Đậu bắp có thể 'biến thành thuốc độc’ đối với một số người

Gia đìnhThứ Sáu, 29/10/2021 06:46:03 +07:00

Được gọi là "nhân sâm xanh” nhưng quả đậu bắp có thể gây hại cho một số người, vậy những ai không nên ăn đậu bắp?

Đậu bắp là loại rau củ phổ biến ở các nước nhiệt đới và được cho là có nguồn gốc từ châu Phi. Đậu bắp có nhiều tên gọi khác như bông vàng, mướp tây, bắp chà,….

Hiện nay, đậu bắp được trồng chủ yếu ở những nơi có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Đậu bắp chứa rất nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa cần thiết cho cơ thể. Không những vậy, với hàm lượng chất xơ cao, loại rau ăn quả này còn được mệnh danh là 'thần dược' giúp nhuận tràng rất tốt.

Lợi ích của đậu bắp đối với sức khỏe

Trị tiểu đường

Quả đậu bắp có tác dụng rất tốt trong việc ổn định lượng đường trong máu của chúng ta. Bởi trong các thành phần của đậu bắp, chất xơ chiếm một phần lớn. Chất xơ có tác dụng làm chậm quá trình hấp thụ đường, tốt cho những người bị bệnh tiểu đường.

Chính vì vậy, ăn đậu bắp có tác dụng chữa trị bệnh tiểu đường rất tốt. Đây là bài thuốc hữu hiệu mà nhiều người áp dụng sử dụng cho các bữa ăn hằng ngày.

Đậu bắp có thể 'biến thành thuốc độc’ đối với một số người - 1

Chữa bệnh khớp

Ăn đậu bắp tốt cho xương khớp bởi chất nhầy có trong loại quả này. Trong các thành phần dưỡng chất của đậu bắp, có các dưỡng chất được xem là tốt cho xương khớp như vitamin K, folate. Đây là các dưỡng chất có tác dụng lớn trong việc ngăn ngừa, phòng chống bệnh loãng xương.

Với công dụng này, tuy không phải là một bài thuốc đặc trị bệnh khớp nhưng đậu bắp cũng được bổ sung vào các món ăn tốt dành cho xương khớp của rất nhiều người.

Làm đẹp da

Hàm lượng vitamin C và K trong đậu bắp giúp bảo vệ làn da sáng màu và tươi trẻ hơn. Ăn đậu bắp nhiều sẽ giúp thúc đẩy quá trình hình thành collagen đồng thời phục hồi các vùng da bị hư hại nên cũng mang lại cho bạn làn da mịn màng, trẻ trung và khỏe mạnh hơn.

Chữa táo bón

Đậu bắp chứa nhiều chất xơ. Hàm lượng chất xơ trong 100 gram đậu bắp tương đương với 10% chất xơ mà cơ thể cần mỗi ngày. Do đó, đậu bắp sẽ giúp hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn. Bên cạnh đó, vitamin A có trong đậu bắp còn góp phần giúp màng nhầy trong ruột kết thực hiện chức năng của chúng được tốt hơn, cụ thể là đại tiện dễ dàng hơn.

Hỗ trợ giảm cân

Đậu bắp nhiều chất xơ nên sẽ giúp bạn nhanh no và no lâu. Từ đó bạn sẽ hạn chế ăn các loại thực phẩm khác đặc biệt là ít ăn vặt hơn nên hỗ trợ giảm cân hiệu quả. Đặc biệt, đậu bắp chứa rất ít calo nên cho dù bạn ăn nhiều cũng không lo vấn đề tăng cân.

Do đó, thêm đậu bắp vào thực đơn thường xuyên đồng thời hạn chế các loại thực phẩm nhiều chất béo khác cũng là cách giúp giảm cân như ý muốn.

Ngăn ngừa bệnh thiếu máu

Một người bị thiếu máu có thể nhận được những lợi ích của loại rau này từ nước ép của nó. Nguyên nhân vì đậu bắp rất giàu vitamin K, vitamin B, sắt, kali, kẽm, canxi, mangan và magiê… giúp tạo ra nhiều tế bào hồng cầu trong cơ thể.

Cải thiện sinh lý nam giới

Một nghiên cứu gần đây cho biết đậu bắp có chứa dạng glucide phức polysaccharide và các thành phần dinh dưỡng hữu ích, có thể giúp tăng cường dòng máu chảy vào vùng sinh dục, gây cương cứng. Điều này đã góp phần cải thiện sinh lý phái mạnh.

Giảm mức cholesterol

Đậu bắp có chứa rất nhiều chất xơ hòa tan, do đó có thể giúp cơ thể giảm mức cholesterol. Việc tiêu thụ thường xuyên loại nước ép này có thể làm giảm mức cholesterol trong máu và bảo vệ trái tim của bạn.

Giảm triệu chứng hen suyễn

Trong đậu bắp có chứa hàm lượng vitamin C và các chất chống oxy hóa cao. Loại vitamin này có liên quan đến khả năng giảm bớt các vấn đề về đường hô hấp như hen suyễn. Do đó, khi dùng đậu bắp thì bạn sẽ đỡ khó chịu hơn với các triệu chứng hen, đồng thời giảm khả năng bị hen suyễn.

Những ai không nên ăn đậu bắp?

Dưới đây là một số đối tượng nên tránh ăn đậu bắp, nếu không sẽ gây ra những tác hại khôn lường.

Người bị sỏi thận

Những ai từng mắc sỏi thận cũng đều tránh dùng quả đậu bắp bởi vì quả đậu bắp có chứa lượng oxalate lớn dễ tạo nên sỏi thận với dạng calcium oxalate.

Người có vấn đề về đường ruột

Đậu bắp chứa nhiều fructan, là dạng carbohydrate có thể gây tiêu chảy, đầy hơi với các bệnh nhân có vấn đề về đường ruột. Đặc biệt, với những bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích hay các bệnh đường ruột khác rất dễ nhạy cảm với các loại thực phẩm giàu fructan như đậu bắp.

Người bị viêm khớp, đau khớp

Đậu bắp chứa solanine có liên quan đến viêm khớp, đau khớp. Solanine còn có mặt trong khoai tây, cà tím, cà chua, atiso và dâu tây.

Bệnh nhân đang uống thuốc chống đông máu

Việc ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin K sẽ gây tác dụng ngược với các bệnh nhân đang dùng thuốc chống đông máu như warfarin (thuốc ngăn ngừa sự kết tụ huyết khối gây tắc nghẽn đường dẫn máu lên não hoặc vào tim). Vitamin K còn được xem là trợ thủ cho việc hình thành huyết khối, làm tắc nghẽn đường truyền máu tới tim hoặc não, vô cùng nguy hiểm.

Chọn và chế biến đậu bắp đúng cách

Để có được những lợi ích tốt từ đậu bắp, khi mua đậu bắp tươi, nên chọn quả không quá mềm, không có vết thâm bên ngoài vỏ, và không dài quá 8cm và chỉ trữ để dùng trong không quá 3 hoặc 4 ngày.

Nên rửa cả trái trước khi thái thành miếng nhỏ để chế biến thức ăn chứ không nên rửa sau khi thái để thành phần dinh dưỡng không bị hao hụt.

Khi chế biến, nên nấu chín ở nhiệt độ thấp, vừa phải, không nấu, nướng đậu bắp ở nhiệt độ cao, tốt nhất là hấp chín.

(Nguồn: Tiền Phong)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp