Để xảy ra tham nhũng, lãnh đạo bị cách chức

Thời sựThứ Sáu, 05/07/2019 07:15:00 +07:00

Người đứng đầu bộ, ngành để xảy ra tham nhũng có thể bị xử lý kỷ luật với hình thức cao nhất là cách chức, nhẹ nhất là khiển trách.

Đây là một trong những nội dung được cụ thể hóa trong Nghị định số 59/2019/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, vừa được Chính phủ ban hành.

Theo Nghị định, nếu người có chức vụ, quyền hạn để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách thì bị xử lý kỷ luật bằng một trong những hình thức: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức.

Cụ thể, hình thức khiển trách đối với lãnh đạo đơn vị, bộ, ban, ngành được áp dụng trong trường hợp để xảy ra vụ việc tham nhũng ít nghiêm trọng; cảnh cáo trong các vụ việc tham nhũng nghiêm trọng hoặc nhiều vụ việc tham nhũng ít nghiêm trọng và cách chức khi để xảy ra các vụ việc tham nhũng rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

luat-phong-chong-tham-nhung

 Luật Phòng, chống tham nhũng được Quốc hội thông qua với tỷ lệ 93,2% đại biểu tán thành (Ảnh: TTXVN)

Bên cạnh đó, Nghị định 59/2019/NĐ-CP cũng quy định cụ thể về phạt cảnh cáo đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị lần đầu có hành vi bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hóa, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.

Cũng theo Nghị định này, người có chức vụ quyền hạn có hành vi liên quan đến tham nhũng sẽ bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển sang vị trí công tác khác. Thẩm quyền ra các quyết định tạm đình chỉ, tạm thời chuyển vị trí công tác sẽ do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm, tuyển dụng, quản lý thực hiện.

Việc quyết định tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác đối với người có chức vụ, quyền hạn chỉ được thực hiện khi có căn cứ cho rằng người đó có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng và có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý nếu vẫn tiếp tục làm việc.

Thời hạn tạm đình chỉ hoặc tạm chuyển vị trí công tác khác là 90 ngày, kể từ khi ra quyết định. Người bị tạm đình chỉ hoặc tạm chuyển vị trí công tác khác được trở lại vị trí ban đầu sau khi có kết luận không có hành vi tham nhũng; được xin lỗi, cải chính công khai và được bồi thường thiệt hại.

Theo thẩm quyền được quy định, Thủ tướng có quyền quyết định tạm đình chỉ công tác đối với chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh; trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị tạm đình chỉ công tác đối với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định các hình thức xử lý đối với các vi phạm trong việc thực hiện công khai, minh bạch, chế độ, định mức, tiêu chuẩn...

Kông Anh
Bình luận
vtcnews.vn