ĐBQH: 'Nhiều cán bộ có biệt phủ, xe sang, đi lên từ đất, lụi tàn cũng vì đất'

Tin nhanh 24hThứ Hai, 15/06/2020 18:25:25 +07:00
(VTC News) -

ĐBQH Đinh Duy Vượt cho rằng, nhiều cán bộ có biệt phủ, xe sang, sự nghiệp đi lên từ đất, cũng có cán bộ lụi tàn vì bị lộ vi phạm liên quan đất đai.

Phát biểu trước Quốc hội chiều 15/6, đại biểu Đinh Duy Vượt (đoàn Gia Lai) nhận định, đất đai là nguồn lực cực lớn nhưng hữu hạn của đất nước.

Tuy nhiên, vấn đề đất đai hiện nay đang rất phức tạp, tiềm ẩn những bất ổn toàn diện đòi hỏi phải có chủ trương, quyết sách, thậm chí phải có cuộc cách mạng về đất đai, nhất là vùng đồng bào dân tộc, trong đó có sửa đổi toàn diện về luật đất đai.

"Bởi lẽ đã xuất hiện nhiều tỷ phú, triệu phú, địa phú từ đất, đồng thời có nhiều cán bộ có biệt phủ, xe sang, rất giàu, giàu nhanh bất thường, thậm chí sự nghiệp lên từ đất. Cũng có không ít người lụi tàn là các đồng chí đã bị lộ, càng tăng thêm sự hoài nghi của nhân dân, gắn với tình trạng khiếu kiện đông người, gay gắt tăng lên.

Đã có nhiều điểm nóng và tương lai sẽ rất nóng bởi các chính sách thu hồi đất giao cho doanh nghiệp "tay không bắt giặc", "lấy mỡ nó rán nó", "mượn đầu heo nấu cháo" được giao thuê làm dự án với giá bèo để phân lô bán nền tại các đô thị và các địa phương.

Vấn đề này lây lan như dịch COVID-19, cũng chưa có thuốc đặc trị, tiềm ẩn cho các ngân hàng có vốn Nhà nước gặp nhiều rủi ro, hoặc đứng sau các dự án có thể là người nước ngoài, nhất là các vị trí nhạy cảm về quốc phòng an ninh.

Nhiều dự án có chung thủ đoạn uỷ quyền lòng vòng, mục đích là lừa đảo, cần có sự chỉ đạo của các cơ quan tư pháp nghiên cứu kịp thời, xử lý để bịt kẽ hở pháp luật này", ông Vượt nói.

ĐBQH: 'Nhiều cán bộ có biệt phủ, xe sang, đi lên từ đất, lụi tàn cũng vì đất' - 1

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai).

Theo đại biểu Đinh Duy Vượt, với các tỉnh miền núi, có lẽ đất đai là nguồn lực duy nhất, tuy nhiên tình trạng lãng phí về đất đai, sử dụng kém hiệu quả vẫn diễn ra. Quốc hội đã giám sát vấn đề này, đã nêu rõ các số liệu và có kiến nghị nhưng chưa có nhiều chuyển biến.

"Một số doanh nghiệp nông lâm trường để hàng ngàn hecta cây trồng lay lắt, hàng ngàn hecta hoang hoá chờ sang nhượng vườn cây nhưng thực chất là vì giá trị quyền sử dụng đất, vì lợi dụng chính sách ưu đãi nên hàng năm không phải nộp bất cứ một đồng nào cho Nhà nước.

Trong khi nhiều doanh nghiệp có tiềm lực, có tâm tiếp cận rất khó vì không có đất sạch, đồng thời còn nhiều hộ đồng bào sở tại thiếu đất là bất hợp lý, đã và đang gây không ít bức xúc, tiềm ẩn những đốm lửa tại nhiều địa phương hiện tại và tương lai", ông Vượt nhấn mạnh.

Về giải quyết đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, vị ĐBQH tỉnh Gia Lai đề nghị không hỗ trợ mà giao đất không thu tiền quyền sử dụng đất với những hộ còn sức lao động, coi đây là chính sách đặc thù cho đồng bào miền núi bởi lẽ đã là hộ nghèo thì dù có hỗ trợ họ cũng không thể có đất.

Đồng thời, quy định rõ không được sang nhượng quyền sử dụng đất trong 10-15 năm, không phê duyệt quy hoạch các dự án có thu hồi đất của đồng bào khi chưa bố trí được đất tái định canh, định cư hợp lòng dân, có cơ chế góp vốn hưởng lợi bằng giá trị sử dụng đất và các doanh nghiệp liên quan để dân không mất đất.

Liên quan đến giải quyết vấn đề nước, ông Đinh Duy Vượt khẳng định "nước ở vùng cao miền núi, nhất là trên Tây Nguyên ví như máu của cơ thể", nhiều năm hạn hán và đang chịu cảnh hạn hán đã chứng minh điều này.

Chia sẻ khó khăn do COVID-19, sẽ phải chi nhiều khoản lớn để chống dịch song ông Vượt cho rằng không thể dừng việc đầu tư, nâng cấp, xây dựng thêm nhiều hồ chứa nước, nguồn nước này không chỉ cho miền núi. Đồng thời, bảo đảm an toàn hồ đập thuỷ điện, thuỷ lợi, "những quả bom nước trên cao" là những việc làm cấp thiết cần làm ngay.

Liên quan đến các chính sách về rừng, ông Vượt đề nghị phải để người dân sống được từ rừng, bởi lẽ rừng chính là hồ chứa nước, điều tiết nước khổng lồ, phục vụ cho đời sống, cho sản xuất, là nguồn sống cho thuỷ điện, cho sông suối chảy về đồng bằng và phát huy văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc.

"Đảm bảo an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, an ninh môi trường, an ninh biên giới chính là kinh tế cho đất nước trước mắt và hàng trăm năm sau", ông Vượt nói.

Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn