Dấu ấn ông Trầm Bê

Kinh tếThứ Bảy, 25/02/2017 13:03:00 +07:00

Ông Trầm Bê tuy “chấm dứt vai trò quản trị điều hành” đối với Sacombank song thực tế, ông đã để lại không ít dấu ấn trên con đường kinh doanh ngân hàng nhiều kỳ lạ.

Tin ông Trầm Bê và con trai, ông Trầm Khải Hoà, chấm dứt điều hành ngân hàng Sacombank dù được nói “nằm trong lộ trình và các giải pháp thực hiện phương án tái cơ cấu ngân hàng” nhưng cũng đã gây nhiều bất ngờ. Có thể nói, ngân hàng là lĩnh vực ông Trầm Bê dành nhiều tâm huyết, trong gần chục năm trở lại đây.

trambe

 Ông Trầm Bê để lại nhiều ấn trong ngân hàng

Ông Trầm Bê sinh năm 1959, tại Trà Vinh. Lĩnh vực ông Trầm Bê khởi nghiệp không phải ngân hàng mà là chế biến lâm sản. Từ đó, ông mới tiến vào địa ốc rồi mới nhảy vào làm ngân hàng sau khi góp vốn đầu tư vào lĩnh vực y tế.

Dù xuất phát sau trong lĩnh vực tài chính ngân hàng song ông Trầm Bê đi nhanh và có những thương vụ để đời. Trong đó, nổi tiếng nhất là việc “thâu tóm” Sacombank, năm 2012.

Từ ông chủ gỗ tới “đại gia” ngân hàng

Theo tài liệu, ông Trầm Bê bắt đầu sự nghiệp kinh doanh lừng lẫy với cương vị là giám đốc rồi chủ tịch hội đồng quản trị một doanh nghiệp chế biến lâm sản (Công ty chế biến lâm sản Đông Anh) trong giai đoạn từ 1991 – 2000.

Video: Cướp ngân hàng BIDV ở Huế: Dùng súng giả cướp 725 triệu đồng trong 17 giây

Từ lâm sản, ông Trầm Bê tiến quân vào lĩnh vực bất động sản bằng việc đầu tư vào Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCCI) với vai trò là thành viên hội đồng quản trị (1999). Đây là thời kỳ BCCI phất lên nhanh chóng do bất động sản đang vào giai đoạn cao trào.

Cũng trong thời gian này, ông Trầm Bê góp vốn xây dựng bệnh viện Triều An, một trong những bệnh viện tư nhân đầu tiên của Việt Nam.

Năm 2004, ông Trầm Bê tham gia đầu tư và trở thành thành viên Hội đồng quản trị của Ngân hàng Phương Nam - SouthernBank. Đây cũng là những năm mà ngân hàng phát triển mạnh nhất, đạt doanh thu trên 1.000 tỷ đồng cùng lợi nhuận ròng gần 200 tỷ đồng trong năm 2007.

Năm 2009, ông Trầm Bê được cho là đã đầu tư khoản 64 triệu USD để sở hữu một phần khu mua sắm Vallco Shopping Mall thuộc trung tâm thương mại tại Cupertino (bang California, Mỹ) và kiếm được 16 triệu USD chỉ sau 5 năm.

Theo chia sẻ của ông Trầm Bê với báo giới, ông bắt đầu mua cổ phiếu của Sacombank từ giữa 2011, khi ấy thị giá Sacombank trên sàn khoảng 16.000-17.000 đồng. Trước đó, ông Trầm Bê đã đầu tư vào một số ngân hàng chưa niêm yết bằng cách mua cổ phiếu OTC và đã có lời.

Năm 2012, ông Trầm Bê gây bất ngờ khi có tên trong danh sách Hội đồng quản trị Sacombank với chức danh Phó chủ tịch. Các thành viên trong gia đình ông Trầm Bê chia nhau nắm giữ các chức vụ quan trong tại hai ngân hàng SouthernBank và Sacombank.

Thương vụ “thâu tóm” Sacombank của ông Trầm Bê để lại nhiều câu hỏi mà đến hôm nay vẫn chưa được làm rõ. Trong đó, mối quan tâm lớn của dư luận là nguồn lực tài chính của những người đi thâu tóm đến đâu, làm thế nào có thể mua nổi 51% cổ phần của một ngân hàng niêm yết?

"Dứt tình" với tài chính ngân hàng

Tháng 10/2015, Southern Bank và Sacombank sáp nhập. Toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của Southern Bank sẽ chuyển về Sacombank. Sacombank cam kết duy trì quyền, nghĩa vụ của khách hàng, đối tác, cổ đông của cả hai ngân hàng.

gia-dinh-tram-be

 Gia đình quyền lực của ông Trầm Bê.

Tuy nhiên, cùng với sáp nhập Southern Bank và Sacombank, ông Trầm Bê (khi đó là Phó chủ tịch Sacombank) phải cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho ngân hàng nhà nước và không được tham gia quản trị, điều hành ngân hàng sau sáp nhập.

Theo thông cáo của Sacombank, sau sáp nhập, ngân hàng có tổng tài sản 297.184 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu gần 24.506 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 18.850 tỷ đồng.

Dù đã cam kết không tham gia điều hành ngân hàng sau sáp nhập, nhưng, phải đến hôm qua 24/2, Ngân hàng Nhà nước mới chính thức ban hành quyết định chấm dứt vai trò quản trị, điều hành của ông Trầm Bê và ông Trầm Khải Hòa tại Sacombank.

Thông báo cũng cho biết, trong thời gian tới, cơ quan này sẽ chỉ đạo Sacombank khẩn trương tổ chức họp hội đồngcổ đông để kiện toàn bộ máy quản trị, điều hành, triển khai các giải pháp tái cơ cấu, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, ổn định tình hình tổ chức, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Như vậy, kể từ hôm qua, ông Trầm Bê đã chính thức chấm dứt mọi liên quan tới Sacombank, kết thúc gần 20 năm tham gia hoạt động kinh doanh tài chính ngân hàng của mình.

Còn lại gì?

Dù không làm ngân hàng song ông Trầm Bê còn những khoản đầu tư tại nhiều lĩnh vực khác.

Theo tìm hiểu, ông Trầm Bê vẫn còn các khoản đầu tư tại bệnh viện Triều An (khoảng 15,25% vốn điều lệ).

Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015, tính tới 31/12/2015, ông Trầm Bê và con gái là bà Trầm Thuyết Kiều đều đang giữ chức vụ thành viên trong Hội đồng quản trị của bệnh viện.

Ông Trầm Bê còn được biết đến với chức danh kiêm nhiệm là cố vấn hội đồng quản trị.

Hoạt động kinh doanh của Bệnh viện Triều An duy trì khá ổn định trong thời gian gần đây với doanh thu đạt trên 300 tỷ đồng, lợi nhuận trong khoảng gần 30 đến 40 tỷ đồng mỗi năm.

Phần lớn lợi nhuận sau khi thực hiện các nghĩa vụ tài chính của bệnh viện đều được sử dụng để chia cổ tức cho các cổ đông. Ngoài ra, con gái ông Trầm Bê, bà Trầm Thuyết Kiều vẫn sở hữu 1% vốn tại Công ty thương mại Vàng bạc đá quý Phương Nam (NJC), thành lập từ 2007.

Hoà Bình (Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn