Đất gần thủy điện Đồng Nai 2 vẫn sụt lún kinh hoàng

Thời sựThứ Bảy, 19/10/2013 02:26:00 +07:00

Ngày 19/10, hiện tượng sụt lún đất gần thủy điện Đồng Nai 2 tiếp tục lan rộng trên địa bàn thôn Gia Bắc 2 (xã Tân Nghĩa) thêm 20ha và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ngày 19/10, UBND huyện Di Linh cho biết hiện tượng sụt lún đất gần thủy điện Đồng Nai 2 tiếp tục lan rộng trên địa bàn thôn Gia Bắc 2 (xã Tân Nghĩa) thêm 20ha và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Cũng tại xã Tân Nghĩa, vết nứt đã lan sang các thôn Lộc Châu 1, 2 và 3 và bước đầu làm ảnh hưởng xấu đến các công trình nhà ở của một vài hộ dân. Ngoài 4 nhà dân đã bị sụp đổ hoàn toàn, hiện đã có 3 ngôi nhà trong khu vực bị ảnh hưởng đang đứng trước nguy cơ sụp đổ bất kỳ lúc nào; cùng đó là hàng chục ngôi nhà khác bị nứt tường, nghiêng trụ, bong tróc trần…
Di dời tài sản của người dân ra khỏi vùng sụt lún đất 

Cũng theo UBND huyện Di Linh, ngày 19/10, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng, UBND huyện Di Linh đã cử cán bộ xuống cùng UBND xã Tân Nghĩa tiến hành kiểm tra, vận động và di dời các hộ dân có nhà đang có nguy cơ sụp đổ ra khỏi khu vực nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho bà con.
Mới đây, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chỉ đạo: Giao Sở TN-MT chủ trì phối hợp với Sở KH-CN, Sở NN-PTNT và UBND huyện Di Linh khẩn trương kiểm tra cụ thể; xác định nguyên nhân, giải pháp khắc phục, báo cáo và đề xuất UBND tỉnh hướng xử lý tình trạng sụt lún đất tại Di Linh như một số phương tiện thông tin đã phản ánh trong thời gian qua.
Như Lao Động (số ra ngày 15 và 17.10) đã thông tin, hiện tượng sụt lún đất gần thủy điện Đồng Nai 2 bắt đầu xảy ra hôm 6/10, sau khi thủy điện Đồng Nai 2 được chặn dòng tích nước vào ngày 21/9; vị trí căn nhà bị sụt lún gần lòng hồ thủy điện Đồng Nai 2 gần nhất chỉ cách khoảng 300m. 
Ban đầu, vết sụt lún chạy dọc từ núi Cổng Trời qua thôn Gia Bắc 2 (xã Tân Nghĩa) đến gần hồ nước thủy điện Đồng Nai 2 dài khoảng 2km. 
Sau đó, từ vết nứt dọc này đã xuất hiện thêm rất nhiều vết nứt ngang chạy ngang qua nhà dân khiến cho nhiều ngôi nhà bị sụp đổ và nứt toác. 
Với các hộ phải di dời, ngoài việc hỗ trợ tiền mặt cho bà con (mỗi hộ 5 triệu đồng), UBND huyện Di Linh còn yêu cầu UBND xã Tân Nghĩa nhanh chóng bố trí mỗi hộ 6m đất chiều ngang tại sân bóng của xã để dựng nhà tạm, ổn định cuộc sống.
Tính đến 19/10, tại 4 thôn của xã Tân Nghĩa gồm Gia Bắc 2, Lộc Châu 1, 2 và 3 có khoảng 70ha cây trồng (chủ yếu là cà phê) bị hư hại; 4 căn nhà đã sụp đổ hoàn toàn, 3 ngôi nhà đang đứng trước nguy cơ bị sụp đổ bất kỳ lúc nào và hơn chục ngôi nhà khác bị ảnh hưởng ở nhiều mức độ (nứt tường, lún nền, nghiêng trụ, long tróc trần…).
Mặc dầu trong các ngày từ 16 – 19/10, một số cán bộ chuyên môn của các sở KH-CN, TN-MT và NN-PTNT Lâm Đồng đã có mặt tại hiện trường nhưng chỉ mới ghi nhận “tình trạng sụt lún đất xảy ra sau khi hồ thủy điện Đồng Nai 2 tích nước” chứ chưa đưa ra kết luận chính thức về nguyên nhân của hiện tượng sụt lún này.

Cũng liên quan đến thủy điện Đồng Nai 2, như Lao Động số ra ngày 9/10 đã phản ánh, sau khi tích nước, đã có hàng trăm hộ dân sống trong lòng hồ thuộc hai xã Liên Hà và Tân Thanh của huyện Lâm Hà bị thiệt hại về tài sản (cây công nghiệp cà phê, trang trại, nhà cửa…) vì nước dâng nhanh, dân không kịp trở tay vì chưa nhận được tiền đền bù hoặc nhận tiền đền bù chưa đủ. 
Ngày 19/10, UBND huyện Lâm Hà cho biết đã có một số buổi làm việc với chủ đầu tư là Công ty cổ phần Thủy điện Trung Nam để xác định những thiệt hại của dân sau khi thủy điện Đồng Nai 2 tích nước để từ đó có kế hoạch hỗ trợ cho dân.

Theo Lao Động

Bình luận
vtcnews.vn