Đề án 600 phó chủ tịch xã về huyện nghèo: 97% đủ tiêu chuẩn ‘ăn cơm nhà nước’

Thời sựThứ Tư, 10/05/2017 16:48:00 +07:00

Từ ngày 1/7, 600 phó chủ tịch xã tăng cường về làm việc tại 62 huyện nghèo trên cả nước sẽ biết được mình tiếp tục “ăn cơm nhà nước” hay phải “ăn cơm nhà”.

Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Công tác Thanh niên (Bộ Nội vụ), Giám đốc Ban quản lý Đề án 600 phó chủ tịch xã (PCT) đồng thời là cơ quan soạn thảo và thực hiện đề án cho biết ngày 30/6 tới đây, đề án này sẽ kết thúc sau 5 năm triển khai.

Hinh anh

Ông Vũ Đăng Minh cho biết Đề án 600 PCT xã đã "tìm được đầu ra".

Ông Minh cho biết: “Sau 5 năm triển khai, Đề án 600 PCT xã đã thu được những kết quả tốt. Hiện nay theo đánh giá của chúng tôi, 97% trong số này đều được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có 31% là hoàn thành xuất sắc. Tất cả các nhân sự trong 97% này đều được nhận vào biên chế nhà nước, được bố trí vào các vị trí trong bộ máy chính quyền từ cấp xã đến cấp huyện”.

“Hiện nay đã có 20 người được rút lên làm cán bộ cấp huyện rồi. Trong đó có 2 người làm trưởng phòng, một người làm Trưởng phòng Nội vụ của huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi), một người thì làm Chánh văn phòng HĐND huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang). Còn lại là ở các phòng ban chuyên môn”, ông Minh cho biết.

Theo ông Minh, hiện nay đã có 26 người trong diện Đề án 600 PCT xã đã được bầu vào làm chức danh Chủ tịch UBND xã và gần 100 người được bầu vào làm chính thức chức danh PCT xã nhiệm kì 2016 – 2021.

Về số nhân sự còn lại chưa sắp xếp, ông Minh cho biết, đến ngày 1/7 tới đây, số còn lại sẽ biết được mình “ăn cơm nhà nước” hay “ăn cơm ở nhà”, biết mình sẽ được “ăn cơm huyện” hay “ăn cơm ở xã”. Tôi cho là sẽ ổn thôi”, ông Minh nói.

Đề án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm PCT UBND xã thuộc 62 huyện nghèo trong cả nước được Bộ Nội vụ đề xuất và triển khai trên cơ sở Quyết định số 170/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 26/01/2011.

Sau khi đề án được phê duyệt và triển khai, dư luận đã bày tỏ những băn khoăn về tính khả thi cũng như hiệu quả thực chất của đề án. Về vấn đề này, ông Minh bày tỏ: “Quan trọng là có niềm tin. Các bạn ấy chưa có kinh nghiệm, chúng ta phải tập trung đào tạo, phải đặt niềm tin vào thế hệ trẻ. Đối với 62 huyện nghèo trong cả nước (gồm 600 xã), khi làm chính sách chúng ta phải bám sát vào cơ sở, phải vì cơ sở và phải có niềm tin vào giới trẻ”.

Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương do Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 19/6/2015, một xã loại 2 và 3 chỉ được bố trí một phó chủ tịch UBND xã. Trong khi đó, phần lớn các cán bộ Dự án 600 đều công tác tại các xã khó khăn.

Vì vậy, nếu muốn bố trí thêm một chức danh phó chủ tịch UBND xã thì Chính phủ phải có cơ chế đặc thù hoặc có hình thức tuyển dụng đặc cách với số trí thức trẻ này, nhất là trong điều kiện ngân sách nhà nước eo hẹp và Chính phủ cũng đang chủ trương tinh giản biên chế trong bộ máy nhà nước nhằm giảm bớt sự cồng kềnh và chồng chéo như hiện nay.

Video: Cán bộ gây oan sai, giám đốc, phó giám đốc công an phải chịu trách nhiệm

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn