ĐBQH chỉ rõ những nghề nên làm ở nhà, mỗi tuần chỉ đến cơ quan 1-2 lần

Kinh tếThứ Năm, 16/11/2017 07:48:00 +07:00

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu dẫn chứng việc dù chỉ quản lý con người bằng công nghệ nhưng thái độ ứng xử của những tài xế Uber, Grab còn văn minh hơn rất nhiều so với việc phải quản lý, kêu gào qua bộ đàm, tổng đài.

Phát biểu tại thảo luận tổ ngày 14/11, đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) đã đề xuất giải pháp thí điểm cho cán bộ, công chức, viên chức một số lĩnh vực có thể làm việc tại nhà, mỗi tuần chỉ cần đến cơ quan 1-2 lần.

Trả lời VTC News bên hành lang Quốc hội, đại biểu Ngọ Duy Hiểu đã làm rõ thêm đề xuất của mình trong phát biểu tại thảo luận tổ.

ngo duy hieu

 

- Căn cứ vào đâu để ông đưa ra đề xuất cán bộ, công chức, viên chức một số lĩnh vực có thể làm việc tại nhà, mỗi tuần chỉ cần đến cơ quan 1-2 lần, thưa ông?

TP.HCM đang được thí điểm với những cơ chế đặc thù thì phải xây dựng trở thành một thành phố thông minh.

Trong thời đại công nghệ thông tin thì hoàn toàn có thể thực hiện cơ chế cho người lao động chỉ phải đến cơ quan một vài lần/tuần.

Bởi hiện nay, chúng ta đang có hệ thống công nghệ thông tin khá hoàn chỉnh nên người lao động có thể làm việc ngay trên chính máy móc của mình.

Với một số nghề, lĩnh vực, công việc, cán bộ công chức viên chức không nhất thiết phải đến cơ quan, Đó là những người đang làm các đề án, xây dựng phần mềm, quản trị website….

Những công việc này, họ hoàn toàn có thể điều hành thông qua máy tính nối mạng internet.

- Những lợi ích có thể đạt được nếu đề xuất này được thực hiện là gì?

Trên thực tế, nếu áp dụng việc này, chúng ta sẽ có rất nhiều lợi ích. Người lao động sẽ bớt công sức, thời gian di chuyển, đảm bảo an toàn giao thông, hạn chế chi phí văn phòng và nâng cao hiệu quả công việc.

Với văn hóa của chúng ta, nhiều khi đến cơ quan, người vào người ra làm chúng ta rất khó làm việc. Thay vào đó, họ có thể làm việc ở nhà với không gian tĩnh, họ có thể giải quyết được nhiều công việc hơn.

Trên thế giới, nhiều nước đã cho một số cán bộ làm việc không phải đến cơ quan như thế này; nhất là những người công tác ở các viện nghiên cứu, những người nghiên cứu khoa học thì càng cần phải khuyến khích làm việc theo cơ chế này.

Ngay cả các giáo sư đại học cũng vậy, ngoài những thời gian lên lớp, cần phải cho họ thời gian nghiên cứu tại nhà để tránh việc họ phải tập trung vào những việc hành chính ở các cơ quan.

Video: Vì sao đại biểu Quốc hội đề xuất cho cán bộ làm việc ở nhà, đến cơ quan 1-2 ngày/tuần? (Phạm Thịnh)

- Câu chuyện này đối với thế giới thì không mới, nhưng ở Việt Nam liệu có khả thi hay không, thưa ông?

Về công nghệ thông tin thì chúng ta đã hội nhập với thế giới, còn công việc thì cơ bản các nước đều giống nhau. Ví dụ, các công việc như nghiên cứu khoa học, giảng dạy, người làm nghề xây dựng phần mềm, quản trị website… hoàn toàn có thể thực hiện theo đề xuất này. Những người này hoàn toàn không bắt buộc phải đến cơ quan.

- Ông có thể dẫn chứng về kinh nghiệm quản lý người lao động thông qua công nghệ thông tin không?

Ngay cả những tài xế Uber, Grab, công ty cũng chỉ quản lý bằng công nghệ chứ không quản lý như taxi truyền thống. Họ chỉ làm thủ tục với người lái taxi thôi mà cũng không cần biết là người đó đang làm ở đâu.

ngo duy hieu 5

 

Thái độ ứng xử của những tài xế Uber, Grab còn văn minh hơn rất nhiều so với việc chúng ta cứ kêu gào quản lý qua tổng đài, bộ đàm.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu

Mục tiêu là mang về lợi nhuận và người đó không vi phạm pháp luật. Thậm chí, thái độ ứng xử của những tài xế Uber, Grab còn văn minh hơn rất nhiều so với việc chúng ta cứ kêu gào quản lý qua tổng đài, bộ đàm.

Điều đó minh chứng là không chỉ quản lý bằng kỷ luật đối với người ngay bên cạnh mình mà cần quản lý thông qua các phương tiện, kỹ thuật, công nghệ, bằng sản phẩm, kết quả công việc.

- Theo ông, hiệu quả công việc sẽ được đánh giá thế nào để đảm bảo công bằng?

 Hiệu quả công việc căn cứ vào sản phẩm đầu ra được giao. Trong đề án vị trí việc làm, chúng ta phải giao sản phẩm cuối cùng cho mỗi người, mỗi công việc trong những khoảng thời gian nhất định.

Trên cơ sở đó, chúng ta đánh giá kết quả công việc qua chính sản phẩm chúng ta giao và kết quả công việc họ đạt được.

- Những người này được tự do như vậy thì còn có kỷ luật lao động không, thưa ông?

Đừng quan niệm tự do như vậy thì sẽ không tuân thủ kỷ luật lao động. Hình thức này không phải áp dụng cho tất cả mọi người vì phải trừ những người còn có những công việc hành chính khác.

Chúng ta giao công việc cho họ và hiệu quả công việc là quan trọng nhất. Đừng quan niệm kỷ luật lao động theo kiểu xưa cũ. Nếu không, chúng ta sẽ không bao giờ đổi mới được.

Nếu trong thời gian họ ở nhà làm việc không vi phạm kỷ luật, không làm gì trái quy định pháp luật thì chúng ta phải hoàn toàn tôn trọng họ. Chúng ta cần phải quản lý thông qua kết quả công việc.

Xin cảm ơn ông!

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn