Đào nương Nguyễn Thu Thảo: "Ngoảnh mặt lại đã đến kỳ tơ

Tổng hợpThứ Sáu, 04/03/2011 04:22:00 +07:00

Gương mặt bầu bĩnh, lành hiền. Vẻ ngoài xinh xắn, thùy mị. Đào nương Nguyễn Thu Thảo trẻ trung, dễ thương như chính cái tuổi 17 mà em vừa chào đón ít ngày. Trái ngược hẳn với hình dung của tôi, rằng những người trẻ chọn song hành cùng vốn cổ nghệ thuật truyền thống thường "già trước tuổi"…

Nhớ gần một năm trước, đêm biểu diễn nghệ thuật "Ca trù – Cuộc gặp gỡ âm nhạc và thi ca" đã hút một lượng lớn người xem đến với khán phòng khiêm tốn của Trung tâm văn hóa Pháp L’espace. Nhiều người phải chọn cách đứng suốt buổi, hay ngồi bệt ngay chính lối đi để nghe ông tiến sĩ ca trù Nguyễn Xuân Diện dẫn giải, để đắm chìm trong nhịp phách, tiếng đàn cùng giọng ca của Giáo phường ca trù từng nổi danh bậc nhất đất Hà thành. Phân nửa "quan viên" là người ngoại quốc. Nửa khán giả Việt còn lại, người trẻ cũng chỉ chiếm phần nhỏ rất khiêm tốn. Không lạ, bởi người có thể cảm trọn vẹn cái tinh túy, lấp lánh của bộ môn nghệ thuật dân tộc hàn lâm, bác học này luôn thuộc về số ít. Bởi sau sáu bảy thập kỷ "tiếng họa mi trên cánh đồng cổ nhạc" bặt ngưng tiếng hót, niềm tự hào khi ca trù được vinh danh như một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cũng mới chỉ giúp số khán giả ít ỏi có cơ hội tiếp cận và thưởng thức ca trù.

 

Không giấu nổi nỗi xúc động khi buổi diễn kết thúc, Benoir Bordeaux - một sinh viên Pháp chia sẻ, "Tôi bắt đầu thấy mê ca trù. Chưa bao giờ tôi được nghe một thể loại nghệ thuật đặc sắc đến vậy. Tiếc là hình như giới trẻ Việt chẳng mấy mặn mà với vốn quý mà chính mình đang sở hữu".

Còn TS. Xuân Diện bày tỏ niềm mong mỏi, rằng "các bạn trẻ hãy tìm đến ca trù, tìm hiểu để rồi yêu, yêu để rồi diễn và diễn để bảo tồn, gìn giữ lấy ca trù".

Mới bước qua tuổi trăng rằm nhưng đã kịp có thâm niên… hơn chục năm gắn bó với ca trù, Thu Thảo - đào nương thuộc thế hệ thứ bảy của Giáo phường đã hút hồn khán giả bằng Bắc phản và Đào Hồng đào Tuyết. Với tôi, em là minh chứng giúp phản bác hữu hiệu nhất lời nhận xét của chàng thanh niên Pháp và cũng là một trong số ít ca nương trẻ làm đẹp niềm trông đợi của nhà "ca trù học" Nguyễn Xuân Diện nói trên.

"Mới ngày nào còn chửa biết cái chi chi"

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống bảy đời truyền nghề và giữ nghề liên tục trong một dòng tộc, tuổi ấu thơ của Thảo ngập tràn giọng hát của cô Thúy Hòa, những thang âm đàn đáy đầy mê hoặc của bố hay tiếng trống chầu của ông nội. Tò mò nghe thử, rồi thấy hay hay, rồi cái nghề gia truyền dần ngấm vào người lúc nào không biết. Mới ba bốn tuổi, cô bé đã khiến bố ngạc nhiên, khi có thể đọc chính xác từng nốt đàn đáy và nắm bắt rất nhanh các giai điệu, thậm chí có thể lẩm nhẩm hát theo người cô ruột trong không ít lần tựa cửa say sưa theo dõi những người thân trong gia đình luyện tập.

 

"Tôi mừng, khi phát hiện con gái có thiên hướng âm nhạc. Chính nhờ được sinh ra, hít thở bầu không khí nghệ thuật từ khi còn nhỏ xíu nên khả năng cảm thụ của cháu rất tốt. Dần dà từng bước, tôi gieo vào lòng con những hạt mầm yêu thích cùng niềm ham mê khám phá. Và tôi trở thành người thầy gần gũi, song hành cùng cô học trò nhỏ từ những khổ phách, khổ đàn nhập môn ngày đầu" – kép đàn Nguyễn Văn Khuê, bố của đào nương Thu Thảo bồi hồi nhớ lại.

Nhưng cũng phải vài năm sau, khi đã tròn 6 tuổi, Thảo mới chính thức bước vào con đường lao tâm khổ tứ để trở thành một đào nương đúng nghĩa. Bởi theo lệ của dòng tộc, con trai 13 tuổi mới bắt đầu học đàn, con gái chỉ có thể học hát khi đã ở tuổi lên 6. Cũng theo ông Nguyễn Văn Khuê, quá trình truyền nghề ấy phải trải qua rất nhiều công đoạn. "Một trong những đào hát giỏi nhất dòng tộc sẽ ngồi trong đình, sau tấm mành tre, bắt từng câu cho các cháu con học theo. Cả buổi tối có khi chỉ luyện được một câu hát nên để truyền dạy cả một bài hát phải tốn rất nhiều thời gian. Sau khi đã nhuần nhuyễn lời hát thì dạy cách vào phách. Và khi lời ca, tay phách đã thuần thì chuyển sang cách ém hơi, nhả chữ, nảy hạt, đổ con kiến, tròn vành rõ chữ tạo độ vang, rền, nền, nảy… Ngoài học hát, trau dồi khả năng cảm thụ văn chương tinh tế cũng là quá trình đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Thơ trong ca trù rất nhiều, đủ cả lục bát, song thất lục bát, thất ngôn bát cú, thơ Đường đến thể loại thơ mới (4-6-8-12 chữ mỗi câu). Thời gian học không có mốc cố định, khi đã được làm lễ mở xiêm áo, đào nương mới được đi hát cùng các bà các cô".

Ông cũng cho biết, "con cháu trong dòng tộc đặc biệt được truyền dạy lối phát âm sao cho đài các, sang trọng, sắc nét theo đúng phong cách ca quán cung đình Thăng Long, với những tiếng vê, tiếng vẩy đặc trưng của Giáo phường Thái Hà. Rất nhiều làn điệu (Non Mai Hồng Hạnh, Hát truyện, Múa hát Bài Bông, Bỏ Bộ…) và bí quyết sử dụng phách khuôn trong khi hát… là những vật báu bí truyền chỉ được lưu giữ qua nhiều thế hệ của giáo phường, tuyệt đối không để lọt ra ngoài".

Với Thu Thảo, cô bé không thể nào quên những giờ tập ngồi đầu tiên. Nghe tưởng giản đơn nhưng để có thể xếp bằng nhiều giờ theo kiểu Phật ngồi thiền, lưng thẳng, hơi phải nén trong bụng như một quả bóng để tiếng hát như một cây kim châm vào khiến quả bóng ấy xì hơi ra từ từ, Thảo cũng phải "khóc dở mếu dở" mất nửa tháng. Để chân không còn cảm giác tê cứng khi ngồi lâu một tư thế, để cho dù khẩu hình miệng luôn mím lại nhưng luồng hơi phát ra "như cho một quả trứng vào trong miệng". Rồi các bài thơ có nhiều câu rất dài, để chuyển tải được trọn vẹn, người hát phải tiết kiệm và phân bổ làn hơi hợp lý ra sao. Nghe em miêu tả thật khó mường tượng, nhất là với một kẻ ngoại đạo như tôi. Nhưng đường tới thành công có bao giờ chỉ trải hoa hồng, trở thành một đào nương ca trù đã bao giờ dễ dàng!

 

"Lúc mới bắt đầu, cái gì cũng lạ, cái gì cũng hay, em say sưa lắm. Cứ rảnh được lúc nào là nhì nhèo xin bố cho tập. Rồi những bài học ngày càng nâng cao, độ khó cũng tăng dần. Rồi quỹ thời gian học tập ở trường ngày một phình ra, giờ mỗi ngày em chỉ có thể dành cho niềm đam mê ca trù khoảng hơn nửa tiếng đồng hồ buổi tối" – Thảo kể.

Lời thơ ca trù mang âm hưởng chủ đạo buồn mênh mang, là tiếng lòng tha thiết cất lên từ nỗi đau nhân tình thế thái của thi nhân. Lời thơ thường sử dụng chữ Hán, chữ Nôm, để hiểu đến tận cùng vốn cổ cha ông, những đào nương tuổi 9X chắc chắn sẽ vất vả hơn những thế hệ đi trước. Nhưng cũng nhờ cảm thụ được ánh lấp lánh, tinh tế trong từng ca từ, khổ thơ, năm mới học lớp 3, nhờ biết vận dụng thi phẩm Chơi hồ Tây của Nguyễn Khuyến để liên hệ tả phong cảnh Tây Hồ, bài văn của Thảo đã được cô giáo đọc và tuyên dương trước lớp.

"Ngoảnh mặt lại đã đến kỳ tơ liễu"

Bảy tuổi, Thảo đã kịp đứng giữa thánh đường Nhà hát Lớn HN, trong một buổi biểu diễn của học sinh-sinh viên từng đoạt giải quốc gia và quốc tế trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Bốn năm sau, cùng với cô em họ Kiều Anh, hai đào nương thế hệ thứ bảy của Giáo phường đã cùng giành hai tấm huy chương Vàng tại Liên hoan ca trù toàn quốc năm 2005. Một Thu Thảo dịu dàng, bẽn lẽn với chất giọng mượt mà, sâu lắng. Một Kiều Anh nhí nhảnh, sắc sẳo với âm sắc trong, vang rất đỗi tinh tế. Người ta hay gọi cặp đôi này là Thúy Kiều-Thúy Vân, nhưng tôi nghĩ hai cô gái trẻ này rất hợp với cặp đào Hồng-đào Tuyết mà thi sĩ Dương Khuê từng khắc họa ngày xa xưa.

Nhớ không quên thời khắc chuyển giao năm mới 2009, giữa Bắc Kinh buốt lạnh, nền nã trong trang phục áo the, khăn xếp, Người đẹp chỉ gặp một lần của Thảo – được chắp cánh bởi ngón đàn diệu nghệ của bố và phần múa phụ họa của hai nghệ sĩ Trung Hoa, đã khiến khán phòng nước bạn như nổ tung, với năm sáu tràng vỗ tay vang rền. Buổi biểu diễn được truyền hình trực tiếp trên hai kênh CCTV4 và CCTV9 hôm đó đã mang lại cho phía bạn cái nhìn mới về nét đẹp văn hóa Việt, với nét độc đáo của cây đàn đáy cùng cỗ phách tre.

 

Rồi buổi biểu diễn thành công ngoài dự kiến tại Trung tâm văn hóa Pháp nói trên. Những gương mặt người xem không giấu nổi nỗi xúc động, những tiếng vỗ tay không dứt. "Chỉ có điều, đối tượng thưởng thức đa phần có tuổi, người trẻ rất ít – chủ yếu thuộc hai đối tượng: sinh viên học sinh các trường nghệ thuật và bộ phận nhỏ hiếu kỳ với những gì lạ lẫm" - Thảo tâm sự. "Ở lớp, thỉnh thoảng em cũng hát cho các bạn nghe, bạn khen cũng hay nhưng hỏi có thích ca trù không thì đa phần … đều lắc đầu".

Cuối 2009, ca trù chính thức được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp. Là dấu gạch nối giúp mạch nguồn nghệ thuật gia truyền tuôn chảy mãi không ngừng, Thu Thảo chỉ mong ước sao sẽ có một ngày người trẻ đến với bộ môn nghệ thuật bác học này đông hơn, nội dung giảng dạy tinh hoa của ca trù sẽ được đưa vào trường học. Và số thế hệ được truyền nghề liên tục của Giáo phường Thái Hà không dừng lại ở 7 mà sẽ còn kéo dài, mãi mãi. Khó nhưng không đến nỗi "bất khả thi". Tuổi 17 đẹp nhất cuộc đời, có ai đánh thuế những giấc mơ đâu nhỉ?

Hồ Cúc Phương

Bình luận
vtcnews.vn