Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT: Các trường đại học top trên khó tuyển sinh

Tuyển sinhThứ Sáu, 08/05/2020 06:54:46 +07:00

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT 2020, các giáo viên cho rằng đề tăng kiến thức cơ bản, phân hoá yếu, các đại học top trên khó tuyển sinh.

Giảm độ khó so với đề THPT quốc gia

Thầy Hà Văn Thắng, trường THPT Ngô Sỹ Liên, tỉnh Bắc Giang đánh giá, đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT môn Toán khá dễ so với đề thi THPT quốc gia những năm gần đây.

“Số lượng câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu chiếm tỷ trọng lớn là 75-80% tổng số lượng câu hỏi trong đề thi, tăng 5-10% so với đề thi THPT quốc gia những năm trước đây. Số lượng câu hỏi vận dụng và vận dụng cao, theo đó giảm đi”, giáo viên Thắng nói.

Mạch kiến thức của đề được sắp xếp theo tuyến tính của chương trình, là từ kiến thức lớp 11, đến kiến thức học kì 1 lớp 12, rồi học kì 2 lớp 12. Bố cục này tạo điều kiện cho học sinh, giáo viên dễ hình dung được các nội dung kiến thức cần thiết, trọng tâm.

Các câu hỏi vận dụng, vận dụng cao trong đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT chiếm khoảng 20%-24% (12 câu), nhưng đánh đố, không mẹo mực, không phức tạp trong tính toán, có thể phân loại được học sinh khá -giỏi. Trong đó, hầu hết câu hỏi là quen thuộc với học sinh, có 1-2 câu đòi hỏi tư duy sâu sắc.

Với đề thi tham khảo này, phổ điểm trung bình có thể từ 6-6,5 điểm. Học sinh trung bình có thể đạt 5 điểm, học sinh khá có thể đạt 7-8 điểm, học sinh giỏi có thể đạt 9-10 điểm.

Đối với môn Ngữ văn, thầy Lê Văn Thắng, trường THPT Thống Nhất (Thanh Hóa) đánh giá, cấu trúc đề giữ ổn định như đề thi THPT quốc gia, đề tham khảo nhưng có sự giảm nhẹ độ khó. Các câu hỏi và yêu cầu trong đề rõ ràng, không đánh đố phù hợp hoàn toàn với mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và chủ trương giảm tải do dịch COVID-19.

Đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT: Các trường đại học top trên khó tuyển sinh - 1

Nhiều giáo viên cho rằng, với đề minh hoạ này, học sinh tránh sa đà vào những vấn đề quá khó, phức tạp. (Ảnh: Tienphong)

Phân hoá yếu

Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên dạy Hoá học trực tuyến tại Hà Nội nhận định, nhìn tổng quan, đề giữ nguyên cấu trúc như đề tham khảo công bố từ đầu tháng 4. Phạm vi kiến thức gồm khoảng 90% kiến thức của chương trình lớp 12 (tập trung chủ yếu ở học kỳ I) và 10% của chương trình lớp 11. Khoảng 75% đề thi ở mức nhận biết, thông hiểu.

Sự phân hóa chỉ nằm ở 25% còn lại và mức độ cũng không thực sự sâu sắc. Đáng chú ý là mức độ phân hóa của đề thi giảm đi nhiều, dù đề tham khảo lần 1 được đánh giá là khá dễ.

“Với cấu trúc đề thi và mức độ phân hóa như vậy thì sẽ rất khó khăn cho các trường đại học top đầu có thể tuyển sinh được như ý. Nhiều khả năng sẽ xảy ra “cơn bão điểm 10”, có thể còn lớn hơn cả năm 2017”, thầy Ngọc nói.

Cô Hoàng Thị Thu Hiền, trường THPT A Thanh Liêm (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam cho hay, với đề minh hoạ Ngoại ngữ lần này, học sinh chỉ cần học tốt kiến thức SGK có thể đạt 5-6 điểm, em khá hơn sẽ dễ dàng được 6,5-7,5 điểm, học lực giỏi có thể đạt từ 8-9, học sinh xuất sắc có thể đạt điểm 9 trở lên. Tuy nhiên, điểm 10 là thách thức, thí sinh cần vốn từ khá tốt và chú ý đọc thật kỹ để loại các phương án nhiễu.    

Video: Kỳ thi THPT 2020 chỉ để xét tốt nghiệp

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn