Đầu xuân về miền gái đẹp

PhimThứ Năm, 18/02/2010 05:11:00 +07:00

Cách Hà Nội khoảng 150 km, nằm bên cạnh con đường viễn lộ cổ xưa mà các ông Nguyễn Tuân, Tô Hoài... đã sải bước là miền gái đẹp Văn Luông.

Để xếp hạng những miền có nhiều con gái đẹp, người Đất tổ (Phú Thọ) xưa có câu: "Nhất Luông, nhì Cốc, tam Hiền", nghĩa là trong các xã có con gái đẹp ở tỉnh thì con gái ở Văn Luông (huyện Tân Sơn), Tây Cốc (huyện Thanh Ba) và Hiền Lương (huyện Hạ Hòa) là có tỷ lệ nhiều hơn cả.

Về xem, bắt quen làm vợ


Cách Hà Nội khoảng 150 km, nằm bên cạnh con đường viễn lộ cổ xưa mà các ông Nguyễn Tuân, Tô Hoài cùng một số nhà văn nổi tiếng khác đã soải bước lên dặm dài Tây Bắc, là miền gái đẹp Văn Luông. Nơi bán sơn địa bát ngát cọ, mướt mát chè, xanh biếc một mầu ngô khoai của miền đất “địa linh” này đã bắt người ta phải chú ý và trầm trồ về người đẹp, cảnh đẹp. Đất đẹp, con gái đẹp níu bước nam chinh.

Hà Thuy Thủy - một mỹ nhân của xã Văn Luông. 

Phải chăng, vì vậy, hơn 50 năm về trước, trong sự “xê dịch” của cuộc sống đời mình mà cố nhà văn nổi tiếng Sao Mai, người đam mê nhiều thứ và có sự cảm nhận rất sâu xa về cái đẹp đã chọn nơi đây làm chỗ dừng chân cho cả gia đình mình? Với tài “thao lược” của mình, ông đã lấy vợ hai. Cả hai bà đều đã sống êm ái thuận hòa và sinh hạ cho ông tới 11 người con.

Hun hút con đường trưa, bất chợt một câu nói cất lên từ bên luống chè xanh mướt: "Đi tìm vợ đấy phải không?!" Rồi khúc khích tiếng cười. Thì ra, vào những ngày đầu năm này, những người lạ, ăn mặc hơi hướng… lịch sự một tý, vào vùng này phần lớn được coi là kẻ đi tìm gái đẹp, bắt quen rồi đem về làm vợ.

Gần Tết, Văn Luông càng nhộn nhịp. Nhìn các biển số xe như 19 (biển Phú Thọ), 21 (Yên Bái) và 29, 30, 31… (Hà Nội) người dân lại tặc lưỡi mà rằng: Con Hương, con Hà, con Hằng… đưa chồng, con về Tết bố mẹ đấy. Hay con Vân, con Ngát, con Lụa… lại sắp lấy chồng đâu dưới thị trấn hay thành phố. Văn Luông chợt vui, chợt xốn sang nhưng cũng đượm buồn trước tình trạng “thất thoát” nhan sắc của mình.

Đang ngẩn ngơ rảo bước, tôi bị “đánh thức” về thực tại vì chiếc cầu treo Văn Luông bắc qua Bến Gạo chợt chòng chành. Cầu oằn mình để nâng đỡ trọng tải của chiếc xe đón dâu 4 bánh mang biển 26 (Sơn La). Mấy người đi đường kháo nhau đây là đám cưới của một cô hoa khôi của xã, ở Xóm Mơn, tên là Miên lấy chồng là doanh nhân chè ở huyện Phù Yên tỉnh Sơn La. Trong một lần doanh nhân này vào đây thu mua chè đã “phát hiện” ra cô.

Ai qua nơi đây cũng thấy ngất ngây

Văn Luông hiện có 17 xóm như xóm Luông, Láng, Đồng Gạo… Xóm nào cũng xuất hiện các mỹ nhân. Chị Đỗ Bích Liên, Chủ tịch xã, người được coi là hoa khôi một thời của đất này tủm tỉm: “Không nghĩ các anh là nhà báo. Cứ tưởng các anh là người ở xa đến, xác minh và xin làm thủ tục để lấy vợ ở đất này. Càng tết, càng đến mùa cưới hỏi, thanh niên nơi khác đến đây tìm vợ càng nhiều”.

Tay bồng tay bế vẫn xinh. Ảnh: P.N. 

Trong số những cô gái đã lấy chồng nơi khác, ai cũng phải tấm tắc khen hai cô gái nhà ông Khen Hài. Mỗi khi nhìn thấy hai người con gái này, không chàng thanh niên nào không “nao lòng”. Thanh niên từ Thanh Sơn tìm lên, từ Tân Sơn tìm xuống, rồi cả thanh niên các xóm khác tìm vào để tìm cách chiếm lĩnh trái tim hai người đẹp. Cuối cùng sự may mắn đã dồn về cho hai chàng trai xa xứ, một chàng ở thành phố Việt Trì và một ở tận dưới Hà Nội...

Ngoài 40, đã là bà ngoại rồi, nhưng trông chị Liên vẫn còn “mặn mà” lắm. Không ngờ chị cũng là người Hà Nội gốc, ở phố Hàng Đường. Chị theo bố mẹ đi khai hoang Tây Bắc để góp sức cho Tổ quốc. Theo chị, hiện Văn Luông chưa có thống kê về số lượng các cô gái đẹp và đẹp như thế nào. Cái đẹp ở đây vẫn tiềm ẩn và khá hấp dẫn.

Anh Hà Kim Khí, cán bộ tư pháp xã tâm sự: Vì là xã nghèo nên từ trước đến nay, Văn Luông chưa tổ chức được một cuộc thi về sắc đẹp để bình chọn người đẹp nhất. Thường nhật ngồi gõ dấu xác thực để các cô gái ở Văn Luông đi lấy chồng nơi khác, anh tự hào nói: “Tuy không có điều kiện đi nhiều, nhưng xem ảnh của các cô gái được in trên báo và tạp chí, thậm chí nhiều cuộc thi người đẹp phát trên ti vi, tôi thấy nhiều cô còn thua đứt gái ở Văn Luông này”.

Học sinh cấp 2 ở xã Văn Luông. 

Anh Hà Văn Tuất, nguyên Bí thư chi đoàn xã, hiện làm ở Hội nông dân xã đang chung sống với một hoa khôi của xã, tỏ ý tiếc cho những người đã có vợ chúng tôi: “Lên muộn thế. Gái đẹp ở Văn Luông nhiều người "săn tìm" lắm, chậm chân về không là cái chắc. Rồi anh kể : “Ngày tôi làm bí thư, những lần họp đoàn, các cô gái của các thôn tìm về thì không còn gì để nói nữa. Bên ánh lửa, hơi men tỏa ra từ các chén rượu của những lần liên hoan “đốt” các cặp môi, cặp má và ánh mắt các cô gái… Nhìn thấy, tôi cam đoan các anh không say rượu thì cũng phải say tình”.

Lây phây men rượu, lây phây hương rừng, cùng anh Tuất tôi rảo chân qua một số nhà có những thiếu nữ anh cho là được. Thú thực gặp cô nào tôi đều cấn cá vì sắc đẹp và ngoại hình của họ cả. Một vòng dạo quanh, những khuôn mặt thiếu nữ, mỗi người một vẻ cứ ám ảnh tôi. Con gái ở đây đẹp, đẹp lành lành cái chất rừng.
 
Sắc đẹp của con gái Văn Luông ở đây tôi thấy giông giống cái chất men của rượu cần. Uống nó không đem cho người ta cái sự “thăng” ngay nhưng uống nhiều, uống lâu sẽ “thăng” tới vài ba ngày chứ chả chơi. 

Theo Báo Đất Việt
Bình luận
vtcnews.vn