Đề xuất 2 phương án kết nối giao thông sân bay Long Thành với TP.HCM

Kinh tếThứ Bảy, 23/03/2019 19:11:00 +07:00

Do nhu cầu giao thông giữa sân bay Long Thành với khu vực TP.HCM cần được ưu tiên, ACV đã trình 2 phương án để ưu tiên hướng kết nối này.

Ưu tiên hướng kết nối với TP.HCM

Báo cáo của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, ACV đã chỉ đạo đơn vị tư vấn JFV nghiên cứu và đề xuất các phương án giao thông kết nối trực tiếp, gián tiếp đến Cảng hàng không (CHK) quốc tế Long Thành, đáp ứng nhu cầu kết nối giao thông từ sân bay này đến TP.HCM và các vùng phụ cận. 

Theo kết quả dự báo của tư vấn, nhu cầu giao thông giữa sân bay Long Thành với khu vực TP.HCM cần được ưu tiên. Do đó, ACV đã trình phương án 2 tuyến giao thông kết nối gồm:

Tuyến giao thông số 1 dài khoảng 3,8km (đoạn từ ranh phía Tây sân bay đến QL51). Dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 1.561,4 tỷ đồng, bao gồm chi phí GPMB khoảng 3,4 tỷ.

“Tuyến số 1 là tuyến đường liên thông kết nối trực tiếp với đường trục ra vào sân bay (đường trục trong phạm vi 5.000ha).

Do đó, để đảm bảo hiệu quả trong quản lý, vận hành và khai thác sau này, ACV kiến nghị đưa nội dung nghiên cứu này vào hồ sơ nghiên cứu khả thi (F/S) giai đoạn 1 để tư vấn triển khai thiết kế cơ sở, tính toán tổng mức đầu tư, bố trí nguồn vốn, phân tích đánh giá tài chính và đề xuất nhà đầu tư phù hợp”, ACV cho biết.

15a_zrmx

Phối cảnh dự án sân bay quốc tế Long Thành. 

Tuyến giao thông kết nối trực tiếp từ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chạy thẳng đến CHK quốc tế Long Thành. Riêng tuyến này, ACV đề xuất 2 phương án.

Phương án 1, tuyến giao thông số 1B kết nối trực tiếp từ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chạy song song với tuyến đường sắt tốc độ cao chạy thẳng vào CHK quốc tế Long Thành. Phương án này có ưu điểm là đảm bảo tuyến giao thông riêng biệt ra vào CHK quốc tế Long Thành và có hướng tuyến kết nối thẳng.

Tuy nhiên, tuyến này chưa có trong quy hoạch tổng thể, việc điều chỉnh có thể ảnh hướng đến quy hoạch các tuyến khác trong khu vực.

Phương án 2, tuyến giao thông số 2 kết nối trực tiếp từ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây theo hướng song song về hai bên của tuyến cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu, tách riêng ra thành 2 tuyến đường độc lập và vào trực tiếp sân bay Long Thành.

Phương án này có ưu điểm là phù hợp với quy hoạch tổng thể, đảm bảo tuyến lưu thông riêng biệt, giải phóng mặt bằng thuận lợi và mất ít thời gian vào sân bay hơn tuyến 1B do chiều dài tuyến ngắn hơn.

Tuy nhiên, về nhược điểm thì tuyến này diện tích giải phóng mặt bằng lớn, chi phí đầu tư lớn hơn phương án 1 do phải thiết kế điều chỉnh lại các nút giao tuyến này với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và tuyến giao thông 1 cho phù hợp.

Đối với tuyến này, ACV kiến nghị lựa chọn phương án 2 để xây dựng.

Tuyến giao thông số 3 kết nối trực tiếp từ phía sau CHK quốc tế Long Thành (ranh giới phía đông) ra Vành đai 4. Với tuyến này, ACV kiến nghị chưa cần đầu tư ngay trong giai đoạn 1 của CHK Long Thành mà đưa vào giai đoạn 2 thực hiện.

Gấp rút hoàn thiện

Liên quan đến giao thông kết nối sân bay, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT) Lê Đỗ Mười cho biết cơ bản thống nhất với phương án kết nối sân bay Long Thành của ACV, trong đó có 3 tuyến kết nối trực tiếp vào sân bay (qua QL51; cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và tuyến kết nối từ phía sau sân bay ra vành đai 4) cũng như các tuyến kết nối gián tiếp khác.

Video: Có 2 cầu vượt hiện đại, vì sao cửa ngỗ sân bay Tân Sơn Nhất vẫn tắc kinh hoàng?

Tuy nhiên, ông Mười đề xuất một dự án khác mà theo ông rất quan trọng là tuyến đường sắt nhẹ từ Thủ Thiêm đi sân bay Long Thành, kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 2 của TP.HCM từ Tân Sơn Nhất về Thủ Thiêm. Đồng thời làm cầu Cát Lái nối tỉnh lộ 25 với sân bay Long Thành để phá thế độc đạo kết nối sân bay Long Thành theo một hướng.

Khẳng định tầm quan trọng của giao thông kết nối sân bay Long Thành, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu phải xây dựng ngay một đề án về giao thông kết nối sân bay Long Thành.

Đề án phải đề xuất được một số trục giao thông kết nối thẳng từ sân bay vào TP.HCM qua đường bộ và đường sắt nhẹ cũng như hình thành trục kết nối ngang để liên kết hệ thống các đường giao thông.

Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu cơ quan chức năng phải nghiên cứu và đề xuất ngay phương án kết nối trực tiếp sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất, lưu ý phương án kết nối sân bay với các đô thị lớn trong khu vực như Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương…

“Những dự án nào đã nằm trong quy hoạch quốc gia rồi chỉ điều chỉnh quy mô cho hợp lý. Những dự án nào thuộc trách nhiệm của địa phương, cần có văn bản kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ, ngành địa phương xây dựng kế hoạch đầu tư.

Đầu tư sân bay mà không đầu tư giao thông kết nối là không được. Đề án giao thông kết nối phải được trình Chính phủ cùng lúc với Dự án sân bay Long Thành”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Dự án CHK quốc tế Long Thành gồm 3 giai đoạn, với tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ USD (tương đương hơn 336 nghìn tỷ đồng). Trong đó, giai đoạn 1 có vốn đầu tư hơn 5,4 tỷ USD.

Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng một đường cất/hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; chậm nhất năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác. Khẳng định đến thời điểm này, tiến độ dự án CHK quốc tế Long Thành đã cơ bản đạt yêu cầu đặt ra.

Tuệ Lâm
Bình luận
vtcnews.vn