Đề nghị không thu thuế nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở xuống

Bất động sảnThứ Ba, 17/04/2018 07:51:00 +07:00

Trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, HoREA đề nghị áp dụng không thu thuế đối với nhà ở có giá trị từ 1 tỷ đồng trở xuống, để thu hẹp diện đối tượng chịu thuế và hỗ trợ thiết thực cho những người có thu nhập thấp trong xã hội.

Liên quan đến đề xuất đánh thuế nhà có giá trị vượt mức 700 triệu đồng của Bộ Tài chính đang bị phản ứng dữ dội trong những ngày gần đây, ngày 16/4, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị áp dụng không thu thuế đối với nhà ở có giá trị từ 1 tỷ đồng trở xuống.

Lý do HoREA đưa ra là để thu hẹp diện đối tượng chịu thuế, đồng thời hỗ trợ thiết thực cho những người có thu nhập trung bình thấp và thu nhập thấp trong xã hội.

HoREA cho rằng, đánh thuế nhà ở trên 700 triệu đồng là “thuế chồng thuế”. Vì khi để làm ra một căn nhà, người dân đã phải đóng rất nhiều loại thuế. Mua một căn nhà đã phải trả nhiều loại thuế, xây nhà cũng đóng các loại thuế và nay ở trong ngôi nhà của mình cũng bị đánh thuế thì rất bất cập.

zxcv

 HoREA đề nghị áp dụng không thu thuế đối với nhà ở có giá trị từ 1 tỷ đồng trở xuống, để thu hẹp diện đối tượng chịu thuế và hỗ trợ thiết thực cho những người có thu nhập thấp trong xã hội.

"Hiệp hội đề nghị áp dụng không thu thuế đối với nhà ở có giá trị từ 1 tỷ đồng trở xuống để thu hẹp diện đối tượng chịu thuế và hỗ trợ thiết thực cho những người có thu nhập trung bình thấp và người có thu nhập thấp trong xã hội. Như tại TP.HCM, đa số người dân đang sống trong những căn nhà có giá trị khoảng 1 tỷ đồng trở xuống.

Vì vậy, Dự án Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính chỉ đề xuất áp dụng thuế suất 0% đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở xuống thì chưa thỏa đáng", văn bản kiến nghị ghi rõ.

Bên cạnh những bất cập có thể xảy ra trong việc đánh thuế nhà ở trên 700 triệu đồng, Hiệp hội tán thành việc xác định giá 1m2 đất tính thuế là giá 1m2 đất tại bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành, vì đảm bảo được tính minh bạch.

Hiệp hội cũng tán thành cách tính có phân biệt giá nhà mới xây dựng và giá nhà đã qua sử dụng như dự án Luật Thuế tài sản đã đề xuất. Tuy nhiên, nên lưu ý cơ chế thực thi Luật Thuế tài sản sau khi được thông qua, trong công tác đánh giá tỷ lệ (%) chất lượng còn lại của nhà đã qua sử dụng để tránh nhũng nhiễu, tiêu cực.

Việc đề xuất áp dụng mức thuế suất 0,4% đối với đất ở, đất xây dựng nhà chung cư, nhà ở có giá trị trên 1 tỷ đồng (theo đề xuất của Hiệp hội) có thể chấp nhận được khi so sánh với thuế suất cao hơn của nhiều nước, nhưng do mức sống của người dân nhìn chung còn rất thấp so với các nước khác, nên mức thuế suất được Bộ Tài chính đề xuất cao hơn 13 lần so với thuế suất đang áp dụng hiện nay sẽ trở thành gánh nặng cho người sở hữu nhà ở thuộc diện chịu thuế.

HoREA cho rằng, nên áp dụng mức thuế suất cao hơn, như dự thảo Luật Thuế tài sản đề xuất áp dụng thuế suất 1% "đối với đất sử dụng không đúng mục đích; đất và nhà thuộc đối tượng chịu thuế không đưa vào sử dụng".

Áp dụng mức thuế suất 2% "đối với đất và nhà thuộc đối tượng chịu thuế lấn, chiếm", để khuyến khích đưa nhà, đất vào sử dụng, tránh lãng phí, chống bao chiếm, đầu cơ nhà, đất hoặc để răn đe các trường hợp vi phạm pháp luật về nhà, đất, như dự thảo Luật là cần thiết.

Video: Có thể đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng, người dân nói gì?

Nên bãi bỏ Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp khi ban hành Luật Thuế tài sản như dự thảo đã đề xuất.

HoREA đánh giá cao việc Bộ Tài chính đã căn cứ vào giá trị tài sản để tính thuế và nêu chính kiến về việc "không thực hiện phương án đánh thuế đối với ngôi nhà thứ hai trở đi" trong dự án Luật Thuế tài sản để tránh tác động tiêu cực đến thị trường nhà cho thuê đang là xu thế lựa chọn thuê nhà của nhiều tầng lớp trong xã hội.

"Vì có trường hợp, người chỉ có một căn nhà nhưng lại có giá trị rất cao như biệt thự, lâu đài mà không bị đánh thuế tài sản, nếu so sánh với người tuy có 2, 3 căn nhà nhưng tổng giá trị các căn nhà đó thấp mà phải chịu thuế đánh trên người có nhiều nhà thì không hợp lý và không công bằng", HoREA nhấn mạnh.

Về thời điểm ban hành Luật Thuế tài sản, Hiệp hội kiến nghị xem xét, ban hành Luật Thuế tài sản sau thời điểm năm 2020 đồng bộ với việc sửa đổi Luật Đất đai để giảm mức thu tiền sử dụng đất thì phù hợp hơn.

Trong trường hợp chưa sửa đổi chế định tiền sử dụng đất trong Luật Đất đai theo hướng giảm tiền sử dụng đất, mà Quốc hội vẫn xem xét thông qua đề án Luật Thuế tài sản, thì Hiệp hội đề xuất chỉ áp dụng thuế suất không quá 0,1% (mức thuế suất này cũng đã cao hơn 3 lần mức thuế suất 0,03% đánh trên đất ở hiện nay trong Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp) đánh trên nhà ở có giá trị trên 1 tỷ đồng.

Bởi lẽ, hiện nay, lệ phí trước bạ nhà đất đánh trên mỗi lần chuyển nhượng cũng đã được giảm về mức 0,5%, còn thuế tài sản (nhà đất) là khoản thuế mà người có tài sản phải nộp thường xuyên hàng năm, nên thuế suất thấp hơn mức lệ phí trước bạ là hợp lý, và nhất là người mua nhà đã phải nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước khi mua nhà.

Hiện, Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Luật Thuế tài sản. Theo đó, Bộ này dự kiến đánh thuế đối với nhà, đất ở, tàu bay, du thuyền, ô tô có giá trị 1,5 tỷ đồng trở lên.

Cụ thể, với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án đánh thuế: Một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên. Bộ Tài chính đề nghị nghiêng về áp dụng phương án đánh thuế 0,4% với nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên.

Điều này, theo Bộ Tài chính, là “phù hợp với quy định mức thuế suất thuế tài sản của các nước”, khai thác tốt nguồn thu từ thuế tài sản, đảm bảo thuế tài sản là nguồn thu ổn định của ngân sách nhà nước, thực hiện mục tiêu cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước.

Dự kiến, ngân sách có thể thu được 31 nghìn tỷ đồng/năm nếu đề xuất này được áp dụng.

Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn