Đề nghị hủy đề xuất xử phạt báo chí thông tin sai 100 triệu đồng

Thời sựThứ Năm, 05/02/2015 04:41:00 +07:00

Ngày 5/2/2015, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo "Chế tài hành chính về xử lý thông tin sai sự thật trên báo chí: Ai cũng được phạt báo chí?"

(VTC News) - Ngày 5/2/2015 tại Hà Nội, Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng (MEC) phối hợp cùng báo điện tử VTC News, báo điện tử Infonet, báo Pháp luật TPHCM và báo Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo "Chế tài hành chính về xử lý thông tin sai sự thật trên báo chí: Ai cũng được phạt báo chí?".

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh cơ quan nhà nước thuộc nhiều lĩnh vực như Tài chính, Y tế, Giáo dục, Khoa học & Công nghệ, Tài nguyên & Môi trường, Giao thông,… đang soạn thảo và đưa ra chế tài xử phạt nhà báo, cơ quan báo chí về hành vi “thông tin sai sự thật” liên quan đến lĩnh vực họ quản lý với nhiều mức phạt khác nhau, nhiều chủ thể phạt khác nhau gây ra sự chồng chéo trong quản lý báo chí và ảnh hưởng đến môi trường tác nghiệp báo chí.
Hội thảo "Chế tài hành chính về xử lý thông tin sai sự thật trên báo chí: Ai cũng được phạt báo chí? 

Vấn đề này đã được báo chí phản ánh nhiều lần, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Tư pháp chủ trì giải quyết, nhưng tờ trình của Bộ này vẫn bị phản đối.

Theo nghiên cứu của MEC, pháp luật về báo chí hiện hành (Luật Báo chí sửa đổi 1999 và Quy chế 03/2007 về cải chính trên báo chí do Bộ Văn hóa-Thông tin ban hành) đang trao cho các bộ, ngành quyền kết luận về các nội dung báo chí nêu liên quan đến lĩnh vực quản lý của mình; từ đó có quyền yêu cầu báo chí cải chính, xin lỗi.

Đại diện MEC cho biết sẽ tổng hợp ý kiến phát biểu, khảo sát tại buổi hội thảo này để chính thức có văn bản kiến nghị gửi tới Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan đề nghị hủy bỏ đề xuất bổ sung Điều 8a (trong đó có quy định xử phạt báo chí thông tin sai 100 triệu đồng - PV) vào sau Điều 8 của Nghị định 159/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản.

 
Ngoài Bộ Thông tin và Truyền thông thì các cơ quan, bộ ngành khác lấy thẩm quyền ở đâu để triệu tập phóng viên các báo tới cơ quan mình, rồi lập biên bản vì thông tin sai sự thật và chuyển văn bản sang Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt?
Luật sư Nguyễn Thế Truyền
 
Đồng thời MEC sẽ kiến nghị Chính phủ thống nhất giao một đầu mối là Bộ Thông tin và Truyền thông xác định, xử phạt thông tin sai sự thật theo Nghị định 159/2013; bổ sung chế tài đối với cơ quan quản lý nhà nước vào Điều 9 Nghị định 159/2013 về việc chậm cung cấp thông tin, cung cấp thông tin sai và cung cấp thông tin không đầy đủ.


Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Hùng – Hàm vụ trưởng Vụ báo chí xuất bản, Ban Tuyên giáo Trung ương nêu ý kiến: “Theo Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản. Đầu mối để có thể xử phạt Báo chí khi có những thông tin không chính xác được giao cho Thanh tra bộ Thông tin và Truyền thông.

Tuy nhiên, hiện tại có thêm kiến nghị từ các Bộ ngành và có văn bản tới đây các Bộ ngành cũng có thể xử phạt thì câu chuyện này cũng phải được làm rõ. Bởi vì nếu không, mỗi Bộ ngành sẽ có một chế tài riêng, đồng nghĩa với việc văn bản sau chồng chéo lên văn bản trước và ai cũng có thể tham gia việc xử phạt đó thì sẽ tạo ra một sự nhiễu loạn.”

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Ngoài Bộ Thông tin và Truyền thông thì các cơ quan, bộ ngành khác lấy thẩm quyền ở đâu để triệu tập phóng viên các báo tới cơ quan mình, rồi lập biên bản vì thông tin sai sự thật và chuyển văn bản sang Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt?


Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông có thẩm quyền để thẩm tra lại văn bản của thanh tra các bộ khác gửi sang hay không? Việc xử phạt báo chí thông tin sai hãy để cho cơ quan quản lý báo chí thực hiện. Bộ ngành thấy báo chí viết sai thì hãy gửi văn bản tới cơ quan báo chí đó, nếu họ không giải quyết thì gửi ngay đơn tới tòa án.”

Ông Đào Ngọc Tước - Phó Tổng biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cho biết, các cơ quan báo chí sẵn sàng bồi thường thiệt hại cho đơn vị liên quan khi thông tin sai sự thật, nhưng việc bồi thường phải được dựa trên phán quyết của tòa án, chứ không phải ngành nào cũng có thẩm quyền tự quyết việc xử phạt.

Ông Mai Phan Lợi – Trưởng đại diện Báo Pháp luật TPHCM tại Hà Nội nêu quan điểm: “Tôi không hiểu họ lấy căn cứ ở đâu để đưa ra đề xuất xử phạt số tiền lên tới 100 triệu đồng, trong khi quy chế về phát ngôn với báo chí không được các bộ ngành thực hiện nghiêm túc, đầy đủ. Chưa có chế tài về việc cung cấp thông tin chậm trễ, không kịp thời và thiếu chính xác cho báo chí thì xử lý thế nào?”

Nam Minh
Bình luận
vtcnews.vn