ĐBQH đề xuất Chủ tịch tỉnh đi xe máy, Bộ trưởng đi xe buýt đi làm

Thời sựThứ Năm, 15/08/2019 17:12:00 +07:00

Sau khi ĐBQH Hậu Giang đề xuất Chủ tịch tỉnh đi xe máy, Bộ trưởng đi xe buýt đi làm, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể mời Hậu Giang thí điểm trước.

Chiều 15/8, tiếp tục phiên chất vấn đối với các Bộ trưởng, trưởng ngành trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (tỉnh Hậu Giang) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể: "Để thực hành tiết kiệm ngân sách, giảm thiểu ách tắc giao thông, đặc biệt là thực hiện nêu gương của người đứng đầu các cấp, các ngành, có thông tin và dư luận cho rằng nên thực hiện theo mô hình Chủ tịch tỉnh đi xe máy, Giám đốc sở, ngành đi xe đạp, Bộ trưởng đi xe buýt?"

Đại biểu tỉnh Hậu Giang đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết có nên thực hiện theo mô hình này không? Nếu thực hiện thì có giảm được ách tắc giao thông không? Giải pháp nào để thực hiện khi hạ tầng giao thông không đồng bộ và rất yếu kém như hiện nay?

Hoan nghênh sáng kiến của đại biểu Thuỷ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, đây là đề xuất để Bộ nghiên cứu.

"Tôi nghĩ đề xuất này là một trong những đề xuất để chúng tôi nghiên cứu. Nhưng nếu đoàn ĐBQH, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang xung phong thì chúng tôi xin chọn Hậu Giang có thể làm nơi thí điểm việc Chủ tịch đi xe máy, cán bộ đi xe đạp và những cán bộ Trung ương đến địa bàn thì đi xe buýt.

Nếu mô hình ở Hậu Giang tốt thì chúng ta nghiên cứu nhân rộng, chứ không thể nào áp dụng đại trà ngay được", ông Thể cho hay.

BotruongNguyenVanThe

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể.

Trả lời chất vấn về triển khai dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ và cầu Mỹ Thuận 2, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ là một trong những trục đường quan trọng nhất đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ đã triển khai dự án này cách đây gần 10 năm, nhưng đến thời điểm này tiến độ vẫn chậm.

Đối với đoạn từ Trung Lương - Mỹ Thuận, vừa qua Chính phủ quyết định bổ sung 2.186 tỷ đồng hỗ trợ cho nhà đầu tư và cho nhà đầu tư điều chỉnh lại dự án và đã được UBND tỉnh Tiền Giang phê duyệt.

UBND tỉnh Tiền Giang và cơ quan nhà nước có liên quan đã điều chỉnh hợp đồng, đưa vào điều khoản liên quan đến trách nhiệm của nhà đầu tư. Về phía nhà nước đã hỗ trợ phương án tài chính khả thi, hiện nay, phần vốn nhà đầu tư đã bỏ vào hơn 3.000 tỷ đồng và vốn còn lại liên quan đến cơ quan tín dụng.

Chính phủ đã họp giao Thống đốc Ngân hàng nhà nước chỉ đạo các ngân hàng và vốn liên doanh để hỗ trợ khoảng 6.000 tỷ đồng cho dự án Trung Lương - Mỹ Thuận.

Với sự chỉ đạo của Thủ tướng, các tổ chức tín dụng đã phối kết hợp để bổ sung vốn, nếu được vốn tín dụng này cùng với vốn nhà nước và nhà đầu tư thì dự án đến cuối năm 2020 sẽ cơ bản thông xe từ Trung Lương - Mỹ Thuận và hoàn thành toàn bộ công tác này trong năm 2021.

Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn