ sở chuẩn kiến thức tối thiểu mới đặt vấn đề thể hiện ở các sách giáo khoa" .

GS Phú cho rằng Bộ GD-ĐT không thể là người đứng ra tổ chức và chịu trách nhiệm biên soạn sách giáo khoa, bởi đây không thuộc trách nhiệm của bộ. Hơn nữa, nếu làm Bộ GD-ĐT sẽ không bố trí được nhân lực.

"Để có những bộ sách giáo khoa có chất lượng cần huy động chính những đội ngũ nhà giáo có chất lượng, có kinh nghiệm từ các trường phổ thông và đại học, các chuyên gia giỏi thuộc các Hội nghề nghiệp biên soạn và chịu trách nhiệm trước nhà nước", GS Phú nói.
GS Nguyễn Khắc Phi (Ảnh: Văn Chung) 
GS Nguyễn Khắc Phi, Nguyên Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam thể hiện quan điểm chương trình sẽ là pháp lệnh, còn sách giáo khoa không thể là pháp lệnh. Bởi trên thế giới cũng chưa có ở đâu nói có bộ sách giáo khoa chuẩn, mà chỉ là tiệm cận chuẩn.

Nhiều chuyên gia cho rằng Bộ GD-ĐT không nên chủ trì hay nói cách khác là chủ động biên soạn một bộ SGK vì việc đó sẽ dẫn tới việc thiếu công bằng, lành mạnh trong các khâu thẩm định, lựa chọn, phát hành SGK.

Đồng tình với những quan điểm trên, GS Hoàng Xuân Hóa (ĐH Hàng Hải, Hải Phòng) cho biết, nếu có chương trình chuẩn rồi hãy bàn tới sách giáo khoa. Tuy nhiên, trong bốn khâu “chương trình, sách giáo khoa, đội ngũ, cơ sở vật chất” thì “chương trình” vô cùng quan trọng.

GS Hóa cũng cho rằng Bộ GD-ĐT không nên viết sách giáo khoa và cần tập trung làm tốt chương trình.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn