Đề nghị kỷ luật ông Trần Văn Truyền: ‘Chỉ là bước đầu thôi’

Thời sựThứ Tư, 17/12/2014 12:29:00 +07:00

Đề nghị kỷ luật cảnh cáo đối với ông Trần Văn Truyền chỉ là bước đầu về mặt Đảng, việc điều tra xem có tham nhũng hay không vẫn phải làm tiếp

(VTC News) – Đề nghị kỷ luật cảnh cáo đối với ông Trần Văn Truyền chỉ là bước đầu về mặt Đảng, việc điều tra xem có tham nhũng hay không vẫn phải làm tiếp.

Ngày 16/12, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra Thông báo về kỳ họp thứ 28, trong đó có việc xem xét và đề nghị thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Văn Truyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Ban Cán sự Đảng, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ.
Ông Trần Văn Truyền chỉ bị đề nghị kỷ luật “cảnh cáo” khiến dư luận lo ngại việc “giơ cao đánh khẽ” trong vụ việc được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng này

Việc ông Trần Văn Truyền chỉ bị đề nghị kỷ luật bằng hình thức “cảnh cáo” khiến dư luận dấy lên lo ngại về việc “giơ cao đánh khẽ” trong vụ việc được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng này.

Trả lời phỏng vấn VTC News xung quanh vấn đề này, ĐBQH Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội cho rằng, việc UBKT Trung ương đề nghị kỷ luật cảnh cáo đối với ông Trần Văn Truyền mới chỉ là bước khởi đầu.

“Cơ quan điều tra vẫn phải vào cuộc để xem có dấu hiệu tham nhũng như dư luận lo ngại hay không, sau khi có kết luận chính thức mới có hình thức xử lý cụ thể được”, ông Thảo nói.

- Nhiều người cho rằng với hàng loạt sai phạm của ông Trần Văn Truyền như: kê khai tài sản thiếu trung thực, bổ nhiệm hàng loạt cán bộ sai quy trình... nhưng Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ đề nghị kỷ luật cảnh cáo ông Truyền, cho thấy có dấu hiệu nương nhẹ, theo kiểu ‘giơ cao đánh khẽ”. Quan điểm của ông về vấn đề này?

ĐBQH, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội  Đinh Xuân Thảo
Tôi cho rằng, nếu căn cứ vào kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố trước đây thì đề nghị kỷ luật cảnh cáo về Đảng như vậy là phù hợp. 

Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương trước đó về tài sản của ông Truyền mới chỉ là “Đồng chí Trần Văn Truyền đã thiếu trung thực, không báo cáo thông tin đầy đủ, đúng sự thật về nhà, đất”, do vậy trong Thông báo số 28 ngày hôm qua (16/12), Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ đưa ra hình thức cảnh cáo như vậy là phù hợp và tương thích.

Còn việc bây giờ đòi hỏi phải chứng minh có chuyện tham ô, tham nhũng hay không thì việc đó lại chuyện khác. Nếu có tham ô tham nhũng tức là vi phạm về trách nhiệm hình sự thì lúc đó phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi đó thì sẽ phải đình chỉ sinh hoạt Đảng, hay khai trừ khỏi Đảng. Tức là nó lại nằm ở mức độ khác, cao hơn và phải là sau khi có kết luận về mặt chính quyền.

Hiện nay, nếu căn cứ vào kết luận mà Ủy ban kiểm tra Trung ương công bố tháng trước thì có nghĩa vẫn chưa có bằng chứng nào chứng minh ông Truyền tham ô, tham nhũng cả. Vậy thì chưa thể xử lý được, hình thức cảnh cáo như vậy là phù hợp với kết luận kia.

- Vậy theo ông trong trường hợp này có phải tiếp tục việc điều tra về nguồn gốc tài sản của gia đình ông Trần Văn Truyền, cụ thể là tài sản lớn bất thường của con trai ông Truyền, để có kết luận cuối cùng không?

Việc đó đương nhiên phải làm, bởi vì theo khai báo thì nhà cửa không phải do ông Truyền đứng tên, mà đứng tên con, đứng tên vợ. Vậy thì bây giờ phải làm bước tiếp theo là điều tra để vợ con ông Truyền chứng minh nguồn gốc tài sản đó là của họ thật thì ông Truyền mới không có liên quan. 

Nhưng nếu vợ con ông Truyền không chứng minh được nguồn gốc tài sản đó là của mình, có nghĩa đó là tài sản của ông Truyền, thì lúc đó trách nhiệm thuộc về ông Truyền, cần điều tra nguồn gốc tài sản đó có được do đâu, có dấu hiệu tham ô tham nhũng hay không, để xử lý cụ thể. 

 

Nếu căn cứ vào kết luận mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố tháng trước thì có nghĩa vẫn chưa có bằng chứng nào chứng minh ông Truyền tham ô, tham nhũng cả. Vậy thì chưa thể xử lý được, hình thức cảnh cáo như vậy là phù hợp.
 
Vấn đề cốt lõi ở đây mà dư luận mong muốn phải làm rõ là việc ông Trần Văn Truyền có tham nhũng hay không. Cái này cần phải làm rõ ràng, trả lời cụ thể để tránh những nghi ngờ từ dư luận. 

Nếu sau khi điều tra mà không có bằng chứng chứng minh được ông Truyền tham nhũng thì việc xử lý đối với ông Truyền đến mức cảnh cáo như hiện nay là xong. 

Nếu đằng sau những chuyện về tài sản khổng lồ, việc kê khai khối tài sản đó mà tìm được bằng chứng về tham nhũng thì lúc đó phải xử lý hình sự đối với trường hợp này.

- Có ý kiến cho rằng, cách xử lý trong trường hợp ông Trần Văn Truyền dường như chỉ mới làm “rùm beng” lên lúc Quốc hội đang họp thôi, giờ lại có vẻ im ắng, chìm xuống. Ông bình luận gì về vấn đề này?

Hiện nay, theo tôi được biết, các cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra các bước tiếp theo. Tất nhiên là không phải họ làm cứ phải ầm ĩ lên thì mới là đang làm.

Phải điều tra cẩn trọng, bao giờ họ kết thúc điều tra, có kết luận, có hình thức xử lý thì lúc đó mới thông tin công khai, chứ giờ đang trong lúc điều tra thì làm sao mà làm ầm ĩ lên được.

Ngay cả việc xử lý về mặt Đảng, thì Đảng cũng chủ động làm chứ không phải là khi có họp Quốc hội thì mới làm đâu. 

Vụ việc này là người ta đang tiếp tục làm, không dừng đâu. Bây giờ đang điều tra đến khối tài sản, nhà cửa của con trai ông Truyền, người ta cũng đang làm rồi. Tất nhiên các cuộc điều tra thì nó phải là quá trình, chứ không thể ngày một ngày hai đưa ra kết luận được.

Việc này tôi tin chắc chắn sẽ làm đến nơi đến chốn. Hiện nay công tác phòng chống tham nhũng đang được làm khá quyết liệt. Có thể thấy, từ vụ việc của ông Trần Văn Truyền cho đến mới đây là vụ thu hồi nhà của ông Hoàng Văn Nghiên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, đều cho thấy là mình đang làm quyết liệt, làm rất tốt.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Lan (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn