Đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là yêu nước nhất

Thời sựThứ Bảy, 01/01/2011 01:33:00 +07:00

(VTC News) - "Tham nhũng trong điều kiện hiện nay được coi như "giặc nội xâm", nếu mình không chống được thì mình có tội với nhân dân, với Tổ quốc...".

(VTC News) - "Tham nhũng trong điều kiện hiện nay được coi như "giặc nội xâm", nếu mình không chống được thì mình có tội với nhân dân, với Tổ quốc..." - Ông Phạm Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy (Hà Nội) nói.
 
Ông Bình là một trong 88 tấm gương tiêu biểu trong công tác phòng chống tham nhũng được vinh danh năm 2010. Sau Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII vừa qua, trao đổi cùng VTC News, ông đã chia sẻ những câu chuyện xung quanh những khó khăn, nguy hiểm cũng như sự quyết tâm đi đến cùng trên con đường đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng của mình.

"Chiến sỹ chống tiêu cực, tham nhũng" Phạm Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy (Hà Nội) - Ảnh: VTC News. 
- Thưa ông, trong buổi giao lưu tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII (ĐH) vừa rồi, ông có nói “những người chống tham nhũng là những người yêu nước nhất” – ông có thể nói rõ hơn về nhận định này?

Trong ĐH thi đua yêu nước vừa rồi tôi có nói “thực hiện lời dạy của Bác Hồ: những người thi đua là những người yêu nước nhất. Tham nhũng trong điều kiện hiện nay được coi như "giặc nội xâm", nếu mình không chống được thì mình có tội với Đảng, với nhân dân và tổ quốc – vì vậy nên tôi nói: những người chống tiêu cực, tham nhũng là những người yêu nước nhất.

Hiện nay người ta nói, giặc nội xâm tham nhũng nằm trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, như trong Nghị quyết Đại hội Đảng VIII cũng nói “một bộ phận không nhỏ Đảng viên lạm dụng chức quyền tham nhũng” – mình không đấu tranh bảo vệ được uy tín và sự trong sạch của Đảng thì mất lòng tin của nhân dân, ảnh hưởng đến công cuộc tiến lên Chủ nghĩa xã hội mà biết bao thế hệ tiền bối đã đổ xương máu gìn giữ, bảo vệ và xây dựng.

- Ông cũng đã nói, con đường chống tiêu cực, tham nhũng còn dài, còn nhiều chông gai – vậy một sỹ quan quân đội về hưu như ông đáng ra nghỉ ngơi vui thú bên gia đình, sao ông lại chọn con đường đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng?

Đúng là con đường chống tiêu cực, tham nhũng là chông gai vì tham nhũng là ẩn, đôi khi tham nhũng lại chính là người đồng chí bên cạnh mình nhưng vì có động cơ khác nhau nên họ tham nhũng – vì thế, người đối mặt với tham nhũng phải chịu nhiều nguy hiểm.

Biết là con đường chông gai nhưng tôi vẫn đi vì bản chất người lính - bộ đội Cụ Hồ luôn nhắc tôi cần phải gương mẫu dù ở bất cứ đâu, cần phải lăn mình vào nguy hiểm – nhất là khi tôi về hưu nhưng được nhận trọng trách Bí thư Đảng ủy phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) – nếu Bí thư mà không gương mẫu đi đầu thì ai sẽ làm?!

- Ông vừa nói những người chống tham nhũng phải chịu nguy hiểm, cụ thể là những nguy hiểm gì mà ông đã gặp?

Tôi từng bị kẻ tham nhũng, xã hội đen mang dao đến tận nhà chửi bới, đe dọa, ép tôi ra ngoài nói chuyện, rồi bị nói xấu tại các Hội nghị, bị tố cáo sai sự thật, bị lăng mạ trong các cuộc tiếp xúc với cử tri… Những anh em đồng đội chống tiêu cực tham nhũng với tôi cũng bị dùng chất thải bẩn ném vào nhà nhiều lần…

- Khi bị đe dọa như vậy, phản ứng của ông như thế nào?

Có kẻ đến nhà dùng dao ép tôi ra ngoài nó chuyện nhưng tôi có thái độ cứng rắn, tôi mời anh ta ra khỏi nhà, nếu không sẽ nhờ lc lượng cảnh sát cơ động 113 và công an phường đến giải quyết.

Tôi xác định, nếu anh ta có hành động gây nguy hiểm cho tôi, tôi sẵn sàng tự vệ, tuy tôi không còn trẻ khỏe nhưng tôi từng là trinh sát đặc nhiệm và tôi có nghiệp vụ nên không dễ dàng để mình bị tấn công bằng vũ lực. Chắc chắn trong tình huống cần thiết, tôi sẽ tự vệ chính đáng theo pháp luật.

- Trước những “nguy hiểm” đó, có bao giờ ông cảm thấy sợ không?

Về tâm trạng, tôi không sợ hãi vì mình có việc làm đúng đắn và có chỗ dựa vững chắc. Tôi cũng từng trải qua năm tháng chiến đấu chống Mỹ nên giữa sống – chết để vì mục tiêu cao cả thì tôi thấy chuyện đó không hề đáng sợ hãi.

Khi bị khủng bố tinh thần và bị xã hội đen có hành động trả thù, tôi cảm thấy mình càng cần phải làm cho sự việc được rõ trắng đen để chứng minh việc mình làm là đúng.

Bên cạnh đó có Đảng bộ, có nhân dân, có lực lượng thông tin đại chúng ủng hộ và tác động rất lớn đến công việc chống tiêu cực, tham nhũng của tôi, tôi cảm thấy đây là chỗ dựa vững chắc cho mình.

Tôi không hề chùn bước, nản chí hay thiếu quyết tâm – tôi càng quyết tâm hơn trên con đường mình đã chọn.

Ông Phạm Thanh Bình (Người đứng liền kề Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng) vinh dự được nhận bó hoa từ Thủ tướng Chính phủ tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII vừa qua bởi thành tích đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đến cùng của mình (Ảnh: Hà Thành)


- Nếu không từng là người lính, là bộ đội Cụ Hồ thì ông có đi theo con đường chống tiêu cực tham nhũng không?

Cũng còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng nếu không phải là người lính, là bộ đội Cụ Hồ thì chắc là… khó! Theo tôi, chất lính và chất bộ đội Cụ Hồ rất quan trọng vì đây là môi trường lớn dạy tôi biết phải – trái, trắng – đen, biết đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết.

- Vì chống tiêu cực, tham nhũng nên ông bị cấp trên đình chỉ các chức vụ - tâm trạng ông lúc đó thế nào? Ông có thấy buồn và nản không?

Khi bị đình chỉ chức vụ thì tôi đang ở chức vị Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch HĐND phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy, Hà Nội) - tôi chỉ thấy càng quyết tâm làm rõ vì thấy việc bãi miễn như vậy là không đúng, tôi đã đề nghị Quận ủy lúc đó xem xét lại, các Bí thư chi bộ và cán bộ lão thành cách mạng cùng Hội cựu chiến binh phường cũng cùng đồng lòng với tôi và có văn bản đề nghị Quận ủy giữ nguyên chức vụ cho tôi…Tôi không thấy buồn, không thấy nản, vì chắn chắn rằng, bên cạnh tôi luôn là những người đồng chí, đồng đội, luôn sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ lẽ phải.

- Khó khăn, nguy hiểm như vậy nhưng ông cũng tìm được những niềm vui gì trong việc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng mà ông kiên định?

Đảng bộ và nhân dân ủng hộ tôi chính là phần thưởng cao nhất mà không giá gì mua nổi. Khi tôi bị như thế, bao người đã lên tiếng bảo vệ tôi, những đồng chí trong Đảng ủy cũng lên tiếng thẳng thắn bảo vệ công lý, báo chí cũng lên tiếng – niềm vui này với tôi là lớn nhất.

- Thế còn gia đình ông, họ có ý kiến gì với công việc của ông?

Tôi có vợ và một con trai, vợ con tôi rất ủng hộ tôi, thông cảm và hiểu rõ việc làm đúng đắn của tôi.

Nhiều lần vợ tôi cũng bày tỏ thấy thương tôi nhiều hơn trước những khó khăn tôi gặp phải. Vợ tôi cũng khuyên tôi trong công việc thì luôn bàn với anh em, lấy ý kiến tập thể, không tự mình làm.

Thấy công việc của tôi như vậy, vợ tôi chăm lo cho tôi nhiều hơn, động viên tôi giữ sức khỏe, không để mất ngủ, tâm lý đừng căng thẳng làm ảnh hưởng đến sức khỏe bởi sức khỏe là vốn quý để làm mọi việc.

Ngay như trong việc tôi bị xã hội đen đến nhà đe dọa, vợ con tôi cũng bảo vệ tôi, vợ tôi nói với người ta là “cháu sẽ hối hận vì việc mình đang làm và những lời cháu nói hôm nay bởi chú không phải là người như thế”.

Quả là vậy! Giờ công lý và lẽ phải đã được chứng minh: 14 sự việc liên quan đến tiêu cực tham nhũng trên địa bàn phưng Nghĩa Đô đã được hai đoàn thanh tra liên ngành của TP và quận Cầu Giấy cùng Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội xuống thẩm tra. Những vụ việc này nhiều năm nay đã bị “chìm xuồng” gây bức xúc trong nhân dân, nay đang được thẩm tra, giải quyết, một số vụ việc đã có kết luận tương đối chuẩn xác. Ví dụ, vụ việc một cá nhân mượn 798,4m2 đất tập thể nhưng hơn 20 năm nay không trả, nay thanh tra có kết luận và quyết định thu hồi… Để đi được đến bước này là cả một con đường cam go, đòi hỏi người chống tham nhũng phải kiên trì, kiên quyết và làm đến cùng.

Nói chung, gia đình là nền tảng vững chắc cho tôi yên tâm với công việc mình đang làm.

- Ông sẽ đi con đường này đến bao giờ?

Tôi sẽ đi đến cùng trong mỗi sự việc. Tôi sẽ không bao giờ buông xuôi. Còn tuổi tác và sức khỏe thì tôi sẽ tiếp tục sát cánh với anh em để giải quyết, cũng như bàn giao cho thế hệ sau những kinh nghiệm mình đã có.

- Năm 2011, dự định và kế hoạch của ông như thế nào trong lĩnh vực chống tiêu cực tham nhũng?

Năm 2011 với nhiều mốc trọng đại: bầu lại HĐND, bầu lại cấp ủy – có lẽ tôi sẽ không còn ở lại các vị trí hiện tại nữa. Nhưng tôi đã nói trong Hội nghị biểu dương những cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tham nhũng đầu tháng 9/2010 là: tôi sẽ theo đến cùng tất cả các vụ việc.

Ví như trong 14 vụ việc tại địa bàn phường Nghĩa Đô thì hết nhiệm kỳ của mình dứt khoát tôi phải góp phần giải quyết được ít nhất 50%. Tôi không tham vọng giải quyết được 100% vụ việc nhưng khi bầu nhiệm kỳ mới thì các vụ việc ở nhiệm kỳ cũ cũng phải có kết quả. Muốn vậy, ngoài sự cố gắng quyết liệt của Ban chấp hành hiện tại cũng phụ thuộc vào các cơ quan chức năng trong việc giải quyết các kết luận sau khi đã thanh tra.

Tôi rất tự hào vì từ công việc mình làm thì công lý, lẽ phải được thừa nhận, sai – đúng được rõ ràng.

Muốn làm được, người chống tham nhũng phải bám chắc sự việc, khiếu nại, tố cáo đúng với bản chất sự việc, sau đó bám sát các cơ quan chức năng để giải quyết có hiệu quả. “Vấn đề quan trọng là không được đơn độc, mình không thể làm một mình được mà phải liên kết lại – kinh nghiệm quý báu trong cuộc đấu tranh vừa qua của tôi là bám sát, theo sát sự việc đến cùng xem sự việc được xử lý thế nào, kết quả ra sao…”.

- Cảm ơn ông đã chia sẻ với VTC News và mong trong năm mới 2011 ông giành được nhiều thành công và hiệu quả hơn nữa trong công việc, đặc biệt là trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng!

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn