Để không còn điều đáng tiếc như Flappy Bird

Kinh tếThứ Hai, 17/02/2014 02:35:00 +07:00

Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình & Thông tin điện tử Hoàng Vĩnh Bảo chia sẻ quan điểm từ góc độ cơ quan quản lý về sự kiện game Flappy Bird của Việt Nam nổi tiếng khắp thế giới.

Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình & Thông tin điện tử Hoàng Vĩnh Bảo chia sẻ quan điểm từ góc độ cơ quan quản lý về sự kiện game Flappy Bird của Việt Nam nổi tiếng khắp thế giới.
hoang vinh bao

Ông Hoàng Vĩnh Bảo - Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin - Truyền thông).

- Báo chí phương Tây gọi cái kết của Flappy Bird là một "câu chuyện buồn". Ông có đồng tình với cách nghĩ này?
- Tôi nghĩ rằng dùng từ "đáng tiếc" trong trường hợp này thì phù hợp hơn, vì chưa chắc với cá nhân Đông, việc đóng cửa Flappy Bird đã là một chuyện buồn. Cậu ấy hẳn phải có những lý do riêng khi đưa ra quyết định như vậy. Và nếu đúng như Đông trả lời phỏng vấn báo Forbes, rằng anh quyết định “khai tử” trò chơi này vì không muốn “nó trở thành một sản phẩm gây nghiện” thì đó là một hành động rất nhân văn, rất đáng trân trọng.
Đa số mọi người, kể cả tôi, đều cảm thấy tiếc nuối vì hành trình thú vị của trò chơi này chỉ mới kéo dài 28 ngày, từ lúc được đứng đầu các quầy ứng dụng cho tới khi bị gỡ xuống. Nếu tiếp tục được sống, có lẽ Flappy Bird sẽ còn lập nhiều kỷ lục hơn nữa và sự chú ý của giới truyền thông quốc tế dành cho các tài năng phát triển game Việt sẽ còn nhiều hơn.
- Ông có nghĩ rằng quyết định này là có phần vội vàng? Phải chăng chính sức ép từ truyền thông và dư luận đã khiến Đông vội vàng như vậy?
Cách mà truyền thông trong nước phản ánh về Đông thời gian qua thực sự là điều khiến những người trực tiếp quản lý báo chí, trang mạng như chúng tôi cảm thấy trăn trở.
Nếu để ý kỹ, ta sẽ thấy có hẳn hai luồng ý kiến đối lập nhau trên các phương tiện truyền thông, lấy mốc là thời điểm Đông thông báo gỡ game. Trước khi có động thái bất ngờ đó từ phía Đông, rất nhiều trang mạng đã không ngần ngại dịch, đăng tải những ý kiến và thậm chí suy diễn có phần ác ý, hoài nghi, chế giễu từ cả báo nước ngoài lẫn các nhân vật trong nước về Flappy Bird.
Trên nhiều trang blog và diễn đàn, người ta cũng nêu ra rất nhiều câu hỏi, hoài nghi như kiểu "Đông đã gian lận, Đông sao chép ý tưởng".... Tuy nhiên, sau khi game được gỡ xuống thì có cảm giác như giới truyền thông trong nước cũng giật mình nhìn lại. Lúc này thì hầu hết các báo đều quay sang đặt vấn đề về sự đố kỵ đã giết chết sáng tạo ra sao, hay mổ xẻ nguyên nhân vì sao Flappy Bird lại bị khai tử.
Tôi có đọc được bài xin lỗi công khai mà báo nước ngoài viết cho Đông mới đây. Họ rất thẳng thắn, sai thì nhận và xin lỗi. Họ cũng chủ động bào chữa cho Đông trước những cáo buộc thiếu căn cứ trước đó nhắm vào cậu ấy. Tôi cho rằng đó là hành động rất văn hóa, rất chuyên nghiệp mà báo chí và truyền thông Việt Nam cần và nên học tập một cách nghiêm túc. Việc truyền thông thay đổi quan điểm về Đông, nhìn nhận câu chuyện theo hướng tích cực hơn có lẽ như  đã là một sự xin lỗi, một sự cầu thị, nhưng như vậy là chưa đủ và có vẻ như đã muộn.
Điều mà những nhà quản lý như chúng tôi trăn trở nhất lúc này và cũng rất mong báo chí, truyền thông trong nước tự mình nhìn nhận lại mình, làm sao để tình trạng mà có người gọi là "đánh hội đồng" đó không tái diễn trong tương lai.
Tại sao có những tờ báo, trang mạng “bới lông tìm vết” chỉ săm soi nhìn vào mặt xấu, mặt tiêu cực của vấn đề để phản ánh, trong khi Việt Nam chúng ta rất cần những tấm gương, những điển hình như Đông để khích lệ giới trẻ, giới phần mềm trong nước, cũng như để thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư nước ngoài?
Tại sao những người như Đông lại không nhận được sự ủng hộ trên chính sân nhà ngay từ đầu? Việc chỉ ra những sự không hoàn hảo Flappy Bird là không sai, nhưng báo chí cần phản ánh bằng thái độ khác, mang tính xây dựng chứ không nên vùi dập.
Đáng lẽ, sự kiện Nguyễn Hà Đông với Flappy Bird phải được xã hội nói chung, đặc biệt là giới truyền thông trong nước nâng niu, chỉ dẫn…để chắp cách cho tài năng phát triển theo đúng luật chơi trong nước và quốc tế.
- Có ý kiến cho rằng bên cạnh việc sợ Flappy Bird gây hại cho người chơi, một phần lý do khiến Đông đóng cửa sản phẩm của mình còn là vì các vấn đề có thể phát sinh về thuế và bản quyền?
- Tôi nghĩ rằng một số tờ báo đã hơi vội vàng khi đặt ra vấn đề về thuế lúc này. Cơ quan thuế không sai, phóng viên hỏi thì họ phải trả lời đúng chức trách, đúng luật. Tuy nhiên, trường hợp của Đông là đầu tiên, chưa từng có tiền lệ và thành công của cậu ấy sẽ có sự khích lệ rất lớn đối với cộng đồng phát triển game, ứng dụng, phần mềm Việt.
Có thể chúng ta sẽ cân nhắc để có những chế độ đãi ngộ hoặc ưu đãi riêng cho những trường hợp như vậy, nhưng tất cả đều phải trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật và công bằng.
Các công ty công nghệ cao, theo luật Việt Nam, đều được hưởng nhiều chính sách ưu đãi. Nếu như game di động phát triển lành mạnh và tạo ra nguồn thu lớn cho Nhà nước, nâng vị thế của ngành CNTT Việt Nam trên trường quốc tế…thì việc nghiên cứu để có chính sách ưu đãi về điều kiện làm việc, về thuế, về hạ tầng ...là hoàn toàn có thể.
Từ Flappy Bird đến tiềm năng phần mềm Việt Nam
- Sau Flappy Bird, sự chú ý của giới truyền thông và đầu tư quốc tế dành cho Việt Nam đang tăng lên. Một số tờ báo uy tín của Mỹ thậm chí đã nêu câu hỏi về việc Việt Nam có thể tạo ra một thung lũng Silicon thứ hai?
- Tại Mỹ, những công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ là vô cùng nhiều, đặc biệt là trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số. Rất nhiều công ty như vậy đã thành công, khi được các đại gia công nghệ mua lại với giá hàng chục triệu USD, thậm chí là tỷ đô. Ngay lúc này, chúng ta thấy viễn cảnh đó có phần xa vời với các công ty công nghệ Việt.
Nhưng chúng ta hãy bình tĩnh nhìn lại: 10 năm trước, chẳng ai biết Facebook là gì và 2 tháng trước cũng chưa mấy ai chơi Flappy Bird. Mạng Internet có thể khiến cho mọi thứ thay đổi rất nhanh chóng.
Thành công của Đông đã cho giới phát triển phần mềm và ứng dụng nội dung thấy rõ một điều là rào cản để thâm nhập thị trường toàn cầu giờ đây quá thấp, gần như bằng 0. Studio game của Đông chỉ có đúng một lập trình viên, game cũng đơn giản, lập trình trong vài ngày là xong. Cái Đông làm được chính là một ý tưởng khác biệt.
Điều đó mở ra cách tư duy khác cho các doanh nghiệp khởi nghiệp: Họ không cần phải tìm đâu xa, chỉ cần có một ý tưởng hay và tập trung đi theo ý tưởng đó (có thể cộng thêm một chút may mắn nữa) thì khả năng thành công là hoàn toàn có thể.
Tôi cho rằng phát triển phần mềm và ứng dụng di động là hướng đi đặc biệt phù hợp với tố chất của người Việt. Chúng ta thông minh, sáng tạo, có kỹ năng nhưng thiếu nguồn lực. Sinh viên công nghệ ra trường giỏi về kiến thức nhưng thiếu các kỹ năng mềm như phối hợp nhóm, thiếu hiểu biết về luật pháp quốc tế. Phát triển ứng dụng di động là công việc có thể phát huy những điểm mạnh và bỏ qua những điểm yếu đó, vì họ hoàn toàn có thể làm việc độc lập và không cần đến vốn đầu tư ban đầu quá lớn.
Trong khi đó, ứng dụng di động lại đang là một mỏ vàng. Các hãng như Apple kiếm được hàng chục tỷ đô từ ứng dụng, rất nhiều các hãng phần mềm trở nên giàu có nhờ ứng dụng di động, kể cả khi sản phẩm của họ được tải miễn phí như hãng King với trò chơi Candy Crush. Cơ hội là rất lớn, vấn đề là chúng ta có đón được hay không thôi.
Thật ra thì Đông không phải là người duy nhất thành công với game. Nhiều công ty Việt cũng đã có một số thành quả bước đầu với game, nhưng tất nhiên là quy mô, rồi sự nổi tiếng, sự chú ý, thu hút dư luận thì không thể so sánh được. Nhưng cũng có chứ không phải là số 0 hoàn toàn. Chúng ta đã xuất phát, nhưng cần phải tăng tốc. Lúc này, nhờ Flappy Bird, các nhà đầu tư nước ngoài đã và đang dành sự chú ý khá lớn cho ngành phát triển phần mềm ở Việt Nam. Chúng ta cần tận dụng cơ hội này để biến nó thành một thị trường thực sự.
Theo Sách trắng của Bộ thì số lượng doanh nghiệp nội dung số có đăng ký kinh doanh tính đến cuối năm 2012 là gần 4000. Con số này còn rất khiêm tốn so với năng lực và tiềm năng của chúng ta. Doanh thu năm 2012 cũng mới chỉ đạt 1,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng không đáng kể trong toàn ngành công nghiệp CNTT - truyền thông.
Nhưng hy vọng năm nay tình hình sẽ thay đổi đáng kể, vì mọi người bắt đầu cảm thấy tự tin hơn, theo kiểu "Nếu Đông làm được, chúng tôi cũng có thể làm được". Điều quan trọng bây giờ là có cơ chế, chính sách khích lệ, động viên và nuôi dưỡng những tài năng trẻ như Nguyễn Hà Đông để họ phát huy tối đa sức sáng tạo và niềm đam mê trong lĩnh vực chuyên môn của mình.
Vài năm trở lại đây, CNTT không còn là ngành tuyển sinh "hot" trong mắt giới trẻ mà thay vào đó là Ngoại thương, Kinh tế. Nhưng tôi tin là câu chuyện của Đông sẽ tạo được cảm hứng cho giới trẻ, để họ quan tâm trở lại ngành CNTT trong mùa thi đại học năm nay.
Game di động: Khích lệ hay hạn chế?
- Việc phát triển và xuất khẩu phần mềm là một định hướng lớn của Bộ TT&TT, nhưng game lại là một câu chuyện khác. Đối với game online, hiện chúng ta vẫn đang đứng giữa hai lựa chọn: Nên kiềm chế hay nên phát triển. Liệu bài toán này có lặp lại với game di động không thưa ông?
- Mục tiêu các chính sách quản lý game trên mạng nói chung là nhằm phát huy tối đa mặt tích cực và hạn chế tối đa mặt tiêu cực của nó. Trong mặt tiêu cực của game, có hai vấn đề rất cơ bản cần đặc biệt quan tâm hạn chế, đó là: nội dung không lành mạnh (kích động bạo lực, trái thuần phong mỹ tục…) và có tính gây nghiện cao. So với game trực tuyến thì game di động lành mạnh hơn. Người chơi game di động không nhất thiết phải vào các quán game online nên nhiều hiện tượng tiêu cực cũng vì thế mà được hạn chế.
Thứ hai, như tôi đã phân tích ở trên, sản phẩm di động thường gọn nhẹ, đơn giản, người chơi chủ yếu chơi lúc nghỉ ngơi, chờ đợi, di chuyển trên phương tiện công cộng chứ không có điều kiện ngồi lì cả ngày lẫn đêm bên máy tính như game online. Mặt khác, dung lượng pin điện thoại thấp, không thể chơi với thời gian dài cũng là yếu tố góp phần hạn chế gây nghiện. Với những game nội dung giải trí đơn thuần, cho tới thời điểm này thì cơ quan quản lý chưa thấy lý do gì để phải hạn chế game di động.
Hơn nữa, ứng dụng di động, nhất là game, đang là một xu hướng phát triển tất yếu của thế giới. Ngay cả các hãng máy tính cũng đã phải chuyển sang lĩnh vực di động hết. Thị trường này mới mẻ nên xuất phát điểm của chúng ta không quá chậm so với các nước. Đó là một điểm lợi. Nếu như chúng ta sớm có định hướng dành cho ngành game di động và ứng dụng di động thì việc quản lý sau này sẽ hiệu quả hơn. Nếu kiểm soát chặt, thậm chí hạn chế vì lo ngại tiêu cực thì các công ty sẽ vẫn vì lợi nhuận mà tìm cách lách luật, khiến cho thị trường phát triển què quặt, không lành mạnh mà Việt Nam cũng chẳng được hưởng lợi gì từ thế giới.
Quan điểm của tôi là phát triển ứng dụng hoàn toàn phù hợp với tố chất người Việt cũng như nền kinh tế Việt, khi sản phẩm không đòi hỏi đầu tư quá lớn nhưng vẫn có thể thu hút được đông người sử dụng. Việc tiến ra nước ngoài, tiếp cận với khách hàng quốc tế thông qua các quầy ứng dụng cũng rất dễ dàng, không phải chật vật đi tìm đầu ra tiêu thụ như sản phẩm phần cứng hay gia công phần mềm hiện nay. Sức sáng tạo, chất xám của con người Việt vẫn được phát huy, nguồn tiền có thể thu về lại rất lớn.
Những nhân tố như Nguyễn Hà Đông vì thế rất cần được ủng hộ, khích lệ, động viên và phát huy, để Việt Nam trong tương lai sẽ có thêm nhiều Flappy Bird hơn nữa.
Các cơ quan quản lý cần cố gắng hỗ trợ ngành phát triển ứng dụng di động bằng chính sách và môi trường pháp lý để đảm bảo thị trường này phát triển lành mạnh.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng cần rút ra những bài học từ câu chuyện của Đông, đó là khi tham gia hoạt động kinh doanh trong bất kỳ ngành nghề nào kể cả trong nước và  quốc tế, chúng ta cần phải nắm vững luật pháp, chính sách, trong đó đáng chú ý là tham khảo, nghiên cứu kỹ và nắm chắc các vấn đề về bản quyền, về thuế, cũng như có cách quan hệ với báo chí, truyền thông phù hợp để vừa quảng bá, phát triển hiệu quả, vừa tránh được những hiểu lầm, những rắc rối không đáng có, đôi khi làm thui chột tài năng, sự sáng tạo và kìm hãm sự phát triển.
Xin cảm ơn ông!
Bình luận
vtcnews.vn