ĐBQH: Hệ thống đường sắt Việt Nam vẫn đang vận hành ở thời kỳ mông muội

Thời sựThứ Hai, 28/05/2018 13:16:00 +07:00

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng từ đoàn tàu, máy tàu đến hệ thống các con đường sắt Việt Nam vẫn đang vận hành ở thời kỳ mông muội là một trong những nguyên nhân dẫn đến hàng loạt vụ tai nạn thương tâm vừa qua.

Dọc các tuyến đường sắt cả nước mấy ngày qua, các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản liên tiếp xảy ra.

luu binh nhuong 2

 

Hạ tầng cơ sở kỹ thuật đường sắt quá thấp kém. Từ đoàn tàu, máy tàu đến hệ thống các con đường sắt vẫn đang vận hành ở thời kỳ mông muội.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng

Sáng 28/5, trả lời bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chỉ ra 3 nguyên nhân chính dẫn đến về vấn đề này: "Một là, hệ thống quy định để đảm bảo vận hành an toàn đường sắt chưa hoàn thiện. Đây là một trong những vấn đề hàng đầu cần nghiên cứu hoàn thiện ngay. Chúng ta duy trì quá lâu các quy định cũ từ thời bao cấp đến giờ, chậm đổi mới.

Hạ tầng cơ sở kỹ thuật đường sắt quá thấp kém. Từ đoàn tàu, máy tàu đến hệ thống các con đường sắt vẫn đang vận hành ở thời kỳ mông muội. So sánh với hệ thống đường sắt của các nước trên thế giới, đây là hệ thống lạc hậu bậc nhất trong khi nền kinh tế xã hội của chúng ta phát triển mấy chục năm nay.

Ý thức tuân thủ của cán bộ lẫn người dân trong quá trình vận hành, tham gia giao thông còn rất thấp.

Ngay ở xung quanh Thủ đô Hà Nội, tuyến đường sắt nham nhở, hệ thống kiến trúc lộn xộn, việc đi lại, tham gia giao thông liên quan đến đường ngang, đường sắt nhiều vi phạm pháp luật.

Chính vì 3 vấn đề này, nảy sinh vấn đề bất cập, nảy sinh ra nhiều vi phạm pháp luật nói chung và dẫn đến nhiều tai nạn thương tâm".

tai nạn đường sắt,Quảng Nam,tai nạn,tai nạn giao thông

Tai nạn đường sắt để lại hậu quả nặng nề, gây hoang mang dư luận.

Vị Uỷ viên Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội khẳng định để xảy ra vấn đề này, trách nhiệm của Bộ trưởng là đầu tiên.

"Vì Bộ trưởng phải là người tham mưu cho Nhà nước, Chính phủ để hoàn thiện hệ thống giao thông đường sắt và phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức của người dân. Phối hợp với các bộ ngành, địa phương khác, thực hiện làm sao đảm bảo an toàn hiệu quả để phòng tránh tai nạn và những bất trắc xảy ra.

Bộ trưởng cần thiết phải lên tiếng, vào cuộc ngay lập tức. Đây là vấn đề có tính nhạy cảm về chính trị, xã hội. Việc xây dựng hệ thống giao thông an toàn là nhiệm vụ chung chứ không phải bí mật của ngành đường sắt, hay Bộ GTVT".

Đại biểu Nhưỡng khẳng định phải rút kinh nghiệm ngay. Trong quá trình rút kinh nghiệm này, ngành đường sắt và bộ GTVT phải chủ trì phối hợp các bộ ngành nghiên cứu đề án khả thi báo cáo với Chính phủ, củng cố hệ thống giao thông đường sắt.

"Đây là vấn đề của toàn xã hội. Củng cố hệ thống đường sắt là phải củng cố từ thể chế cho đến hạ tầng kỹ thuật cho đến ý thức tuân thủ, ý thức pháp luật và thậm chỉ cả đạo đức xã hội", ông Nhưỡng nói.

dsc_0168-5-1454087

Đại biểu Quốc hội cho rằng hệ thống đường sắt Việt Nam lạc hậu bậc nhất thế giới. 

Dù vậy, đại biểu Nhưỡng thừa nhận, với ngành đường sắt đây là thời gian quá độ. Nếu muốn trang bị các thiết bị kỹ thuật theo xu thế 4.0 thì đòi hỏi tính đồng bộ phải cao.

"Ví dụ, toàn bộ các con tàu, đường tàu phải đồng bộ. Nếu chỉ bố trí phương tiện 4.0 cho các đường ngang, ngõ tắt trong khi con tàu còn lạc hậu, đường sắt lạc hậu và bản thân ý thức còn rất lạc hậu thì không đồng bộ".

Theo kế hoạch, trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội từ 4-6/6, Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể sẽ trả lời các câu hỏi liên quan đến giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là tại các thành phố lớn cũng như các  giải pháp xử lý triệt để những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông BOT.

Phạm Thành
Bình luận
vtcnews.vn