ĐBQH: Tham gia RCEP, doanh nghiệp Việt cần bắt tay để cạnh tranh hàng ngoại

Tài chínhThứ Sáu, 20/11/2020 06:15:00 +07:00
(VTC News) -

Theo các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đứng trước cơ hội và thách thức của RCEP, doanh nghiệp Việt Nam cần bắt tay nhau, tạo chuỗi liên kết với sức cạnh tranh mạnh mẽ.

Sau 8 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được 15 nước: Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Nhật Bản, New Zealand, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, ký kết sáng 15/11.

ĐBQH: Tham gia RCEP, doanh nghiệp Việt cần bắt tay để cạnh tranh hàng ngoại - 1

15 thành viên tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chiếm gần một phần ba dân số thế giới và khoảng 29% GDP toàn cầu.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, trong khi COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, xu hướng bảo hộ đang nổi lên, RCEP được ký kết đánh dấu mốc quan trọng trong hội nhập kinh tế của các nước tham gia đàm phán.

Cũng giống như các Hiệp định tự do thương mại khác, RCEP vừa tạo ra cơ hội vừa tạo ra thách thức. Điều này khiến doanh nghiệp Việt Nam cần có những bước chuyển mình để nắm bắt và tận dụng lợi thế hiếm có.

Nhận định về RCEP, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Tiến sĩ Kinh tế - nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân – ĐBQH đoàn Hà Nội) cho biết, RCEP sẽ giải quyết được những rào cản trước đây còn tồn tại. Các thủ tục về hóa đơn, thủ tục hải quan sẽ được đơn giản hóa.

Ví dụ như trong các FTA đã có trước đây, không ít sản phẩm xuất khẩu Việt Nam do sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước nằm ngoài FTA nên không đáp ứng yêu cầu xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan. Giờ đây, Trung Quốc, Hàn Quốc và những nước vốn là nguồn cung cấp nguyên liệu chủ yếu của nước ta đều nằm trong RCEP khiến vấn đề về quy tắc xuất xứ để hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan RCEP trở nên dễ dàng hơn.

Cùng với đó, những trao đổi trong vấn đề nội khối, nếu còn vướng mắc cũng nhanh chóng được hóa giải”, ông Cường nhận định.

Tuy nhiên, vị đại biểu cũng đưa ra những cảnh báo về thách thức khó khăn do RCEP mang lại. Một trong những thách thức của RCEP là việc hiệp định này không giải quyết những rào cản thuế quan đơn thuần.

Hoạt động sản xuất kinh doanh trong khối cũng như các mặt hàng trong nội địa đều được hưởng lợi thế về hàng rào thuế quan. Điều này sẽ dẫn đến việc sản phẩm nước ngoài tràn vào Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa nội địa. Đây sẽ là thách thức rất lớn mà các doanh nghiệp Việt cần lưu ý”.

Một thách thức nữa cũng được ông Cường chỉ ra là những cạnh tranh mạnh mẽ đến từ hàng hóa Trung Quốc – một trong những thành viên của RCEP.

Từ trước đến nay, hàng hóa Việt Nam vẫn luôn bị hàng hóa Trung Quốc cạnh tranh mạnh mẽ, từ giá cả đến hình thức. RCEP phá bỏ các rào cản về thuế quan cũng đồng nghĩa sẽ tạo cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam của các doanh nghiệp Trung Quốc. Lợi thế của họ sẽ là thách thức của các doanh nghiệp nội địa”, ông Hoàng Văn Cường nói.

Nhấn mạnh đặc điểm thị trường mở mà RCEP tạo ra, theo đại diện đoàn ĐBQH Hà Nội, trong bối cảnh rào cản được phá bỏ, “sản phẩm nào có giá thành rẻ, chất lượng tốt thì sẽ có sức cạnh tranh tốt hơn”.

Vẫn theo tiến sĩ Hoàng Văn Cường, điều đáng lo ngại là khả năng thích ứng với các FTA của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn kém. “Khảo sát tại các hiệp định trước đây cho thấy, không nhiều doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt được cơ hội với các hiệp định FTA, không biết phải làm gì, thay đổi như thế nào để thích nghi với thị trường mới, bước vào cánh cửa mà các hiệp định tự do thương mại tạo ra”, chuyên gia kinh tế cho hay.

Theo ông, vì thế đây là thời điểm mà các hiệp hội ngành hàng cần vào cuộc để trợ giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực của mình.

Trước hết các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng đủ năng lực đứng ra nghiên cứu doanh nghiệp của mình đang yếu, thiếu ở đâu, cần thay đổi, chuyển đổi như thế nào để tận dụng cơ hội từ RCEP. Vai trò của các Hiệp hội, ngành hàng rất quan trọng. Ngay bản thân các doanh nghiệp cũng chưa thể tự mình thay đổi mà họ phải bắt tay liên kết với nhau. Mỗi doanh nghiệp thay đổi một khâu, để tạo thành chuỗi cung ứng sản xuất, tạo thành sức cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường”, ông Cường khẳng định.

Bàn về RECP, theo ĐBQH - Tiến sĩ kinh tế Trần Hoàng Ngân, hiệp định mở ra thị trường tiềm năng với quy mô 2,2 tỷ người của 15 quốc gia thành viên, tương đương 26.200 tỷ USD, tạo nên khu vực thuơng mại tự do lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, RCEP cũng mang lại nhiều thách thức, tương tự như ở các FTA trước đây. Ông Ngân nhấn mạnh, cần làm thế nào để hiện thực hóa cơ hội, để các doanh nghiệp hiểu được các cơ hội đặc biệt từ RCEP, từ đó tận dụng chúng một cách hiệu quả không phải là điều đơn giản. Thách thức của Việt Nam tại RCEP thấy rõ nhất đó là việc cạnh tranh trực diện trong RCEP sẽ phức tạp hơn tại thị trường xuất khẩu và nội địa.

Vị đại biểu cảnh báo về việc các mặt hàng Việt Nam sẽ chịu sức cạnh tranh trực tiếp từ các nước, trong đó có Trung Quốc. "Hàng Trung Quốc sẽ được hưởng ưu đãi ở tất cả các nước thành viên trong đó có chính Việt Nam và các thị trường lớn của Việt Nam trước đây như Nhật Bản, Hàn Quốc. Do đó, hàng hóa Việt Nam sẽ phải chịu cạnh tranh gay gắt hơn ở thị trường các nước này".

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn