Để kiềm chế Nga thời hậu INF, NATO chốt gói biện pháp phòng thủ

Thế giớiThứ Năm, 27/06/2019 17:24:00 +07:00

NATO cho biết gói biện pháp phòng thủ này sẽ không ảnh hưởng đến cuộc đối thoại với Matxcơva trong khuôn khổ Hội đồng Nga-NATO.

Các nước thành viên NATO đã nhất trí về gói biện pháp chính trị, quân sự nhằm đối phó với trường hợp Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) bị chấm dứt, trong đó có đề cập đến các cuộc tập trận, hành động trong lĩnh vực tình báo, phòng thủ tên lửa và các loại vũ khí thông thường. Thông tin trên được đưa ra hôm thứ Tư bởi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong bài phát biểu tổng kết phiên họp đầu tiên của Hội đồng Bộ trưởng.

“Ngày hôm nay, các Bộ trưởng đã quyết định rằng NATO sẽ đáp trả nếu Nga không quay trở lại thi hành Hiệp ước. NATO sẽ tuân thủ đúng quan điểm phòng thủ và cân nhắc kỹ trước khi thực hiện bất cứ điều gì” - ông Stoltenberg tuyên bố.

Tuy nhiên, NATO vẫn sẽ “duy trì khả năng răn đe hiệu quả”. “Theo đó, các bộ trưởng NATO cũng đã xem xét đến các biện pháp có thể như các chương trình diễn tập, tình báo” - vị Tổng thư ký khẳng định, tuy nhiên không cho biết chi tiết.

2

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. (Ảnh: flickr.com)

“Bên cạnh đó, các vấn đề về khả năng phòng thủ tên lửa và phòng không, về năng lực trong lĩnh vực vũ khí thông thường cũng đang được chúng ta xét đến” - ông Stoltenberg cho biết thêm.

NATO cam kết “không triển khai thêm tên lửa hạt nhân ở châu Âu”, nhưng đồng thời cũng cảnh báo sẽ duy trì “tính hiệu quả và chắc chắn trong khả năng răn đe hạt nhân của mình”. Toàn bộ cuộc thảo luận của 29 vị Bộ trưởng về các biện pháp quân sự chống lại Nga chỉ kéo dài hơn 1 giờ.

Tổng thư ký Stoltenberg một lần nữa đặt toàn bộ trách nhiệm khiến Mỹ đơn phương rút khỏi Hiệp ước INF lên vai Nga, đồng thời khẳng định “ngay từ thời chính quyền Tổng thống Barack Obama” chính Nga là bên đã vi phạm Hiệp ước này.

Ông Stoltenberg cũng kêu gọi Nga nên “quay trở lại với Hiệp ước”, nghĩa là nên hoàn thành tối hậu thư của Mỹ và phá hủy tất cả các mẫu tên lửa hành trình mới, đặc biệt là 9M729. Về phần mình, Matxcơva đã nhiều lần tuyên bố rằng các mẫu tên lửa trên hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu của INF.

Bất chấp gói biện pháp quân sự răn đe Nga mới công bố, NATO vẫn tin rằng tất cả điều này sẽ không ảnh hưởng đến cuộc đối thoại với Matxcơva trong khuôn khổ Hội đồng Nga-NATO.

Đầu năm nay, với cáo buộc Nga có những vi phạm Hiệp ước kéo dài, Washington tuyên bố đơn phương rút khỏi INF.

Đáp lại, Matxcơva phủ nhận mọi cáo buộc. Ngày 2/2, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ ngừng tuân thủ Hiệp ước. Người đứng đầu Điện Kremlin khẳng định tất cả các đề xuất của phía Nga liên quan đến việc giải trừ quân bị “vẫn đang nằm trên bàn và cánh cửa đối thoại vẫn mở”. Tuy nhiên, từ đó đến này vẫn chưa hề có bất kỳ đề xuất đàm phán nào như thế được đưa ra.

Văn Đức
Bình luận
vtcnews.vn