Đề nghị Quốc hội phê chuẩn hai Phó Thủ tướng mới

Thời sựThứ Năm, 17/10/2013 05:00:00 +07:00

(VTC News) – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã “bật mí” danh sách 2 phó thủ tướng sẽ được Quốc hội phê chuẩn trong kỳ họp tới.

(VTC News) – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã “bật mí” danh sách 2 phó thủ tướng sẽ được Quốc hội phê chuẩn trong kỳ họp tới.

Chia sẻ với phóng viên tại cuộc họp báo chiều nay (17/10), Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Ngày 12/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trình Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm Phó Thủ tướng với ông Nguyễn Thiện Nhân và Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Sau đó ngày 13/11, Thủ tướng sẽ trình Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Phó Thủ tướng để sáng 14/11, Quốc hội bỏ phiếu phê chuẩn.

Ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh.
Ông Phúc cũng “bật mí”, Thủ tướng cũng đề nghị với Quốc hội, ngoài nhân sự thay thế ông Nguyễn Thiện Nhân thì bổ nhiệm thêm một Phó Thủ tướng nữa. 
Việc đề xuất này là do Thủ tướng Chính phủ, trong đó người được đề xuất có ông Vũ Đức Đam – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ và người thứ hai là ông Phạm Bình Minh – Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao.

Ông Phúc cũng cho biết, hiện chưa có phương án nhân sự trình phê chuẩn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ mới. "Ông Phạm Bình Minh có thể sẽ là Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao như người tiền nhiệm là ông Phạm Gia Khiêm trước đây" - ông Phúc nói.

Về chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XIII, ông Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh đây là một kỳ họp kéo dài, với nhiều nội dung quan trọng. Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên của chính phủ sẽ được tăng thêm thời gian lên 3 ngày so với 2,5 ngày như trước đây.

Cụ thể, kỳ họp Quốc hội tới đây sẽ khai mạc vào ngày 21/10/2013, dự kiến sẽ bế mạc vào ngày 30/11/2013, kéo dài 41 ngày.

Về công tác xây dựng pháp luật, tại kỳ họp này, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 08 dự án luật; cho ý kiến 12 dự án luật.


Một số dự án luật quan trọng sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật đất đai sửa đổi; Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí…

Các dự án luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật xây dựng sửa đổi…


Về xem xét các báo cáo các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ nghe, thảo luận, cho ý kiến và thông qua các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014; Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011-2015); Báo cáo việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.

Về công tác thông tin tuyên truyền tại kỳ họp, Quốc hội sẽ dành 10 ngày để truyền hình, phát thanh trực tiếp trên kênh VTV1 của Đài truyền hình Việt Nam và kênh VOV1 của Đài tiếng nói Việt Nam.

Về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tại Kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ quyết tâm thông qua.

Về Hội đồng Hiến pháp, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, "cũng có đề nghị bổ sung thêm, nhưng chúng ta chưa làm mô hình này bao giờ. Việc bảo đảm thực hiện đúng Hiến pháp thì các ủy ban có trách nhiệm giám sát việc thực thi các văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó có 2 phương án, một là có hội đồng, hai là giao cho các ủy ban".

Vấn đề rà soát thủy điện trên toàn quốc, nghị quyết của Quốc hội giao Bộ Công thương rà soát và báo cáo Quốc hội.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc có đưa nội dung lấy phiếu tín nhiệm vào Hiến pháp hay không, ông Phúc cho biết, việc bỏ phiếu tín nhiệm chúng ta mới làm có một lần, chưa đánh giá kỹ càng, tiếp xúc cử tri có nhiều ý kiến băn khoăn, đang trong quá trình tổng kết nên chưa đưa vào Hiến pháp.

Việc bỏ phiếu tín nhiệm hiện vẫn đang giao cho Quốc hội tiến hành.


Nam Minh
Bình luận
vtcnews.vn