Đấu thầu qua mạng, giải pháp phòng chống tham nhũng

Tổng hợpChủ Nhật, 17/06/2012 12:58:00 +07:00

(VTC News) – Giảm thiểu chi phí, minh bạch hóa việc mua sắm công… việc triển khai rộng rãi đấu thầu qua mạng sẽ góp phần phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam.

(VTC News) – Giảm thiểu chi phí, minh bạch hóa việc mua sắm công… việc triển khai rộng rãi đấu thầu qua mạng sẽ mở ra bước ngoặt lớn trong lộ trình công khai, minh bạch và hiện đại hóa công tác đấu thầu, góp phần tăng cường các biện pháp để phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam.

Qua 3 năm thực hiện thí điểm giai đoạn I, đến nay công tác triển khai thí điểm đấu thầu qua mạng cơ bản đã hoàn thành theo yêu cầu đặt ra về mặt tiến độ. Kết quả đạt được tuy còn khiêm tốn (gần 60 gói thầu thực hiện thành công) nhưng đáng khích lệ.

 

Về cơ bản, hệ thống đã đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật để tiếp nhận việc thực hiện đăng tải thông tin kế hoạch đấu thầu (gần 800), thông báo mời thầu (hơn 20.000) với sự tham gia đăng ký của hơn 1100 bên mời thầu và hơn 400 nhà thầu.

Tuy nhiên, do thiếu sự phối hợp của chủ đầu tư, bên mời thầu trong việc cung cấp danh sách các nhà thầu thường tham gia các gói thầu của đơn vị đó và sự phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đào tạo các nhà thầu này chưa cao, dẫn đến tình trạng nhiều gói thầu được tổ chức thực hiện theo hình thức đấu thầu qua mạng có số lượng nhà thầu tham gia chưa được nhiều như mong muốn.

Nhằm giải quyết những khó khăn trên, trước hết, cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức xu hướng hiện đại, hiệu quả khi đấu thầu qua mạng; cải thiện hạ tầng công nghệ, nâng cao dung lượng đường truyền…

Bên cạnh đó, cần ban hành những quy định cụ thể về tỷ lệ đấu thầu qua mạng. Ví dụ, quy định địa phương phải có khoảng 30% dự án thực hiện đấu thầu qua mạng, tiến tới 40%, hoặc hơn nữa…trong các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, việc ban hành chế tài rõ ràng, cụ thể đối với gói thầu quy định đấu thầu qua mạng, như trường hợp bên mời thầu không tuân thủ sẽ không công nhận kết quả trúng thầu là cần thiết.

Ngoài ra, trong giai đoạn 2 (từ nay đến năm 2015) hệ thống đấu thầu điện tử đã được xây dựng sẽ được mở rộng hơn, áp dụng cho nhiều đơn vị cơ quan hơn, do vậy, việc hoàn thiện một hệ thống đấu thầu điện tử với đầy đủ các chức năng bao gồm: đấu thầu điện tử (E-bidding) mua sắm điện tử (E-shopping), hợp đồng điện tử (E-contracting), thanh toán điện tử (E-payment) là vô cùng quan trọng.

Và để thành công trong giai đoạn này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo với Chính phủ, đề nghị nâng số cơ quan, đơn vị, địa phương áp dụng đấu thầu qua mạng từ 3 đơn vị thí điểm ban đầu lên 15 đơn vị trong năm 2012.

PV

Bình luận
vtcnews.vn