Đề nghị tuyên phạt Dũng "tổng" 4 - 6 năm tù

Pháp luậtThứ Bảy, 31/07/2010 07:18:00 +07:00

(VTC News) - Trong phần luận tội, VKS đề nghị tòa tuyên phạt Bùi Tiến Dũng 4-6 năm tù, trong khi các luật sư đề nghị tuyên Bùi Tiến Dũng không phạm tội.

(VTC News) - Trong phần luận tội, đại diện VKS đã đề nghị tòa tuyên phạt Bùi Tiến Dũng 4 - 6 năm tù, trong khi các luật sư đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Bùi Tiến Dũng không phạm tội.

Ngày 30/7, phiên tòa xét xử Bùi Tiến Dũng và 4 cựu cán bộ PMU 18 tiếp tục ngày làm việc thứ 3 với phần tranh luận của các luật sư.

 

Bùi Tiến Dũng cùng 4 cán bộ của PMU 18 đứng nghe bản luận tội của đại diện VKS (Ảnh: T.L) 

Trước đó, trong phần luận tội, đại diện VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố như cáo trạng. Theo đại diện VKS, qua lời khai tại phiên tòa và trước đó tại cơ quan điều tra, đồng thời căn cứ vào kết quả giám định, đủ cơ sở kết luận Bùi Tiến Dũng đã phạm tội cố ý làm trái, gây thiệt hại cho Nhà nước 2,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đại diện VKS cho rằng hành vi phạm tội của các bị cáo đã rõ nhưng căn cứ trên các điều khoản quy định của pháp luật, xem xét các tình tiết giảm nhẹ đã đề nghị mức án dưới khung thấp nhất.

 

Cụ thể, VKS đề nghị xử phạt Bùi Tiến Dũng 4 đến 6 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước. Các bị cáo Vũ Mạnh Tiên, Nguyễn Thị Thanh Hòa, Nguyễn Thanh Sơn, bị cáo buộc đã lập hợp đồng khống để trả lương, cho thuê nhà và ôtô trên danh nghĩa để rút hàng trăm triệu đồng. Do đó, VKS đề nghị tòa tuyên phạt Tiên 4-5 năm tù, Hòa và Sơn mỗi người từ 3-4 năm tù, Bùi Thu Hạnh từ 2 đến 3 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ.

 

Bào chữa cho bị cáo Bùi Tiến Dũng có tới 4 luật sư gồm: luật sư Ngô Ngọc Thủy, luật sư Hoàng Văn Dũng, luật sư Nguyễn Văn Nam và luật sư Hà Đăng. Cả 4 luật sư đều phân tích để đưa ra quan điểm rằng Bùi Tiến Dũng không phạm tội như cáo trạng truy tố.

 

Hai luật sư Ngô Ngọc Thủy và Hoàng Anh Dũng đều cho rằng đến nay, không có ai đại diện cho nhà nước kêu bị thiệt hại và yêu cầu bồi thường. Hơn nữa, theo luật sư Ngô Ngọc Thủy, các cơ quan được Bùi Tiến Dũng cho mượn xe đều có khó khăn về việc mua xe, và đã khẳng định nhờ có xe mà hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

“Trong quá trình điều tra, cũng không thấy có dấu hiệu của của việc đút lót, nhận hối lộ trong việc cho mượn xe”, động cơ là tương trợ, giúp đỡ, không có động cơ tư lợi cá nhân”. Từ những nhận định đó, luật sư Thủy đề nghị cần phải có đánh giá khác đi về hành vi cho mượn xe của Bùi Tiến Dũng.

 

Cũng theo hai luật sư trên, cáo trạng dựa vào kết luận giám định của Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an để xác định thiệt hại 2,6 tỷ là không phù hợp. Cả hai luật sư này đều nêu quan điểm cho rằng Viện Khoa học hình sự là cơ quan giám định tư pháp chứ không phải giám định tài chính (đáng lẽ thuộc Bộ Tài chính). Mặt khác, giám định là độc lập, đáng lẽ khi thấy không thể tự giám định, Viện khoa học hình sự phải thôi để cho một cơ quan giám định khác làm nhưng Viện Khoa học Hình sự lại mời một số cơ quan giám định khác vào làm cùng là không đúng quy định.

 

Ở một góc độ khác, luật sư Hà Đăng lại cho rằng, cơ quan điều tra và công tố đã không nhất quán về nguyên tắc bình đẳng khi buộc tội. Vị luật sư này cho rằng, nguyên tắc bình đẳng được áp dụng cho 5 bị cáo trên còn những người khác không thuộc PMU 18, cũng có hành vi cố ý làm trái thì được áp dụng nguyên tắc có lợi.

 

Luật sư Hà Đăng đặt câu hỏi: “Tài sản mà bị cáo Dũng làm thất thoát nhưng người được hưởng lợi là cơ quan nhà nước. Tại sao phải truy thu bằng tiền túi của bị cáo?”.

 

Sau khi đưa ra các lập luận của mình, các luật sư bào chữa cho bị cáo Bùi Tiến Dũng đều đồng loạt đề nghị HĐXX tuyên Bùi Tiến Dũng không phạm tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

 

Theo lịch thì hôm nay sẽ là ngày làm việc cuối cùng của phiên tòa, tuy nhiên do các luật sư chưa tranh luận xong nên phiên xử sẽ được kéo dài đến thứ 2 (ngày 2/8).

 

Ngọc Linh

Bình luận
vtcnews.vn