ĐBQH đề nghị luật hình sự răn đe hơn với người trẻ gây tội ác man rợ

Thời sựThứ Hai, 02/11/2015 08:22:00 +07:00

Những vụ án do thanh niên gây ra khiến nhiều ĐBQH lo ngại về nhân cách giới trẻ.Những vụ án do thanh niên gây ra thời gian gần đây có tính bộc phát nhưng man rợ

(VTC News) – Nhiều đại biểu Quốc hội đã lên tiếng xung quanh các vụ án xảy ra trong thời gian gần đây do thanh niên gây ra.

Đại biểu Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ giết người, thủ đoạn dã man, tàn ác, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội và là sự thách thức lớn đối với nhà nước. Điều nguy hiểm hơn đó là những vụ án do thanh niên gây ra.

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội 
Bà Nga lấy ví dụ điển hình vụ Nguyễn Đức Nghĩa - Hà Nội, Lê Văn Luyện - Bắc Giang. Đặc biệt chỉ hơn 40 ngày giữa năm 2015 đã liên tiếp xảy ra 3 vụ ở Nghệ An, Bình Phước, Yên Bái giết chết 14 người trong 3 gia đình. Các vụ giết 1 đến 2 người vẫn tiếp tục xảy ra trong những ngày qua.

“Các vụ giết người vừa qua có những đặc điểm không bình thường so với trước đây. Đó là: thủ phạm trẻ, nhiều vị thành niên, là những người bình thường, không phải là băng nhóm xã hội đen”, đại biểu Lê Thị Nga nhận xét.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhận định nếu như trước đây giết người do ẩu đả, thanh toán giang hồ, hận thù cao độ, thì nay nhiều vụ lại do những mâu thuẫn vụn vặt (có vụ chỉ là do cái nhìn, do va chạm giao thông, tranh chấp cái mương nước, thậm chí chỉ từ vài quả chanh).

Nhiều vụ bột phát, không có dự mưu nhưng hành động cực kỳ dã man, tàn ác, quyết tâm thực hiện tội phạm đến cùng; giết cả những người không trực tiếp mâu thuẫn trong đó có trẻ em, người già. Thủ phạm thản nhiên, ít ăn năn, run sợ, lương tâm không cắn rứt.

“Khi những thanh niên chưa có tiền án, tiền sự mà gây án với phương thức dã man, tàn ác là thể hiện sự không bình thường trong phát triển nhân cách”, bà Lê Thị Nga nhận định.

Hung thủ Nguyễn Hải Dương trong vụ thảm sát ở Bình Phước
Hung thủ Nguyễn Hải Dương trong vụ thảm sát ở Bình Phước 
Phó Chủ  nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng chúng ta chưa thành công trong giáo dục nhân cách đối với một bộ phận thanh, thiếu niên dưới cả 3 góc độ: giáo dục xã hội, nhà trường và gia đình.

Mặt trái của kinh tế thị trường làm môi trường sống rất phức tạp và chịu nhiều áp lực. Xã hội có những thay đổi chóng vánh về giá trị sống mà công tác quản lý đã không theo kịp.

“Sự xuống cấp về đạo đức; lối sống thực dụng, hưởng thụ đã hối thúc nhiều người trẻ bất chấp pháp luật, đạo lý, dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích.

Những biểu hiện mất công bằng, lối sống thiếu gương mẫu, trục lợi, tham nhũng, chạy chức quyền của một bộ phận người trưởng thành tác động hàng ngày đã ảnh hưởng rất  tiêu cực đến việc hình thành nhân cách lớp trẻ”, bà Lê Thị Nga lý giải nguyên nhân.

Bên cạnh đó, việc giáo dục kỹ năng ứng xử, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn trong môi trường sống phức tạp chưa được quan tâm đúng mức đã dẫn đến một bộ phận giới trẻ bế tắc, mất phương hướng.

“Họ có xu hướng hành động bản năng, thiếu kiềm chế, dùng bạo lực giải quyết mâu thuẫn. Có trường hợp quá cuồng vọng về cuộc sống, chưa quen với thất bại nên mang tâm lý đầy hận thù khi mục tiêu không đạt được, dẫn đến hành vi tàn ác (như giết cả nhà người yêu khi bị bỏ)”, bà Nga phân tích.

Do buông lỏng giáo dục của nhà trường, gia đình, xã hội nên dẫn tới hệ quả trình độ học vấn của các em nhiều lúc lại không tương xứng với nhận thức văn hóa, pháp luật, đạo đức (thủ phạm Nguyễn Hải Dương, Nguyễn Đức Nghĩa đều đã tốt nghiệp đại học).

Lê Như Tiến
Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng Quốc hội
Cũng có cùng quan điểm này, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng Quốc hội cho rằng hiện nay, việc bùng nổ công nghệ thông tin, đặc biệt là Internet, phim ảnh, game online có nội dung bạo lực dễ làm chogiới trẻ vốn có sức đề kháng kém đã bị nhiễm và học theo.

Bên cạnh đó, có nguyên nhân về gia đình. Người lớn vì miếng cơm manh áo, tập trung vào làm ăn mà xao lãng giáo dục trong gia đình, đặc biệt là giáo dục lễ độ, hướng thiện.

“Thậm chí, trong gia đình, có thể bố mẹ đánh nhau, văng tục chửi bậy. Như thế, người lớn không là tấm gương sáng còn là là tấm gương mờ cho trẻ nhỏ”, đại biểu Lê Như Tiến lấy ví dụ.

Ông Tiến chia sẻ thêm: “Khi đến trường học, các em va chạm với tệ nạn xã hội trong học đường, bạo lực học đường. Có một số ít thầy cô là tấm gương xấu. Nhiều trường giương khẩu hiệu tiên học lễ hậu học văn nhưng thực tế có thế không? Nữ học sinh thì bị đánh hội đồng, người lớn nhìn thấy thì lờ đi không vào can thiệp, không có giải pháp kịp thời”.

Ngoài xã hội, người lớn cũng chưa làm gương cho trẻ em. Chỉ cần va chạm một chút là dùng vũ lực thay cho lời nói cảm ơn và xin lỗi. Trong khi, nhân cách được hình thành ngay từ lúc vừa lớn lên… Đó là lý do xảy ra tình trạng lứa tuổi vị thành niên gây tội ác rất nghiêm trọng, thậm chí có những hành vi man rợ…

Trước thực trạng trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng Quốc hội cần coi thực trạng xảy ra liên tiếp các vụ giết người dã man, tàn ác là một vấn đề hết sức nghiêm trọng, cần đưa vào nội dung Nghị quyết.

“Giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan để có giải pháp chặn đứng và phòng ngừa. Đây cũng là thông điệp cho người dân biết: Nhà nước sẽ có những giải pháp mạnh mẽ để bảo vệ an toàn cuộc sống của người dân”, bà Nga đề xuất.

Khắc phục các nguyên nhân trên thuộc trách nhiệm của rất nhiều bộ, ngành, nhất là Bộ thông tin, Bộ giáo dục, Bộ công an, Bộ công thương, Bộ lao động....Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Những đơn vị này cần xây dựng Chiến lược và chương trình hành động nhằm nâng cao kỹ năng sống cho thanh, thiếu niên để ứng phó với các vấn đề xã hội do mặt trái của kinh tế thị trường và môi trường sống hiện đại.

Để khắc phục tình trạng phạm tội do thanh niên gây ra ngày càng nhiều hiện nay, đại biểu Lê Như Tiến cho rằng qua dư luận xã hội và đi tiếp xúc cử tri một số nơi, thấy rằng cử tri đồng tình việc phải sửa Luật Hình sự.

“Cần có chính sách hình sự nghiêm khắc hơn đối với trẻ em phạm tội, đặc biệt là những tội đặc biệt nghiêm trọng, có hành vi man rợ. Sắp tới Luật Hình sự sửa đổi, chúng tôi thấy cần phải bổ sung chế định đối với hành vi như thế thì mới ngăn chặn được tình trạng trên”, đại biểu Lê Như Tiến nêu quan điểm.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn