Dấu ấn kinh tế thời Thủ tướng Phan Văn Khải

Kinh tếThứ Bảy, 17/03/2018 06:59:00 +07:00

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải vừa từ trần, ông là người để lại nhiều dấu ấn kinh tế quan trọng trong suốt 9 năm trên cương vị Thủ tướng.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (sinh ngày 25/12/1933) quê tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM. Ông Phan Văn Khải được bầu làm Thủ tướng vào tháng 9/1997, tái nhiệm vào tháng 7/2002, đến tháng 6/2006, ông xin từ nhiệm trước khi kết thúc nhiệm kỳ 1 năm.

Dẫn dắt Việt Nam vượt qua cuộc khủng hoảng

Từ tháng 9/1997, ông Phan Văn Khải được bổ nhiệm làm Thủ tướng, kế vị ông Võ Văn Kiệt giữa lúc xảy ra khủng hoảng tài chính châu Á bắt đầu từ tháng 7/1997.

Theo báo điện tử VnEconomy, thời điểm năm 1997, Việt Nam đang trên đà phát triển và mở cửa hội nhập thì xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực. Cuộc khủng hoảng này bắt đầu từ Thái Lan lan sang Hàn Quốc, Indonesia,...  rồi nhanh chóng lan rộng ra khắp châu Á và thế giới.

Do tác động của cuộc khủng hoảng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang ở mức cao trong thời kỳ 1995-1997, thì đến năm 1998, chỉ tăng 5,76%, năm 1999 chỉ tăng 4,77%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký, nếu năm 1995 đạt trên 6,9 tỷ USD, năm 1996 đạt gần 10,2 tỷ USD, thì năm 1997 còn gần 5,6 tỷ USD, năm 1998 còn gần 5,1 tỷ USD, năm 1999 còn gần 2,6 tỷ USD.

Lạm phát nếu năm 1996 ở mức 4,5%, năm 1997 ở mức 3,6%, thì năm 1998 lên mức 9,2%. Giá USD nếu năm 1995 giảm 0,6%, 1996 tăng 1,2%, thì năm 1997 tăng 14,2%, năm 1998 tăng 9,6%,... Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu năm 1996 ở mức 33,2%, năm 1997 ở mức 26,6%, đến năm 1998 chỉ còn 1,9%.

Nhập khẩu nếu năm 1996 còn tăng 36,6%, thì năm 1997 chỉ còn tăng 4% và năm 1998 giảm 0,8%, năm 1999 chỉ tăng 2,1%.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được xem là người dẫn dắt Việt Nam qua khủng hoảng, đạt tăng trưởng GDP trung bình 7% trong gần 9 năm lãnh đạo.

Năm 2000, tốc độ trưởng trưởng GDP của Việt Nam tăng trở lại con số 6,8% và giữ nguyên đà tăng tốc đó đến năm 2006-2007, lạm phát trong suốt giai đoạn đó luôn ổn định và ở dưới mức 10%/năm. Đây là kết quả ấn tượng trong suốt nhiệm kỳ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

Thành lập Tổ nghiên cứu kinh tế đối ngoại

Năm 1998, Thủ tướng Phan Văn Khải đưa ra quyết định 87/1998/QĐ-TTg nâng cấp Tổ nghiên cứu đổi mới thành Tổ nghiên cứu kinh tế đối ngoại của Thủ tướng.

Thời ông Phan Văn Khải, trước khi Chính phủ ban hành bất cứ văn bản nào, Thủ tướng cũng đều chuyển cho Tổ Nghiên cứu xem trước. Hầu hết các thành viên của tổ chức tư vấn đều chuyên làm công tác nghiên cứu, không giữ chức quyền trong bộ máy hành chính nhà nước, một số đã về hưu.

Thông qua Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư

Năm 2000, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7, tiến hành những cải cách về thể chế kinh tế, nổi bật là việc Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, cùng có hiệu lực từ ngày 1/7/2006.

Sự kiện này đánh dấu một chặng đường 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, Việt Nam mới có một khung pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp áp dụng thống nhất cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.

Từ năm 2000 đến năm 2005 là thời điểm kinh tế tư nhân trong nước phát triển mạnh mẽ, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt được những bước tiến dài.

Cũng tại thời điểm nhiệm kỳ của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nhiều dự án công trình lớn được khởi công xây dựng như cầu Cần Thơ (năm 2004), Cầu Vĩnh Tuy (năm 2005, vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng),...

Thăm chính thức Hoa Kỳ và Canada

thu-tuong-phan-van-khai

 Thủ tướng Phan Văn Khải trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ tháng 6/2005.

Năm 2005, ông Phan Văn Khải là nhà lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ kể từ khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975.

Theo báo Tuổi trẻ đưa tin, vào ngày 21/6/2005, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ, Thủ tướng Phan Văn Khải nhấn mạnh: “Cuộc gặp của tôi và Tổng thống G.Bush tại Nhà Trắng sáng nay chứng tỏ quan hệ của hai nước chúng ta đã bước sang tầm cao mới, cùng nhau xua tan bóng đêm của quá khứ, đón nhận ánh sáng của tương lai. Đó là tương lai của mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi”.

Thủ tướng đánh giá cao hoạt động của Hội đồng thương mại Việt - Mỹ, Hội đồng Mỹ - ASEAN, Hội đồng thương mại Mỹ cùng nhiều nhà tài trợ để doanh nghiệp hai nước có cuộc gặp gỡ tại thủ đô Washington. Một cuộc gặp mà theo Thủ tướng, 10 năm trước đây ông khó hình dung nổi.

Hiệp định thương mại VN - Mỹ được ký kết đưa Mỹ lên các nước hàng đầu về kim ngạch buôn bán hai chiều với VN (tăng lên 20 lần so với năm 1995).

Trong chuyến thăm Hoa Kỳ năm 2005, Thủ tướng Phan Văn Khải gặp gỡ tỷ phú Bill Gates - nhà sáng lập hãng công nghệ Microsoft. Chính phủ Việt Nam và Microsoft đã ký hai bản ghi nhớ thoả thuận về việc đào tạo và phát triển các công ty công nghệ thông tin Việt Nam và đào tạo hơn 50.000 giáo viên Việt Nam trong lĩnh vực máy tính và phần mềm.

Ngay sau chuyến thăm chính thức Mỹ, Thủ tướng Phan Văn Khải thăm chính thức Canada, cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973. Những cam kết, những hiệp định và thỏa thuận hợp tác cấp cao mới, hợp tác giữa các địa phương và giữa các doanh nghiệp hai nước đã được ký kết nhân chuyến thăm này.

Đàm phán gia nhập WTO

Đặc biệt, năm 2006, sự kiện đàm phán gia nhập WTO thành công và quan trọng hơn là những chỉ số kinh tế vĩ mô vượt trên sự mong đợi. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2006 đạt con số kỷ lục 10,2 tỉ USD, mức thu hút vốn FDI cao nhất kể từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1997 đến năm 2006.

Cam kết tài trợ vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) 4,45 tỷ USD, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đạt 22,1%.

Video: Tình hình sức khỏe nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải

Thu Nga
Bình luận
vtcnews.vn