Đạp gãy chân đối thủ: Thủ phạm, nạn nhân đều đáng thương

Thể thaoThứ Ba, 04/03/2014 12:42:00 +07:00

(VTC News) - Cả hai đều là nạn nhân của một giải đấu mà người ta xây dựng nên với chỉ mục đích là mua vui, chứ không đúng nghĩa là làm bóng đá.

Án phạt 20 triệu đồng, cấm thi đấu đến hết năm 2014, đền bù toàn bộ chi phí điều trị, phẫu thuật cho Anh Hùng mà VFF yêu cầu Trần Đình Đồng thực hiện đã gây ra phản ứng trái chiều trong dư luận.
Đa số ủng hộ mức án mang tính răn đe này, hướng tới quyết tâm làm trong sạch V-League, giảm thiểu tới mức tối đa các pha bóng bạo lực trên sân cỏ.
Bên cạnh đó, nhiều độc giả VTC News cho rằng cả thủ phạm Đình Đồng lẫn nạn nhân Anh Hùng đều đáng thương.

Độc giả Vương Hà nhận xét: "Làm bóng đá Việt Nam là đây. 20 năm, vẫn cứ kêu là chuyên nghiệp, trong khi cách làm không giống ai.  Đáng thương cho Nguyễn Hùng và ngay với cả Đình Đồng.
Cả hai đều là nạn nhân của một giải đấu mà người ta xây dựng nên với chỉ mục đích là mua vui, chứ không đúng nghĩa là làm bóng đá. Đứa trẻ đánh nhau, người lớn nhận ra cái lỗi của nhau mới là điều đáng khen hơn là việc xử phạt chúng".
Chung quan điểm với độc giả Vương Hà, độc giả Giang Thắng xâu chuỗi hình ảnh Huy Hoàng, Đình Đồng và hậu vệ Văn Khánh, cầu thủ vừa bị loại khỏi U19 Việt Nam sau tình huống phạm lỗi làm gãy chân cầu thủ Tottenham, để khẳng định Đình Đồng chỉ là sản phẩm của một lò đào tạo cứng rắn và đôi lúc hơi bạo lực.
Một độc giả khác thì khuyên SLNA không nên khiếu nại mà cần có cái nhìn toàn cuộc. Bởi nếu khiếu nại có thay đổi được án phạt thì nhà tài trợ và người hâm mộ vẫn sẽ quay lưng. "Mất Đình Đồng còn hơn mất đi những gói tài trợ và niềm tin của người hâm mộ!"

"Tôi nghĩ lãnh đạo đội bóng phải buồn khi cầu thủ của mình bạo lực như vậy. Thật là buồn cho bóng đá Việt Nam khi lãnh đạo không giải quyết được những bạo lực đó. Tôi nghĩ phải phạt thật nặng những cầu thủ bạo lực đó để răn đe những cầu thủ khác".

"Trước hết HLV Hữu Thắng cần bình tĩnh lại và nhìn nhận sự việc sâu hơn và rộng hơn. Việc bóng đá VN đầy bạo lực là đã quá rõ ràng và cần phải chấm dứt ngay lập tức và án dành cho Đình Đồng là đủ sức răn đe mạnh cho giới cầu thủ có ý định đá xấu và cũng là bài học cho "võ sĩ" Đình Đồng. Tôi hiểu cảm giác của ông Thắng và hoàn cảnh của đội bóng Nghệ An nhưng đây là lúc chúng ta phải xóa bỏ triệt để lối chơi thô bạo".

Là cầu thủ chuyên nghiệp thì Đình Đồng phải biết là không được vào bóng bằng cách phi cả 2 chân vào cầu thủ đội bạn. Đình Đồng biết lỗi là tốt tuy nhiên phải chịu hình phạt cho lỗi mình gây ra chứ. Theo cá nhân tôi hình phạt thế là chuẩn (thời gian phạt tương đương với thời gian cầu thủ bị chấn thương phải nghỉ thi đấu). Trong thời gian nghỉ thi đấu Đình Đồng nên rèn luyện cả về chuyên môn lẫn đạo đức để khi quay lại khẳng định được mình.
Nhiều độc giả thì quy kết sự chẫm trễ trong cách giải quyết vấn đề của VFF. Đây chưa phải là lần đầu công luận gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự bạo lực, ăn thua đến mức mất kiểm soát của sân cỏ Việt.

"Họ chờ một cái gì đó à. Từ trên trời xuống về cách làm à. Chờ một hành xử khuôn mẫu đến từ Nhật sao?"
Có cổ động viên thì trách mắng nặng nề VFF nhưng kèm theo đó là những lời kêu gọi đầy tâm huyết.
"Chúng ta đang dung dưỡng một nền bóng đá tồi tệ. Cả nền bóng đá mà không kiếm được một cầu thủ đàng hoàng. Cầu thủ thế hệ hiện tại vào sân chỉ chăm chăm triệt hạ đối thủ.
Nhìn những bảng quảng cáo trên sân, có thể thấy hiện trạng bóng đá nước nhà, không có bảng quảng cáo của những thương hiệu Quốc tế. Nhìn sang sân của Thái, Singapore thì biết. Có nghĩa là các thương hiệu đó xem thường bóng đá Việt Nam. Cái tôi muốn nói đây là chúng ta quá tầm thường, khiến cho họ không thèm để ý, chứ chúng ta giỏi, chúng ta hay, là họ đến liền".

"Các nhà quản lí bóng đá Việt nam nên khiêm nhường tìm đến U19- Hoàng anh Gia lai để học và xây dựng lại một nền bóng đá đẹp, đạo đức, đừng nên bịt tai nữa, đừng phụ bao hoài bão , mong đợi của những người yêu bóng đá Việt Nam".
"Để dứt điểm được nạn bạo lực, đề nghị VFF triệu tập toàn bộ các trọng tài gấp, quán triệt rõ không dung thứ với bóng đá chặt chém mới mong khán giả không quay lưng. Đồng thời nêu rõ là nếu trọng tài không đủ năng lực cũng bị hạn chế cầm còi".

 

Chốt lại vấn đề, một chuyên gia bóng đá nổi tiếng nêu ý kiến: "Bóng đá phản ánh xã hội. Nếu xã hội vẫn còn những cảnh bạo lực như thầy trò thượng cẳng tay hạ cẳng chân, bảo mẫu tát trẻ thì khó đòi hỏi sân cỏ Việt Nam sạch bóng bạo lực một sớm một chiều. Các CLB phải làm lại từ khâu đào tạo trẻ, giáo dục ý thức cho cầu thủ của đội mình đồng thời có những án phạt nghiêm khắc cho hành vi mang tính triệt hạ trên sân đấu. Không được bao che, dung dưỡng thêm nữa".
Bình luận
vtcnews.vn