Dê đi lạc, gà nhầm nhà: ‘Tham nhũng vặt chỉ làm dân bực mình’

Thời sựThứ Năm, 19/03/2015 07:18:00 +07:00

GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, tham nhũng vặt, kiểu ‘ăn’ mấy con gà, con dê chỉ làm cho dân bực mình trong khi tham nhũng chính sách mới là ghê gớm.

(VTC News) – GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, tham nhũng vặt, kiểu ‘'dê nhầm nhà' 'gà đi lạc' chỉ làm cho dân bực mình trong khi tham nhũng chính sách mới là ghê gớm.

Theo GS. Nguyễn Minh Thuyết tham nhũng hiện nay giống như một con rắn, chúng ta mới chỉ đập được cái đuôi. Nó vẫn còn hung dữ và ranh ma chứ không dễ dẹp được ngay. 

Để chống tham nhũng hiệu quả cần phải có sự kiểm soát quyền lực, không kiểm soát được quyền lực sẽ không có cách gì chống được tham nhũng. Chẳng hạn, quốc hội thông qua rất nhiều đạo luật nhưng ẩn sau đấy là cái  gì? Có phải đại biểu nào cũng biết đâu, có biết cũng chưa chắc lên tiếng, lên tiếng cũng không chắc đã được tiếp thu.

GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: Tham nhũng vặt kiểu 'dê nhầm nhà', 'gà đi lạc' không nguy hiểm bằng tham nhũng chính sách
- Từ lâu, tham nhũng đã được Đảng nhận định là một trong bốn nguy cơ đối với sự tồn vong của chế độ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đánh giá việc đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện vẫn còn ‘nửa vời’, chưa thực chất. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Nhận định này đúng và sâu sắc. Bởi vì tham nhũng sẽ đục khoét tài sản và làm đất nước thiếu hụt nguồn lực để phát triển. Nguy hiểm hơn, tham nhũng còn làm “hư” cán bộ, xói mòn niềm tin của người dân vào chế độ. 

Về mặt nhận thức đã rất rõ ràng, và cũng đã có những hành động cụ thể, như nhiều cán bộ cấp cao, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước lớn đã bị điều tra, truy tố xét xử và nhận những bản án nghiêm khắc về hành vi tham nhũng.

Tuy nhiên, việc đấu tranh phòng chống tham nhũng chưa đạt được kết quả tương xứng với tầm quan trọng của nó. Những vụ việc đã được phát hiện ra tương đối lớn nhưng vẫn chỉ trong tình trạng “ tắm từ vai trở xuống”. 

- Có nhiều thông tin về tham nhũng do quần chúng nhân dân phát hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, rồi qua báo chí, mạng xã hội nhưng chúng ta chưa cho điều tra đánh giá, kết luận? 

 GS. Nguyễn Minh Thuyết
Theo tôi, khi một vụ việc “ầm ĩ” lên thì các cơ quan đấu tranh phòng chống tham phải vào cuộc, bất kể người được đưa lên là ai. Nếu vào cuộc mà thấy đúng thì phải đưa ra khởi tố, truy tố, xét xử. Nếu không thì phải công bố rõ cho người dân biết đó là những thông tin không chính xác.

Tôi khi còn là ĐBQH đã đặt ra câu hỏi không phải một lần, đó là có thật sự chúng ta quyết tâm phòng chống tham hay không? Nếu quyết tâm thì phải khác. Tôi nêu điều này giữa hội trường Quốc hội chứ không phải sau lưng bàn trà. 

Một trong những cơ sở để đấu tranh phòng chống tham nhũng là việc kê khai tài sản của quan chức. Tuy nhiên việc kê khai tài sản của nhiều quan chức hiện nay vẫn chỉ mang tính hình thức, thưa ông?
 
Kê khai nhưng không có cơ quan nào đánh giá, một ông ra ứng cử chức vụ nào đó thì làm bản kê khai tài sản đóng dấu mật nhưng lại do chính ông tự kê khai. Đáng ra phải có một cơ quan phòng chống tham nhũng đi thẩm định. Không gì hơn hết là nên công khai tài sản cho người dân biết. 

- Nhiều ý kiến nói rằng không nên đòi hỏi phải công khai tài sản vì vi phạm quyền bí mật tài sản của công dân. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Tôi cho là phải phân biệt hai loại. Một là công dân, hai là quan chức. Đã ra ứng cử vào những chức vụ cấp cao, nhất là những chức vụ liên quan đến lợi ích kinh tế thì buộc phải công khai tài sản. 

Việc kê khai rất sơ sài, khi đưa ra cho người có quyền phê chuẩn hay bầu cử thì cũng chỉ đưa cho xem rồi lại cất ngay vì đây là tài liệu mật nên không ai được đem về, không ai được công bố. 

Những quy định trước đây chúng tôi đề nghị thì đang được các đại biểu  nhắc đến là cấm quan chức gửi tiền và có tài sản ở nước ngoài. Lúc đấy chính tôi đề nghị từ khóa 11 nhưng không có ai nghe, đề nghị của tôi bị “lọt thỏm”. 

Chúng tôi đề nghị phải công khai tài sản của vợ con quan chức. Bởi vì ở Việt Nam có tình trạng quan chức “đẩy” tài sản cho vợ con. 

Tôi cũng đã đề xuất tất cả các quan chức hàng năm phải khai báo về quà tặng, nếu giá trị trên 100 USD thì phải nộp vào ngân quỹ quốc gia. 

Cũng ý kiến nói việc này không khả thi, nhưng quan điểm của tôi, anh cứ việc giấu nhưng nếu bị phát hiện ra sẽ cách chức luôn. Nếu cao có thể cho đi tù. Làm mạnh như thế tôi tin chẳng ai dám tham nhũng. 
 
 

Tham nhũng vặt chỉ làm cho dân bực mình,  người tham nhũng chính sách mới “ghê gớm”, vì chỉ cần đề xuất ra một chính sách, lái chính sách đi một cái là có bao nhiêu lãi.
 
- Gần đây dư luận xôn xao về các vụ tham nhũng kiểu ‘dê nhầm nhà’, ‘gà đi lạc’ vào nhà cán bộ. Ông đánh giá hiện tượng này thế nào?

Tham nhũng vặt chỉ làm cho dân bực mình, mấy ông xã ăn mấy con gà, bí thư huyện lấy mấy con dê của dự án giảm nghèo… không đáng bao nhiêu. 

Theo tôi, ông tham nhũng chính sách mới “ghê gớm”, vì chỉ cần đề xuất ra một chính sách, lái chính sách đi một cái là có bao nhiêu lãi. Đó mới là điều thực sự nguy hiểm.

- Để chống tham nhũng phải để cho dân giám sát cán bộ thật chặt. Tuy cơ chế giám sát hiện nay chưa rõ ràng, không thực sự phát huy hiệu quả?

Đúng vậy. Hiện nay cơ cấu bộ máy nhà nước của chúng ta không giám sát được nhau. Các cơ quan nhà nước không kiểm soát được người đứng đầu. 

Ví dụ, trong một cơ quan biết người đứng đầu tham nhũng sẽ tố cáo kiểu gì? Viết đơn nặc danh thì không xét, viết mà ký tên không xem chừng chính người viết đơn lại “chết” trước. Bởi anh ở trên cao lại báo cho anh ở dưới, vô tình đưa “đầu đập vào đá”. Chỉ có trường hợp lỡ làm ăn “đổ bể”, ăn chia không sòng phẳng dẫn đến kiện cáo nhau “tung tóe”, chứ bình thường ai dám tố cáo. 

- Trong một cuộc hội thảo về phòng chống tham nhũng mới đây, Ban Nội chính Trung ương có có đặt ra vấn đề làm sao cốt thu hồi được tiền tham nhũng. Theo ông, nếu chỉ thu hồi tài sản rồi ‘xong’, miễn truy cứu trách nhiệm… có thực sự hạn chế được tham nhũng?

Cách đặt vấn đề như thế tôi cho cũng là đúng, mà vấn đề này được đặt ra lâu rồi. Nhưng thu hồi xong sẽ được miễn hình phạt, biện pháp này không thể chấp nhận được, không khác gì khuyến khích tham nhũng. Cứ tham nhũng đi, nếu chẳng may có bị phát hiện thì đem nộp lại, không phát hiện thì thôi.

Theo tôi, người tham nhũng tự nguyện nộp lại tài sản tham nhũng thì có thể giảm hình phạt chứ không thể miễn. 

Nhiều khi pháp luật của chúng ta chưa nghiêm, với người này thì khắt khe người khác lại quá “nhẹ nhàng”. Ngay cả dư luận cũng dễ mủi lòng trước một số hoàn cảnh.

Xin cảm ơn ông!

Việt Nguyễn (thực hiện)
Bình luận
vtcnews.vn