ĐBQH: Điều quan trọng trong tự chủ đại học là trách nhiệm giải trình

Giáo dụcThứ Ba, 06/11/2018 13:30:00 +07:00

Đại biểu Quốc hội cho rằng tự chủ đại học không chỉ ở chỗ quyền tự chủ tài chính hay tự chủ về nhân lực mà phải đi kèm trách nhiệm giải trình và đó là điều quan trọng.

Ngày 6/11, góp ý vào Luật Giáo dục Đại học, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) - Phó ban Dân nguyện của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết rất quan tâm đến vấn đề tự chủ đại học.

"Tự chủ đại học không chỉ ở chỗ quyền tự chủ tài chính hay tự chủ về nhân lực, mà tự chủ đi kèm trách nhiệm giải trình, đó là điều quan trọng. Tôi đánh giá cao bộ ba về mặt chính sách, một là quyền tự chủ, hai là trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học, ba là vấn đề kiểm định của Nhà nước", đại biểu Nhưỡng nhấn mạnh.

luu-binh-nhuong-1

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng bên hành lang Quốc hội (Ảnh: Phạm Thành).

Vị đại biểu Bến Tre lưu ý trước đây Nhà nước là người đứng ra tổ chức, thực hiện, chịu trách nhiệm đến tận đầu ra nên xã hội đánh giá đào tạo kém nên dẫn đến Nhà nước chịu trách nhiệm về chất lượng.

"Giờ cần phân biệt rõ, Nhà nước cần chịu trách nhiệm về quản lý Nhà nước đối với cơ sở giáo dục đào tạo. Nhà nước chịu trách nhiệm về tổ chức, hệ thống máy móc, sản phẩm, con người.

Nếu Nhà nước thấy rằng cơ sở này không đủ khả năng, năng lực kém, không đưa vào thực hiện, không cho hoạt động hoặc có vi phạm nhà nước sẽ xử lý, không cho hoạt động nữa. Còn các cơ sở GD-ĐT chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc hoạt động và chịu trách nhiệm trước xã hội về sản phẩm của anh", đại biểu Nhưỡng bày tỏ.

Ông Nhưỡng bày tỏ nếu tạo ra sản phẩm không tốt thì xã hội sẽ không chấp nhận sản phẩm đó. Nhà nước chỉ chịu trách nhiệm liên đới về sản phẩm đó.

"Ví dụ nếu đã có ý kiến, xã hội phản ánh cơ sở này không đủ năng lực mà vẫn đào tạo, dẫn đến sản phẩm kém thì nhà nước phải chịu liên đới", Phó ban Dân nguyện nói.

Vị đại biểu Bến Tre băn khoăn về việc liên kết của các cơ sở giáo dục đại học.

"Ví dụ, một trường có thể liên kết với một trường khác bằng nhiều hình thức để tạo ra cơ sở giáo dục đại học mạnh hơn, có thể thành lập một đại học ở quy mô lớn hơn. Sự liên kết này có thể là liên kết cứng hoặc liên kết mềm. Liên kết cứng bằng nhiều hình thức. Thứ nhất là hợp nhất, thứ hai là sáp nhập", đại biểu Nhưỡng băn khoăn.

Ngoài ra, vị đại biểu Bến Tre cũng băn khoăn về hội đồng trường. Hiện nay, luật mới nêu quyền hội đồng trường quyết định phát triển tăng quy mô chứ chưa cho họ quyền để quyết định để giảm quy mô.

"Vấn đề thứ 3, làm thế nào để có thể đảm bảo quyền tự chủ, quyền cao nhất thuộc về hội đồng trường hoặc hội đồng đại học. Chỗ này rất quan trọng, làm thế nào để không mất đi quyền điều hành của hiệu trưởng và cũng làm sao để hiệu trưởng không soán quyền của hội đồng trường.

Phân cấp của hội đồng cho hiệu trường đến đâu. Nếu không phân cấp cẩn thẩn sẽ triệt tiêu quyền chỉ đạo hoặc trao quyền quá lớn cho hiệu trưởng, dẫn đến tranh chấp, ra tòa", đại biểu Nhưỡng đặt vấn đề.

Ngoài ra, Phó ban Dân nguyện cho rằng chúng ta phải tiếp tục cải tiến cách thức quản lý đại học quốc gia, đại học vùng để không sinh ra một bộ máy quá cứng, tạo ra bộ chủ quản ảo.

"Cái đó có thể dẫn đến làm giảm đi quyền lực của chính bản thân các trường thành viên. Mỗi trường thành viên đều có quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm rất cao về hoạt động đào tạo của họ", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng khẳng định.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn