ĐBQH bức xúc việc bác sĩ kê đơn thuốc gần 5 triệu đồng toàn thực phẩm chức năng

Tin nhanh 24hThứ Hai, 13/06/2022 11:07:30 +07:00
(VTC News) -

ĐBQH bức xúc trước thực trạng bác sĩ bắt tay với nhà thuốc "móc túi" người bệnh khi kê đơn thuốc gần 5 triệu toàn thực phẩm chức năng, thuốc điều trị chỉ 400 nghìn.

Sáng 13/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) nêu thực trạng, bệnh nhân ngang nhiên bị những người hành nghề y, dược, bắt tay với các nhà thuốc, cửa hàng thuốc "móc túi" bằng việc kê đơn thuốc toàn thực phẩm chức năng.

Theo đại biểu Hoàng Minh Hiếu, báo chí vừa phản ánh trong một đơn thuốc được kê bởi bác sĩ tại một bệnh viện ở Hà Nội, bệnh nhân đã phải chi trả hơn 4,8 triệu đồng cho toàn thực phẩm chức năng, trong khi đó tiền thanh toán cho khám bệnh, điều trị chỉ 400 nghìn đồng.

“Không chỉ có một bệnh nhân, mà nhiều đơn thuốc của các bệnh nhân khác cũng lên đến tiền triệu với toàn thực phẩm chức năng khiến nhiều người phải bỏ viện ra về. Đây không phải là trường hợp đặc biệt, mà trước đó nhiều bệnh nhân phải chi trả hàng loạt chi phí cho những xét nghiệm không cần thiết, không được giải thích rõ ràng kết quả khám bệnh, chữa bệnh. Bệnh nhân không được giải đáp những thắc mắc về các đơn thuốc, nhất là không được giải thích về những sai sót xảy ra khi khám, chữa bệnh”, ông Hiếu cho hay.

ĐBQH bức xúc việc bác sĩ kê đơn thuốc gần 5 triệu đồng toàn thực phẩm chức năng - 1

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An). (Ảnh: Quốc hội)

Vị đại biểu đoàn Nghệ An cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này là sự bất bình đẳng giữa bệnh nhân và các y, bác sĩ. Người bệnh luôn ở thế yếu, phụ thuộc hoàn toàn vào thông tin, đạo đức, kiến thức, kỹ năng chuyên môn của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Thậm chí, một số y bác sĩ còn lợi dụng bệnh nhân để hưởng % hoa hồng trong kê đơn thuốc. Do vậy, dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này về nguyên tắc phải bảo vệ quyền, lợi ích của người bệnh.

“Dự thảo Luật lần này dù đã lấy người bệnh làm trung tâm, nhưng tôi kiến nghị ban soạn thảo phải xem xét bổ sung mối quan hệ giữa người bệnh và người khám chữa bệnh, bởi thực chất đây là quan hệ uỷ thác giữa người bệnh và người hành nghề khám chữa bệnh. Theo đó, người hành nghề khám chữa bệnh phải phục vụ mục đích tối cao là khám chữa bệnh, vì lợi ích của người bệnh, bí mật thông tin của người bệnh, trách nhiệm cung cấp thông tin và phương pháp khám bệnh, chữa bệnh để người bệnh hiểu rõ tình trạng sức khoẻ của mình, tránh xung đột lợi ích”, đại biểu Hiếu nói.

Nêu ý kiến về vấn đề xã hội hoá, liên doanh liên kết trong ngành y tế, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn), Phó chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội cho rằng, việc xã hội hoá, liên doanh liên kết giữa các cơ sở khám chữa bệnh công lập với các tổ chức cá nhân ngoài xã hội là chủ trương đúng đắn để bù đắp thiếu hụt về ngân sách dành cho lĩnh vực y tế. Chính sách này đã đi vào cuộc sống sau thời gian triển khai, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giúp người dân được tiếp cận y tế kỹ thuật cao từ trong nước, mà không phải ra nước ngoài.

"Việc triển khai chính sách không chỉ tuyến trung ương tiếp cận các công nghệ kỹ thuật cao về khám chữa bệnh mà các tuyến dưới cũng làm chủ các công nghệ kỹ thuật hiện đại, giúp cho người dân được thụ hưởng ngay tại địa phương, không phải chuyển tuyến, vượt tuyến", bà Thuỷ nói.

Dù vậy, nữ đại biểu cho rằng, việc triển khai xã hội hoá, liên doanh liên kết trong ngành y tế cũng nảy sinh nhiều bất cập. Đó là tình trạng lạm dụng chỉ định dịch vụ xét nghiệm kỹ thuật cao quá mức cần thiết với những máy móc xã hội hoá, gây tốn kém cho túi tiền người dân và bảo hiểm y tế. Đáng lưu ý, do thiếu một quy hoạch rõ ràng, cho nên hiện nay có sự mất cân đối trong việc huy động nguồn lực.

Xã hội hoá, liên doanh liên kết mới tập trung ở những thành phố lớn và những nơi có điều kiện thuận lợi, trong khi những bệnh viện tuyến dưới, những vùng có điều kiện khó khăn rất cần phải xã hội hoá thì lại không thể xã hội hoá được, gây thiệt thòi cho những bệnh nhân ở khu vực này.

"Theo dõi những vụ án về y tế trong thời gian qua, tôi thấy rằng, việc thổi giá không chỉ phát hiện trong các vụ án đấu thầu, mua sắm trang thiết bị, mà còn phát hiện trong việc triển khai các đề án xã hội hoá, liên doanh lên kết, hợp tác đặt máy móc khám chữa bệnh.

Ví dụ điển hình là vụ án ở Bệnh viện Bạch Mai đã ký hợp đồng cho phép đối tác đặt robot hỗ trợ phẫu thuật với giá máy trong hợp đồng liên kết gấp 5 lần giá trị thực, từ 7,4 tỷ lên 39 tỷ đã làm lợi cho một nhóm người, nhưng gây thiệt hại cho hơn 600 bệnh nhân đã sử dụng máy này", bà Thuỷ cho hay.

ĐBQH bức xúc việc bác sĩ kê đơn thuốc gần 5 triệu đồng toàn thực phẩm chức năng - 2

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn). (Ảnh: Quốc hội)

Nguyên nhân của những tồn tại trên, theo bà Thuỷ, do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu chặt chẽ, còn nhiều lỗ hổng. Hệ quả dẫn đến khó khăn cho các bệnh viện trong việc triển khai xã hội hoá, liên doanh liên kết, dễ bị lợi dụng để cấu kết nhóm lợi ích, gây thiệt hại cho bệnh nhân và thất thu ngân sách Nhà nước.

"Dự thảo luật có duy nhất điều 90 quy định về liên doanh liên kết. Điều này mang tính chủ trương, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra. Hiện nay, tiến trình xã hội hoá trong lĩnh vực y tế đang đặt ở nút tạm dừng, các hoạt động mua sắm trang thiết bị y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh toàn ngành gần như đóng băng, không dám triển khai. Các bệnh viện, nhà quản lý đang trông chờ những sửa đổi, bổ sung cụ thể trong các văn bản pháp luật, trong đó có Luật Khám chữa bệnh", bà Thuỷ nói.

PHẠM DUY
Bình luận
vtcnews.vn