Đặt camera giám sát thi THPT Quốc gia, ĐBQH: 'Ai có ý định gian lận sẽ phải từ bỏ'

Giáo dụcThứ Sáu, 09/11/2018 07:40:00 +07:00

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (TP. Hà Nội) khẳng định việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật sẽ đảm bảo tính khách quan, minh bạch và ai có ý đồ gian lận, có những mưu mô muốn can thiệp vào quá trình lưu trữ bài thi thì sẽ phải từ bỏ.

Mới đây, Bộ GD&ĐT đưa ra những thay đổi trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019. Cụ thể, tại các điểm thi và hội đồng thi sẽ đặt camera giám sát phòng chứa tủ đựng đề thi, bài thi và quá trình chấm thi 24/24 giờ.

Ngoài ra, phần mềm chấm thi trắc nghiệm sẽ được sửa đổi, nâng cấp theo hướng phân quyền cụ thể và mã hóa dữ liệu để cán bộ xử lý bài thi không thể biết được mối liên hệ giữa thông tin cá nhân thí sinh với nội dung trả lời trắc nghiệm (đánh phách điện tử phiếu trả lời trắc nghiệm).

Trả lời PV VTC News về những thay đổi này, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (TP.Hà Nội) khẳng định, việc sử dụng các biện pháp kỹ thuật sẽ đảm bảo tính khách quan, minh bạch, làm tăng độ tin cậy và có tác dụng răn đe cho những người thực thi nhiệm vụ, trong suốt quá trình diễn ra kỳ thi THPT Quốc gia 2019.

hoang-van-cuong-2 4

 Đại biểu Hoàng Văn Cường trả lời bên hành lang Quốc hội.

- Năm 2019, các điểm thi THPT Quốc gia hội đồng thi sẽ đặt camera giám sát tủ đựng đề thi và bài thi 24/24. Cải tiến kỹ thuật này sẽ đảm bảo quy trình thi diễn ra thế nào, thưa ông?

Tôi cho rằng, đây là một tình thế bắt buộc sử dụng các biện pháp kỹ thuật để tránh tình trạng những cá nhân được giao chức trách, nhiệm vụ nhưng trong quá trình thực hiện không nghiêm túc, không tuân thủ.

Việc chúng ta sử dụng các biện pháp kỹ thuật sẽ đảm bảo tính khách quan, tính minh bạch, làm tăng độ tin cậy của kỳ thi THPT Quốc gia. Ngoài ra, trong quy chế có quy định rõ ràng, khu vực đựng bài thi, đựng đề thi phải được niêm phong và cách ly để đảm bảo việc bảo mật tuyệt đối.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện này, con người lại không nghiêm túc. Do vậy, phải dùng đến các biện pháp kỹ thuật cao hơn như đặt camera để giám sát xem những người thực hiện có tuân thủ đúng hay không.

Hơn thế nữa, trong bối cảnh hiện nay khi khoa học kỹ thuật và công nghệ phát triển rất mạnh, việc đặt camera giám sát ở những vị trí như thế có thể không những để ghi hình, mà có thể phục vụ công tác giám sát từ xa của Trung Ương tới các tỉnh thành.

- Những vấn đề gian lận xảy ra trong kỳ thi THPT 2018 để lại bài học thế nào trong công tác tổ chức kỳ thi THPT 2019, thưa ông?

Năm ngoái có xảy ra vi phạm, gian lận ở một số Hội đồng thi địa phương, nhưng không phải toàn bộ. Tuy nhiên, theo tôi không thể để việc này trở thành “một người đau mắt thì cả làng phải tra thuốc” được.

Tôi cho rằng phải tìm ra các biện pháp để ngăn chặn việc này, rút kinh nghiệm cho năm nay.

-  Theo ông, những đổi mới trong giám sát quá trình thi THPT năm 2019 hướng tới mục tiêu gì, thưa ông?

5bfaa0a0aa49ea22432f5db0873ddeed_image001_Copy

5bfaa0a0aa49ea22432f5db0873ddeed_image001_Copy

 
Các biện pháp kỹ thuật này sẽ có tác dụng răn đe cho những người thực thi và nếu ai có ý đồ gian lận, ý định xấu, có những mưu mô muốn can thiệp vào quá trình lưu trữ bài thi thì người này sẽ phải từ bỏ.

Đại biểu Hoàng Văn Cường

Trước hết, giám sát nhằm mục tiêu là để ngăn chặn gian lận thi cử. Khi xảy ra những sai phạm, hình thức này sẽ là bằng chứng, chứng cứ giúp truy cứu xem sự việc xảy ra từ đâu, từ khâu nào.

Đồng thời, các biện pháp kỹ thuật này sẽ có tác dụng răn đe cho những người thực thi. Nếu ai có ý đồ gian lận, ý định xấu, có những mưu mô muốn can thiệp vào quá trình lưu trữ bài thi thì người này sẽ phải từ bỏ.

Có những biện pháp như thế, họ sẽ không thể theo đuổi sự gian dối.

- Khâu chấm thi trắc nghiệm năm 2019 sẽ tập trung ở Bộ thay vì tại các địa phương như năm trước. Liệu cải tiến này có thực sự đem lại sự công bằng cho thí sinh không, thưa ông?

Không giống các bài tự luận, bài chấm trắc nghiệm chủ yếu được thực hiện bằng máy. Nếu chấm tập trung tôi nghĩ cũng có thể thực hiện được.

Hơn thế nữa, việc chấm tập trung tại Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tạo điều kiện cho quá trình giám sát, thực hiện được công khai, minh bạch và nghiêm túc hơn khi phân tán bài thi để từng hội đồng và địa phương tự chấm.

Chấm trắc nghiệm không chỉ phụ thuộc vào con người, vào vấn đề nhân sự, nhân lực mà còn liên quan đến những yếu tố kết hợp như máy móc thiết bị và thậm chí cả những kỹ năng trong quá trình xử lý bài thi.

- Vậy việc sửa bài thi trắc nghiệm như tại Sơn La, Hà Giang hay Hòa Bình năm 2018 có thể được khắc phục trong kỳ thi năm nay không, thưa ông?

Rõ ràng, chúng ta sẽ cố gắng khắc phục chuyện sửa bài thi trắc nghiệm trong quá trình chấm như đã xảy ra trong kỳ thi năm ngoái. Nhưng đây chỉ là một khâu. Có thể có những khâu khác, có những gian lận khác chúng ta không thể nắm hết được.

Yếu tố gian lận phụ thuộc vào con người. Một khi muốn gian lận con người sẽ nghĩ ra đủ thứ, đủ cách để họ có thể tìm ra mánh khỏe, sơ hở để vi phạm.

- Việc nâng cấp kỹ thuật, đặc biệt bài thi sẽ được đánh phách điện tử có hứa hẹn sẽ triệt tiêu hoàn toàn vấn đề gian lận không?

Phần mềm chấm thi trắc nghiệm là một vấn đề không thật sự chặt chẽ. Năm ngoái, những người thực thi trong quá trình sử dụng phần mềm này có thể can thiệp để thay đổi kết quả. Dù những thay đổi kết quả này vẫn còn lưu lại dấu vết, vẫn có thể truy cứu ra được.

Năm nay, đề thi trắc nghiệm sẽ tách riêng phần mã phách, đánh mã phách cho thí sinh. Biện pháp kỹ thuật này sẽ tạo ra cản trở, khó khăn cho những người muốn có hành vi sai trái, muốn gian lận, giúp tránh những nguy cơ, những kẻ lợi dụng những kẽ hở, lỗ hổng để vi phạm trong quá trình xử lý bài thi trắc nghiệm.

- Dự kiến, năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ sử dụng trọng số 70% và 30% để xét tốt nghiệp?

Trọng số giữa điểm được đánh giá trong quá trình học tập và điểm bài thi năm nay thay đổi 70/30. Rõ ràng như vậy chúng ta sẽ thấy rằng phần kết quả của kỳ thi sẽ được đánh giá coi trọng hơn so với kết quả trong quá trình học tập.

Tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay chúng ta chưa có được phương pháp để giám sát quá trình đánh giá kết quả học tập của học sinh thì việc đánh trọng số như thế có thể là phù hợp.

- Hiện nay, nhiều chuyên gia lo lắng mức đánh giá này sẽ dẫn đến cuộc chạy đua ở các địa phương, nhà trường cho học sinh lớp 12 điểm cao lên để bù vào điểm thi tốt nghiệp, thưa ông?

Việc e ngại đấy là hoàn toàn có. Nhưng chúng ta phải mạnh dạn trong việc tăng các biện pháp giám sát quá trình đánh giá của địa phương. Ví dụ điển hình như năm qua, khi kết quả thi ở một số địa phương không chính xác, có sự gian lận thì người phát hiện ra gian lận đầu tiên có sự không công bằng trong đánh giá đấy chính là các em học sinh.

Vậy nên, quá trình này không chỉ dựa vào đánh giá trên sổ sách của giáo viên, mà tôi cho rằng phải tăng cường là tiếng nói của học sinh. Ở đây không phải chỉ đánh giá người học mà phải đánh giá cả người dạy.

Vai trò của người học là khách hàng thì phải có tiếng nói trước việc giáo viên đánh giá quá trình đấy có chính xác hay không, giáo viên có đảm bảo cung cấp cho họ những kiến thức đúng như mong muốn được học hay không.

- Khâu ra đề thi năm nay được triển khai và thực hiện thế nào, thưa ông?

Ra đề thi là khâu khó nhất trong toàn bộ quá trình đánh giá, đòi hỏi có khả năng phân loại. Làm sao để với mặt bằng học sinh như thế, đề thi sẽ chỉ ra được bao nhiêu phần trăm nhóm sẽ đạt được mức thấp, bao nhiêu phần trăm đạt được mức trung bình, và bao nhiêu phần trăm đạt mức cao.

Ví dụ như trong một lớp học thế nào cũng có những em học sinh học được môn này, một số em tương đối yếu và một số em học rất xuất sắc và một số học sinh rất bình thường. Và khi đưa lên đồ thị thì chuẩn ta sẽ có đồ thị hình chuông.

Vừa qua, khi các nhà phân tích thống kê phân tích kết quả thi ở một số địa phương thì thấy không phải hình chuông. Đồ thị lệch họ sẽ biết ngay là có vấn đề. Phân bố bao giờ cũng chuẩn như thế.

Vậy phải làm sao để ra một đề thi mà một số em sẽ thấy nó khó quá, nhưng một số em thấy rất vừa phải, một số em cảm thấy đề cân sức. Có như vậy, đề thi mới đảm bảo được tính phân loại.

- Hiện nay có còn đủ thời gian để kiểm tra độ chuẩn của bộ đề thi THPT năm 2019 không, thưa ông?

Thứ nhất, đề thi năm nay không chỉ ra riêng cho năm học này. Đề thi của năm 2019 phải được lấy trong quá trình của các năm trước đây, dựa trên cơ sở đó để lọc ra ở mức độ như thế nào.

Thứ hai, sau khi hoàn thành đề thi, nhóm giảng viên ra đề sẽ tiến hành thử nghiệm, đánh giá bằng việc cho học sinh thi thử, hoặc thử nghiệm thông qua chính đội ngũ những giảng viên ra đề.

Video: Điểm thi THPT Quốc gia 2018 ở Thái Nguyên bất thường?

- Xin cảm ơn ông!

Phạm Thịnh - Anh Thư
Bình luận
vtcnews.vn