ĐBQH: Công an cần trả lời có hay không việc làm ngơ, bảo kê vụ Đường 'Nhuệ'

An ninh hình sựThứ Sáu, 17/04/2020 18:15:00 +07:00
(VTC News) -

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng cho rằng cơ quan điều tra cần trả lời có hay không chuyện làm ngơ, bảo kê của cơ quan pháp luật trong vụ án Đường "Nhuệ".

Ủy viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng trả lời PV VTC News liên quan tới băng nhóm xã hội đen Đường “Nhuệ” núp bóng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để hoạt động phi pháp.

- Theo phản ánh của báo chí, băng nhóm Đường "Nhuệ" ở Thái Bình có nhiều hoạt động phi pháp mang tính chất xã hội đen suốt thời gian dài, dù người dân nhiều lần gửi đơn thư tố cáo nhưng nhóm này vẫn không bị xử lý, thưa ông?

Sự việc này khiến người dân đặt ra nghi ngờ, thắc mắc về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ở một số địa phương.

Đối với vụ án này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) cũng yêu cầu cần mở rộng điều tra đối với các hành vi có dấu hiệu phạm tội hoạt động có tổ chức, mang tính chất xã hội đen của Đường “Nhuệ” và đàn em, được các cơ quan báo chí thông tin trong những ngày qua.

Tôi thấy những vụ việc như vụ của Đường “Nhuệ” cần có nghiên cứu, kể cả mặt lý luận cũng như thực tiễn trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

Từ đó chúng ta hoàn thiện pháp luật, xây dựng cơ chế phối hợp và xác định rõ trách nhiệm của từng lực lượng trong đấu tranh phòng chống các loại tội phạm này.

Ngoài ra, chúng ta cần làm rõ mối quan hệ giữa yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với yêu cầu đảm bảo an ninh trật tự trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Đồng thời phải có giải pháp chủ động phòng ngừa không để xảy ra các vụ việc như của Đường “Nhuệ”.

ĐBQH: Công an cần trả lời có hay không việc làm ngơ, bảo kê vụ Đường 'Nhuệ' - 1

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Ủy viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. (Ảnh: Báo Tổ quốc)

- Theo ông, tại sao nhiều năm qua dư luận, báo chí phản ánh rất nhiều về băng nhóm xã hội đen liên quan Đường “Nhuệ” nhưng cơ quan bảo vệ pháp luật lại không biết? Phải chăng có sự thiếu quyết liệt, bỏ lọt tội phạm của cơ quan bảo vệ pháp luật?

Thời điểm hiện tại, những vụ việc liên quan băng nhóm xã hội đen Đường “Nhuệ” chưa có thông tin chính thức từ các cơ quan chức năng cũng như người phát ngôn của Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Bình.

Tuy nhiên, từ thông tin trên báo chí, tôi nhận được điện thoại từ một số cử tri hỏi, tại sao tình trạng trên diễn ra ở Thái Bình trong một thời gian dài nhưng không bị phát hiện, xử lý.

ĐBQH: Công an cần trả lời có hay không việc làm ngơ, bảo kê vụ Đường 'Nhuệ' - 2

dai bieu nguyen thanh hong.jpg

Cơ quan điều tra phải có trách nhiệm xác định có hay không chuyện làm ngơ, bảo kê, né tránh của cơ quan pháp luật trong vụ Đường "Nhuệ".

Ông Nguyễn Thanh Hồng

Thực tế thời gian qua, Thái Bình và một số địa phương có hiện tượng, có những cá nhân, tổ chức núp danh tổ chức kinh tế, hoạt động mang tính chất xã hội đen.

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an từng nêu vấn đề này và có nhận xét, đánh giá đây là vấn đề mới trong đấu tranh phòng chống tội phạm.

Nhưng rõ ràng, để một sự việc xảy ra kéo dài, trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý Nhà nước mà liên quan đến hoạt động tội pham trực tiếp là cơ quan công an.

Tuy nhiên, việc khẳng định có hay không chuyện làm ngơ, bảo kê, né tránh của cơ quan pháp luật trong vụ án Đường “Nhuệ” thuộc trách nhiệm của cơ quan điều tra trong kết luận điều tra vụ án.  

Cơ quan điều tra phải có trách nhiệm xác định có hay không có chuyện này để thông tin cho dư luận và cử tri biết được.

Thông qua một số vụ án vừa xảy ra ở một số địa phương như vụ đánh bạc ở Phú Thọ, tình trạng tội phạm ở Đồng Nai, rõ ràng có dấu hiệu của sự làm ngơ, có thể có sự tiếp tay cho những dạng tội phạm như Đường “Nhuệ”.

Cũng có câu chuyện Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình mới được bố trí, được điều động về thì vụ án Đường "Nhuệ" mới bị phanh phui.

Ở đây liên quan tới chủ trương đưa ra của Bộ Công an là Giám đốc công an các địa phương không phải người địa phương.

Chủ trương được thực hiện nhất quán trong một thời gian dài. Tới nay theo tôi biết, các địa phương cơ bản có chuyện bố trí giám đốc công an không phải người địa phương

Đây cũng là cách chúng ta phòng ngừa và ngăn chặn sự nảy sinh các quan hệ mang tính chất thân thiết, họ hàng, quan hệ mang tính chất giảm đi tinh thần quyết liệt trong đấu tranh phòng chống tội phạm ở các địa phương.

XEM THÊM:

>>Hàng xóm bị Đường 'Nhuệ' đánh vỡ mặt tại trụ sở công an: Phục hồi điều tra vụ án

>>Bộ trưởng Công an nói về vụ án Đường 'Nhuệ'

- Dư luận cho rằng nếu chỉ là tội phạm đơn thuần sẽ không nguy hiểm, không tồn tại được lâu. Nhưng khi có sự cấu kết với các thế lực khác như cơ quan bảo vệ pháp luật, chính quyền thì sẽ trở thành những băng nhóm mafia nguy hiểm, lũng loạn cả một địa phận rộng lớn.

Như tôi nói ở trên, chúng ta vẫn phải chờ kết luận của cơ quan điều tra để khẳng định có hay không thế lực chống lưng cho Đường “Nhuệ”.

Tuy nhiên, hầu như các vụ án vừa qua được điều tra, xét xử rõ ràng có sự làm ngơ, bỏ qua, bỏ lọt tội phạm, không quyết liệt trong đấu tranh phòng chống tội phạm, không giải quyết một cách triệt để, quyết liệt những vấn đề mang tính bức xúc mà người dân phản ánh, tố cáo.

Có vụ án có sự trực tiếp tham gia, bảo kê của lực lượng chức năng địa phương.

Lực lượng chức năng ở địa phương không chỉ công an mà còn các lực lượng khác. Ví dụ, ngay vụ việc xảy ra ở địa phương thì chính quyền địa phương, cấp ủy ở đó phải làm hết trách nhiệm. Vì đấu tranh tội phạm là của toàn dân nhưng với vai trò nòng cốt thì trách nhệm đầu tiên là của công an.

Hay có vụ việc quan chức địa phương không giải quyết được, phải các lực lượng chức năng của Trung ương về giải quyết.

Qua đó phản ánh tính chất phức tạp trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay, đan xen giữa yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền kinh doanh của các doanh nghiệp, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, cho các doanh nghiệp.

Đây cũng là những vấn đề bị những băng nhóm động xã hội đen như kiểu Đường “Nhuệ” lợi dụng.

Hơn nữa, việc giám sát, kiểm tra thực thi trách nhiệm của các lực lượng chức năng, trong đó có trách nhiệm của các cơ quan dân cử, chúng ta làm chưa tốt.

ĐBQH: Công an cần trả lời có hay không việc làm ngơ, bảo kê vụ Đường 'Nhuệ' - 3

Theo đại biểu Quốc hội, cơ quan điều tra cần trả lời có hay không chuyện làm ngơ, bảo kê của cơ quan pháp luật trong vụ án Đường "Nhuệ".

- Phải chăng có một bộ phận cán bộ trong lực lượng công an làm một thời gian thì lại biến chất và là kẽ hở để tội phạm lợi dụng?

Thực tế thời gian qua, qua một số vụ án xảy ra có một số cán bộ trong ngành tư pháp, trong lực lượng công an đã vi phạm pháp luật, thậm chí vi phạm pháp luật hình sự. Những trường hợp đó chính là sự biến chất.

Hiện nay theo tôi thấy, giữa vai trò trách nhiệm của người đứng đầu với tập thể của cấp ủy Đảng, tập thể của các cơ quan đoàn thể, ở đó có những vấn đề phải xem xét, xử lý một cách căn cơ, bài bản, đặc biệt trong đấu tranh phòng chống tội phạm.

Vì có những trường hợp, có những nghị quyết, quyết định của cấp ủy, tập thể đó chưa thực sự đảm bảo đúng chủ trương, đường lối chính sách của Đảng.

Có những cá nhân rất kiên quyết đấu tranh nhưng cũng phải nản chí, nản lòng trước những mối quan hệ, sự tác động từ bên ngoài. Nên tại sao nhiều tập thể bị xử lý kỷ luật chính là liên quan tới vai trò của tập thể ở đây.

- Vụ án Đường "Nhuệ" có điểm nào tương đồng với một số băng nhóm tội phạm khét tiếng núp bóng doanh nghiệp từng bị triệt phá trước đây, thưa ông?

Các băng nhóm hoạt động trong một số lĩnh vực rất nhạy cảm về mặt kinh tế, lĩnh vực thường xảy ra tham nhũng, lợi ích nhóm như đấu thầu đất đai, hoạt động tài chính, tín dụng, khai thác khoáng sản, giao thông vận tải… Đó là điểm chung.

Bên cạnh đó còn là hiện tượng mang tính chất núp danh, núp bóng để hoạt động từ thiện, hoạt động xã hội nhưng cũng bộc lộ sự vừa tinh vi nhưng cũng mang tính chất côn đồ.

Chính vì vậy, những vỏ bọc bên ngoài doanh nhân doanh nghiệp, công tác từ thiện, đóng góp cho ngân sách thậm chí được khen thưởng, biểu dương… nhưng đồng thời cũng có những hành vi côn đồ, công khai vi phạm pháp luật, có biểu hiện lối sống khuếch trương, khoe mẽ, tạo dựng hình ảnh của lối sống thực dụng.

Ví dụ một số doanh nhân doanh nghiệp thường tổ chức sự kiện mang tính chất khoe mẽ như tổ chức sinh nhật, hiếu, hỉ… không đúng phong tục tập quán truyền thống đạo đức, cũng tạo ra nếp sống của xã hội không được mọi người đồng tình ủng hộ.

Tất nhiên đó là quyền cá nhân nhưng trong một chừng mực nhất định phải phù hợp với phong tục tập quán, văn hóa của Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Video: Người dân Thái Bình vui mừng khi Đường 'Nhuệ' bị bắt

Nguyễn Huệ
Bình luận
vtcnews.vn