ĐBQH: Sao phải né tránh gọi tên Trung Quốc trong báo cáo về Biển Đông?

Thời sựThứ Năm, 31/10/2019 11:00:00 +07:00

"Ngay trên diễn đàn Quốc hội, vẫn có vị đại biểu né tránh, thay thế việc chỉ đích danh Trung Quốc bằng khái niệm rất mơ hồ là nước ngoài", đại biểu Quốc nói.

Trong phiên thảo luận sáng nay tại Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc thẳng thắn đặt câuhỏi tại sao không chỉ đích danh Trung Quốc – chủ thể của những hành vi vi phạm trên biển Đông, trong bản báo cáo mà Chính phủ trình ra Quốc hội tại kỳ họp.

"Tại sao trước đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của chúng ta đã nói rõ Trung Quốc là người gây bất ổn ở Biển Đông trước bàn dân thiên hạ, trên diễn đàn quốc tế, nhưng báo cáo đọc trước Quốc hội, cũng là trước đồng bào của mình, lại né tránh cái quốc danh vốn đáng kính trọng của một quốc gia văn minh nhưng chúng ta cũng lên án bởi những việc làm trái với luật pháp quốc tế và lợi ích chính đáng của chúng ta?", đại biểu Dương Trung Quốc chất vấn.

"Ngay trên diễn đàn Quốc hội cũng vậy, vẫn có vị đại biểu né tránh, thay thế việc chỉ đích danh Trung Quốc bằng khái niệm rất mơ hồ là nước ngoài. Người dân chúng ta thấy thế nào và người Trung Quốc thấy thế nào về cái tâm thế khó hiểu ấy?Sau này, con cháu chúng ta, những người đọc sử hậu duệ của chúng tôi đọc những văn bản này sẽ nghĩ gì về thời đại chúng ta đang sống?", ông Quốc hỏi. 

Theo vị đại biểu tỉnh Đồng Nai, dân tộc Việt Nam có cả một chiều dài lịch sử và trong mối quan hệ với Trung Quốc không chỉ có chiến tranh bảo vệ tổ quốc mà còn thời kỳ dài hòa hiếu trong quan hệ ngoại giao giữa 2 bên.

"Chúng ta có đầy đủ kinh nghiệm của ông cha chúng ta để giữ ưu thế trong mối quan hệ ấy bảo đảm môi trường hòa bình phát triển. Tôi mong rằng bài học lịch sử ấy sẽ thấm đượm trong hoạt động của thế hệ chúng ta", ông Quốc nêu quan điểm.

duong-trung-quoc

 ĐBQH Dương Trung Quốc. (Ảnh: Quochoi)

Bên cạnh vấn đề biển Đông, đại biểu Dương Trung Quốc cũng cho rằng thực trạng cán bộ thu mình, đóng băng có thể ảnh hưởng nặng nề đến tiến độ xây sân bay Long Thành.

Đại diện ĐBQH tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh đang gánh những trọng trách nặng nề để hoàn thành trách nhiệm liên quan đến dự án sân bay Long Thành. Theo ông Quốc từ giờ đến hết nhiệm kỳ Quốc hội, Chính phủ (giữa năm 2021) là cao điểm của nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, tái định cư vùng dự án. Nhưng vào thời điểm chuyển giao bộ máy quyền lực giữa hai nhiệm kỳ, bộ máy công quyền dễ thu mình, đóng băng, bất động, nguyên nhân là vì mục tiêu an toàn, để giữ vững hoặc cải thiện vị thế trong bộ máy quyền lực. "Điều này có thể làm phương hại đối với việc chỉ đạo dịch vụ công, liên quan đến dự án và người dân”, ông Quốc nói.

Cũng theo ĐBQH Dương Trung Quốc, nếu không khắc phục được điều đó, không có sự năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì việc xây dựng sân bay Long Thành khó hoàn thành.

Mong rằng Đảng hành động để phá đi "cái dớp" trong nhận thức xã hội về nguy cơ trì trệ trong thời điểm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ, cũng có nghĩa để Đồng Nai thực hiện trách nhiệm với dự án của đất nước”, ông Quốc bày tỏ.

Dự án Long Thành và tiến độ thực hiện là chủ đề được ĐBQH quan tâm trong nhiều phiên họp Quốc hội. Chiều 24/10, Quốc hội cũng có phiên thảo luận về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 do Chính phủ trình.

Tại phiên thảo luận này, Đại biểu Dương Trung Quốc cũng đưa ra những ý kiến về sân bay Long Thành. Ông cho rằng, đây là dự án thành phần của quy hoạch từ mấy chục năm nay, nên bây giờ không cần bàn đến việc có làm nữa hay không. “Tuy nhiên, dự án rơi vào thời điểm có sự thay đổi lớn về khoa học công nghệ. Thời gian triển khai dự án lâu như vậy, liệu sân bay Long Thành có bị tác động khi đi vào vận hành không? Ngày hôm nay, công nghệ là cạnh tranh, hiện đại nhất nhưng 10,15 năm nữa thế nào? Rồi cả sự phát triển của thị trường hàng không khu vực, liệu Việt Nam có đóng được vai trò như mong muốn không?”, đại biểu đặt câu hỏi.

Nói về sự chậm trễ của dự án, theo ông Quốc, sân bay Long Thành đang vướng thực trạng có tiền nhưng không có cơ chế để triển khai. "Trong khi chúng ta đang chờ đợi cơ chế thì bộ máy lợi ích ngoài kia đang vận hành. Liệu chúng ta có giải quyết được không? Dự án tới hơn 5.000 ha, xung quanh nó, chắc chắn sẽ phát triển đô thị rất lớn. Chính phủ cần quan tâm, đừng xây xong sân bay rồi mới quay ra làm đô thị. Vừa lãng phí vừa gây ra hậu quả khó lường", ĐB Dương Trung Quốc trăn trở.

Linh Phi
Bình luận
vtcnews.vn