ĐBQH lên tiếng vụ 'biệt thự triệu đô của Bí thư Lâm Đồng'

Thời sựThứ Ba, 03/06/2014 07:46:00 +07:00

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương cho rằng: “Điều chúng ta cần quan tâm là đã có quy định về vấn đề kê khai tài sản và chúng ta sẽ tiến hành kiểm tra trên cơ sở đó”.

Trước thông tin về "biệt thự triệu đô của Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng", ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương cho rằng: “Điều chúng ta cần quan tâm là đã có quy định về vấn đề kê khai tài sản và chúng ta sẽ tiến hành kiểm tra trên cơ sở đó”.

Liên quan đến thông tin về biệt thự triệu đô của Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng Huỳnh Đức Hòa do báo Người cao tuổi phản ánh, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực UBPL Quốc hội nói: "Trên thực tế người ta có thể có nhiều nguồn tiền khác nhau. Việc quản lý cán bộ, công chức phải thực hiện trên cơ sở “kê khai tài sản” của họ như thế nào.

Bởi đôi khi người ta có những nguồn tiền chính đáng nào đó, như của hồi môn chẳng hạn... Bây giờ chúng ta cứ nói tài sản to, tài sản bé, nhưng biết đâu tài sản đó là do con cái họ ở nước ngoài, hay có một nguồn tiền nào đó nên người ta có thể xây dựng được như vậy".


 ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật. (Ảnh IT)
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật. (Ảnh IT)  

"Điều chúng ta cần quan tâm là đã có quy định về vấn đề kê khai tài sản và chúng ta sẽ kiểm tra trên cơ sở đó” -- ông Cương nhấn mạnh.

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương phân tích: "Nếu như khối tài sản đó tăng thêm bất thường, thì dù có nhỏ hơn như thế mình vẫn phải có ý kiến, để trên cơ sở đó kiểm tra xem người ta có kê khai tài sản hàng năm đầy đủ hay không ? Việc kê khai lần đầu thế nào, kê khai bổ sung ra làm sao?...".

Để góp phần làm rõ khối tài sản của Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng Huỳnh Đức Hòa, theo ông Cương, trên cơ sở về chủ trương kê khai tài sản, việc đầu tiên cần làm là tỉnh ủy, trong đó UBKT tỉnh ủy phải có trách nhiệm kiểm tra thông tin đó và thông tin rộng rãi cho dư luận.

Căn biệt thự triệu đô được cho là của Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng Huỳnh Đức Hòa (Ảnh: báo Người cao tuổi)
Căn biệt thự triệu đô được cho là của Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng Huỳnh Đức Hòa - Ảnh: báo Người cao tuổi 

Thậm chí, ông Cương cũng cho rằng, cơ quan kiểm tra trung ương khi thấy thông tin có thể cho kiểm tra, trên cơ sở đó xác định việc kê khai tài sản ra sao, tài sản đó minh bạch hay bất minh.

Để minh bạch hóa tài sản của công chức hiện nay, theo ĐB Cương: “Các quy định về kê khai tài sản, nếu thực hiện một cách nghiêm túc thì sẽ ra vấn đề ngay. Anh phải thực hiện rất chặt việc kê khai tàn sản của công chức, viên chức nói chung. Đó là cái gốc và là cơ sở để khẳng định khối tài sản đó tăng lên có bất thường hay không. Thứ nữa, trong quá trình kê khai anh có công khai, xác minh khi người ta thực hiện việc kê khai lần đầu hay không?”.

“Không nên quá câu lệ vào khối tài sản lớn của công chức. Quan trọng là khối tài sản anh có bất minh hay minh bạch” – ông Cương một lần nữa nhấn mạnh.

Một giải pháp khác được đặt ra là có nên thực hiện mô hình nhà công vụ cấp tỉnh không? Không đồng tình với chủ trương này, ĐB Cương cho rằng việc này có liên quan đến Luật nhà ở và ông đã phát biểu nhiều lần trước đó.

“Điều này dễ sinh ra đặc quyền đặc lợi. Cho thuê nhà công vụ mà cứ như cho không. Cái đó đâu phải  nhà công vụ, cũng không đúng tính chất và nó chỉ mang lại quyền lợi cho một số lãnh đạo. Trong khi đó người nghèo hơn là cán bộ công chức, người có nhu cầu hơn thì lại không đến lượt”.


ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương đặt vấn đề: "Nếu bây giờ mở rộng mô hình nhà công vụ ra thì phải quản lý như thế nào? Cái quan trọng nhất là vấn đề giá cho thuê nhà công vụ. Tôi đã phát biểu ở UBPL khi thẩm tra việc này. Khi anh quản lý chặt chẽ về nhà công vụ còn có thể phòng chống được tiêu cực. Vì sao?

Bây giờ được hưởng ưu đãi từ nhà công vụ trong khi anh đương chức đương quyền. Nhưng đến một ngày sau khi anh nghỉ hưu thì anh phải thực hiện như người dân, chứ không phải căn nhà đó giá thuê trên thị trường lên đến mười mấy triệu, nhưng anh lại chỉ thuê với mức vài trăm nghìn".


ĐB Cương cho rằng, nếu quy định sau khi nghỉ hưu áp dụng mức giá thuê tương đương với mức giá thị trường, thì người cán bộ đó sẽ tự trả lại nhà công vụ mà chẳng cần phải yêu cầu, đề nghị.

» Tiền tấn ở đâu quan chức tậu biệt thự khủng, siêu xe?
» Cận cảnh biệt thự 43 tỷ của siêu lừa Huyền Như

Theo Infonet
Bình luận
vtcnews.vn