Đấu thầu 128.000 công tơ điện tử 'có vấn đề': Quan chức NPC lên tiếng

Kinh tếThứ Hai, 26/12/2016 07:41:00 +07:00

Khẳng định không có chuyện cơ quan này hạ tiêu chuẩn trong hồ sơ mời thầu gói 128.000 công tơ điện tử, ông Nguyễn Thanh Bình - Trưởng phòng Vật tư Tổng công ty điện lực miền Bắc (NPC) đồng thời cho biết NPC quan tâm đến chất lượng công tơ điện tử hơn là nguồn gốc xuất xứ.

Những ngày qua, vụ việc NPC mua sắm thông qua đấu thầu gói 128.000 công tơ điện tử có tính năng đọc dữ liệu từ xa với tổng giá trị 117,2 tỷ đồng nhưng lại phát sinh một số vấn đề đang được dư luận quan tâm.

Asd

 Ông Nguyễn Thanh Bình - Trưởng phòng Vật tư NPC. Ảnh H.H

Cụ thể, có thông tin cho rằng hồ sơ mời thầu của NPC không tuân thủ theo Thông tư 05/2015 mà đã hạ tiêu chuẩn, tạo điều kiện cho nhà thầu thiếu năng lực trúng thầu. Điều này dẫn tới trong thời gian qua, nhiều thiết bị chưa tự đọc được dữ liệu mà phải nhờ phía nhà cung cấp xử lý; một số vừa hoạt động đã phải thay thế do tín hiệu chập chờn hoặc các công tơ điện tử có tính năng đọc dữ liệu từ xa đọc không ổn định.

Bên cạnh đó, dư luận nghi ngờ do nguồn gốc xuất xứ công tơ điện tử không rõ ràng (từ Trung Quốc) là nguyên nhân dẫn tới sự cố trong quá trình thu thập dữ liệu.

Trả lời VTC News liên quan đến ngồn gốc xuất xứ 128.000 công tơ điện tử trên, ông Nguyễn Thanh Bình - Trưởng phòng Vật tư NPC cho biết: NPC chủ yếu quan tâm đến chất lượng công tơ điện tử chứ không quan trọng nhà sản xuất mua linh kiện từ đâu.

“Cái chuyện nguồn gốc xuất xứ có quan trọng không? Chất lượng theo chúng tôi mới là quan trọng nhất, công tơ này phải tuân thủ tất cả các điều kiện của IEC (Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế) về công tơ điện tử và phù hợp với quy định về tiêu chuẩn chất lượng của EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam)” - Ông Bình nói.

Ông Bình cũng cho biết thêm, chỉ cần Công ty cổ phần quản lý năng lượng thông minh (PSMART) là nhà sản xuất đáp ứng 25% linh kiện sản xuất trong nước, còn lại 75% linh kiện nhà sản xuất nhập ở đâu là việc của họ.

Xác nhận nhà sản xuất PSMART mới được thành lập năm 2014. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Bình phủ nhận việc NPC hạ tiêu chuẩn mời thầu.

Ông Bình nói: “Ở đây chúng ta phải tách bạch rất rõ, nhà sản xuất và nhà thầu. Nhà thầu có thể là nhà sản xuất cũng có thể là nhà thương mại. Trong khi đấy cái hợp đồng tương tự yêu cầu là với nhà thầu.”

Theo ông Bình, nhà thầu có nhiều tiêu chuẩn vượt trội. “Thứ nhất, có chứng chỉ ISO9001 cho công việc sản xuất và kinh doanh công tơ. Thứ hai, công tơ là mặt hàng hết sức đặc biệt, được quản lý bằng luật chuyên dùng là Luật Đo lường.

Để một công tơ được phép lưu hành thì phải được thử nghiệm bởi phòng thử nghiệm độc lập và trên cơ sở thử nghiệm độc lập đó thì Tổng Cục đo lường chất lượng mới phê duyệt và công tơ mới được phép sử dụng”.

Ông Bình cho biết, sản phẩm công tơ của nhà thầu đã được phòng thử nghiệm độc lập thử nghiệm đạt yêu cầu chất lượng và được Tổng Cục đo lường chất lượng phê duyệt cho phép lưu hành trên thị trường.

Bên cạnh đó, ông Bình cho hay, hồ sơ mời thầu xác định hàng hoá của gói thầu chính là cả hệ thống tự động thu thập số liệu công tơ điện tử từ xa, mà trong đó công tơ điện tử chỉ là một phần trong phạm vi cung cấp hàng hoá của gói thầu.

Khẳng định quy trình lựa chọn nhà thầu được giám sát chặt chẽ, ông Bình cho biết thêm: “Chúng tôi yêu cầu nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu cùng 9 mẫu công tơ. Các mẫu công tơ do nhà thầu cung cấp được thí nghiệm tại Công ty Thí nghiệm điện miền Bắc. Có đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn thì hồ sơ mới đạt”.

ASvc

 Công tơ điện tử nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Ảnh EVN

Cùng với đó, theo ông Bình, trong quá trình thực hiện hợp đồng, NPC còn yêu cầu chọn mẫu theo tỉ lệ nhất định và gửi đến Viện Đo lường Việt Nam. Thử nghiệm các nội dung điển hình đặc biệt là về môi trường. Và chỉ 3% thiết bị không đạt là loại cả gói thầu.

Ngoài ra, ông Bình cho hay, trong hợp đồng NPC cũng đưa ra yêu cầu hết sức khắt khe là 128.000 công tơ sẽ tiếp tục được NPC thử nghiệm, nếu không đạt sẽ bị loại. “Kết quả thử nghiệm 100% công tơ đạt tiêu chuẩn. Như vậy, chất lượng công tơ là hoàn toàn đảm bảo, đo đếm điện là chính xác, khách hàng không bị ảnh hưởng gì hết” – Ông Bình, nói.

Trước đó, VTC News đưa tin, gói thầu 128.000 công tơ điện tử có tính năng đọc dữ liệu từ xa với tổng giá trị 117,2 tỷ đồng tại NPC phát sinh một số vấn đề. Cụ thể, nhiều thiết bị tại Thái Nguyên, Hoà Bình chưa tự đọc được dữ liệu mà phải nhờ phía nhà cung cấp xử lý. Có những trạm biến áp chỉ đọc được 60% số lượng công tơ. Dữ liệu đọc không ổn định, ngày đọc nhiều, ngày đọc ít.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn