ĐB Quốc hội: Tránh tình trạng làm luật như… làm đường

Thời sựThứ Năm, 17/11/2011 04:33:00 +07:00

(VTC News) - "Cử tri nói với tôi rằng Quốc hội các anh làm luật giống như hiện nay đất nước làm đường, xe chạy bao nhiêu là sửa rồi, lãng phí lắm…"

(VTC News) - "Cử tri nói với tôi rằng Quốc hội các anh làm luật giống như hiện nay đất nước làm đường, xe chạy bao nhiêu là sửa rồi, lãng phí lắm…"

Ngày 17/11, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.


Theo đó, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII có 80 dự án luật, 5 dự án pháp lệnh của chương trình chính thức và 37 dự án và 4 pháp lệnh của chương trình dự bị.


Đánh giá Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII, các ĐBQH nhìn nhận, Quốc hội đã quyết định rất nhiều các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần tạo lập được khung pháp luật để quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, củng cố quốc phòng và an ninh, bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, nói về tồn tại, thiếu sót trong việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XII, các ĐB cho rằng chưa đạt được kết quả như chương trình đề ra, mới thông qua được 67/83 dự án luật, 14 pháp lệnh và 7 nghị quyết, vẫn còn 53 nghị định chưa được Chính phủ ban hành.


Các ĐB đề nghị Quốc hội nghiêm túc xem xét, rút kinh nghiệm và có chế tài xử lý để những điều tồn tại trên không lặp lại ở chương trình xây dựng luật, pháp lệnh Quốc hội khóa XIII.


Phải chấm dứt ngay tình trạng dễ làm, khó bỏ trong xây dựng luật và pháp lệnh

ĐBQH Trần Du Lịch - Ảnh: thanhtravietnam.vn. 
Góp ý cho Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII, ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) thẳng thắn:

“Tôi cho rằng thể hiện chất lượng luật của ta không cao mà qua chương trình ta thấy, hơn một nửa luật trong chương trình là sửa đổi luật có khi mới vừa được làm.

Cử tri nói với tôi rằng Quốc hội các anh làm luật giống như hiện nay đất nước làm đường, xe chạy bao nhiêu là sửa rồi, lãng phí lắm, chúng ta nên tìm nguyên nhân nó ở đâu?”.

ĐB Chu Sơn Hà (TP Hà Nội) cho rằng, việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm không nghiêm, đưa vào, rút ra các dự án luật rất dễ dàng, những luật mang tính bức xúc nhưng chưa được quan tâm đầy đủ như Luật đất đai, Luật biển, Luật ngân sách (sửa đổi)...

“Tôi đề nghị, cần phải chấm dứt ngay tình trạng dễ làm, khó bỏ trong công tác xây dựng luật và pháp lệnh, ban hành luật phải xuất phát từ đòi hỏi của cuộc sống” – ĐB Hà nói.

ĐB Hà cũng đề nghị, kiên quyết khắc phục tình trạng "bắc chõ chờ gạo người" như lâu này Quốc hội mắc phải.


Cùng với đó, đề nghị Chính phủ rà soát chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từng năm cũng như toàn khóa sau khi Quốc hội thông qua để phân công cho từng cơ quan soạn thảo một cách hợp lý, tránh tình trạng quá tải cho một số bộ, ngành TƯ.


Đối với chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, theo ĐB Hà, phải trên quan điểm xây dựng luật, xuất phát từ yêu cầu của cuộc sống, kiên quyết không đưa vào chương trình những dự án luật chưa xác định rõ phạm vi, đối tượng điều chỉnh, chưa có những thông tin đảm bảo cơ sở hình thành dự án luật đầu tiên, ưu tiên những dự án luật đã có công tác chuẩn bị tốt từ các khóa trước đây. Quá trình soạn thảo phải bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp của hệ thống pháp luật.
 

Theo ĐB Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng), các kỳ họp Quốc hội gần đây cho thấy chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chỉ thực hiện được 70%- 80% kế hoạch, do vậy nên đưa vào chương trình chính thức khóa XIII từ 80 - 85 dự án luật mới đảm bảo tính khả thi và có điều kiện để nâng cao chất lượng của luật.


ĐBQH đưa Luật biểu tình lên “bàn cân”


Nói về Luật Biểu tình, ĐB Hoàng Hữu Phước (TP Hồ Chí Minh) đề nghị Quốc hội loại bỏ này khỏi danh sách dự án luật suốt nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.


Theo ĐB Phước, “Việt Nam có cần cho cuộc biểu tình chống Chính phủ Việt Nam hay không, chống các chủ trương, chính sách, đạo luật của Chính phủ Việt Nam hay không? Nếu không cần - tại sao lại đưa dự án Luật biểu tình?”.


ĐB Phước nêu, khi đi ngang qua vài cuộc tập hợp đông người gần đây TP Hồ Chí Minh chống đường lưỡi bò “tôi đã nghe những người bị kẹt xe lớn tiếng nguyền rủa, thóa mạ, văng tục đầy đe dọa những người đang tập hợp mà ta gọi là biểu tình ấy.


Liệu cái gọi là quyền biểu tình ấy có lớn hơn quyền được kiếm sống của người dân, quyền được ra đời của con cái của người dân, quyền được sử dụng công lộ của người dân, quyền được mưu cầu hạnh phúc của người dân...?”

ĐBQH Dương Trung Quốc - Ảnh: TTXVN. 
Theo ĐB Phước, đa số công dân sẽ không ủng hộ Luật biểu tình vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn.

Có ý nói rằng ở nước ngoài người ta biểu tình đàng hoàng nên ở Việt Nam cũng sẽ làm được, nhưng ĐB Phước cho rằng, ở Việt Nam hiện nay đã 100% đội mũ bảo hiểm khi đi bằng xe máy chưa? có chấm dứt chen lấn ở nơi công cộng chưa? có tham gia giao thông đúng luật chưa?

“Việt Nam chưa phải là siêu cường kinh tế để có thể đài thọ cho một sự ô danh” – ĐB Phước nói.


Đồng tình, ĐB Huỳnh Thế Kỳ (Ninh Thuận) cũng lên tiếng, có nên ra Luật biểu tình trong thời điểm này không?

Ở ta bây giờ xung quanh đường lưỡi bò thì một bộ phận quần chúng ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội xuống đường phản đối - đây là động cơ tốt, nhưng nếu chúng ta không vận động, không giải thích mà cứ để tụ tập đông thế này, đằng sau nó là cái gì, sâu xa là cái gì? Tôi thống nhất chưa nên ra Luật biểu tình trong thời điểm hiện nay” – ĐB Kỳ nói.


Ngược lại với các ý kiến này, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) lại nhấn mạnh: “Ta phải nhìn biểu tình cả hai cách của nó, đó là một quyền cơ bản của người dân, đồng thời đó là một công cụ hành pháp, công cụ lập pháp, pháp luật để mà thực thi quyền hành pháp. Nếu không chúng ta chỉ nhìn một mặt thì chúng ta chỉ nhìn thấy mặt hỗn loạn của nó thôi” – ĐB Quốc nhìn nhận.


Theo ĐB Dương Trung Quốc, việc biểu tỏ thái độ của người dân là cần thiết, nó có nhiều diễn đạt khác nhau, nhiều hình thức khác nhau, việc tụ tập đông người mà thực chất là biểu tình, chính bởi vì không có luật nên mới dẫn đến tình trạng hỗn loạn.


Theo đó, Luật biểu tình là một công cụ để chúng ta điều chỉnh, bảo đảm những yếu tố tích cực của nó và bảo đảm quyền của người dân, thóa mạ những người biểu tình như thế chúng ta đi ngược lại những tuyên bố chính thức của nhà nước, đó là những người yêu nước, cách biểu thị của họ không thích hợp trong hoàn cảnh này vì chúng ta chưa có luật.


“Không phải tự nhiên mà Thủ tướng Chính phủ cũng đã rất chủ động đề cập đến việc đề nghị đưa vào chương trình luật pháp của chúng ta về biểu tình. Tôi nghĩ Quốc hội chúng ta hết sức thận trọng.


Chúng ta cần phải có Luật biểu tình càng sớm càng tốt. Đương nhiên đây là luật rất nhạy cảm, khó khăn, chúng ta phải có lộ trình thích hợp, thận trọng, nhưng không vì thế mà phủ nhận để biến chúng ta thành một ốc đảo dị thường trong thế giới hiện nay” – ĐB Quốc lên tiếng.

 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, sau buổi thảo luận về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII, sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến của các ĐBQH để xây dựng thành nghị quyết và sẽ trình Quốc hội thông qua vào ngày 26/11 tới trong phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội.

 

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn