Đạo diễn Trần Vi Mỹ: ‘Tôi thích làm việc với nghệ sĩ có nghề - tôn trọng nghề, vị trí của họ không quan trọng’

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 18/10/2019 14:24:00 +07:00

“Tôi không muốn sự cộng tác của mình làn xấu đi cái nghề làm đẹp cho đời sống tinh thần của khán giả được” – anh nói.

Tiếp theo phần một về đạo diễn Trần Vi Mỹ - Người làm sống lại những giấc mơ của Đàm Vĩnh Hưng, VTC News có dịp được nam đạo diễn chia sẻ những điều thú vị khi áp dụng công nghệ vào những liveshow, show diễn của các nghệ sĩ anh từng thực hiện qua.

- Được xem là một trong những đạo diễn hàng đầu Việt Nam, có sự ứng dụng công nghệ trong dàn dựng sân khấu, đạo diễn Trần Vi Mỹ có thể chia sẻ anh đã trau dồi những điều liên quan đến thẩm mỹ ra sao?

Việc trau dồi này xoay quanh câu chuyện cái trứng và con gà. Chúng ta bị ảnh hưởng bởi văn hóa cũng như công nghệ từ thế giới. Thich thú nhất khi thế giới có công nghệ hay – lạ, chúng ta lấy về làm sao để sử dụng và kết hợp đưa vào chương trình của mình mà vẫn mang tính chất mình muốn.

Ví dụ, mình không thể lấy nguyên tiết mục Hologram từ sân khấu Las Vegas để mang vào tiết mục trinh diễn hay liveshow của ca sĩ được. Chúng ta cần phải hiểu công nghệ ấy vận hành thế nào, rồi sáng tạo đưa hiệu ứng đó vào câu chuyện hay nội dung mình cần chuyển tải để tăng tính hiệu quả cho tiết mục.

Đó là một trong những cách mà đạo diễn có tư duy đưa công nghệ vào chương trình nghệ thuật mang tính giải trí.

May mắn là tôi làm việc ở công ty sự kiện nhiều năm, lĩnh vực này khá áp lực vì khách hàng thường xuyên đòi hỏi cái mới lạ, công nghệ. Vì vậy, Việt Nam áp dụng khá nhanh những công nghệ cao được sử dụng trong các sự kiện trên thế giới.

Nước ta có tốc độ phát triển khá nhanh nên việc tiếp cận công nghệ là điều tất yếu, và công nghệ trong sự kiện cũng thế - nếu không cập nhật kịp xem như đi lùi.

Vì vậy, khi mang công nghệ hay ho để sử dụng cho sự kiện hoặc chương trình nghệ thuật phục vụ khán giả luôn được đón nhận và gây ngạc nhiên cho người xem như các chiêu thức Mapping, Hologram, màn nước trình chiếu, laser…

daodientranvimy (1)

Đạo diễn Trần Vi Mỹ.

- Với một đêm diễn có Hologram, anh mất bao lâu để thực hiện công nghệ trình chiếu thật chính xác?

Hologram có nhiều vấn đề khó khăn. Bạn có thể xem lại tiết mục của Sơn Tùng M-TP trong đêm bán kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, bạn ấy xuất hiện trong một chiếc điện thoại. Cái khó của tôi là làm thế nào để bạn ấy vẫn hoàn thành tiết mục đó với vai trò đại sứ của hãng điện thoại nhưng cuộc thi Hoa hậu vẫn không bị ảnh hưởng bởi tính thương mại hóa.

Khi chương trình xong, mọi người còn không hiểu vì sao tôi làm được. Ê kíp nghĩ ra ý tưởng từ một tháng rưỡi trước đó, vẽ và làm mất 3 tuần, Sơn Tùng M-TP phải chấp nhận ra Nha Trang (địa điểm tổ chức cuộc thi - PV) trước một ngày rưỡi để tập diễn cho chính xác vì chỉ cần lệch đi một chút là hỏng ngay tiết mục.

Video: Tiết mục của Sơn Tùng M-TP trong đêm bán kết “Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017”

Trong tiết mục này có 3 Sơn Tùng M-TP và bạn không thể phân biệt thật giả, lúc muốn cho người thật xuất hiện, khán giả vẫn không tin và đến khi Sơn Tùng M-TP di chuyển họ mới vỡ òa!

Quay lại câu chuyện, mình làm tiết mục gì cũng phải có concept cho tiết mục, điểm nhấn và thông điệp bạn muốn truyền tải là gì, công nghệ hỗ trợ cho bạn được hay không? Đó là cách để bạn thực hiện những chiêu trò công nghệ.

Ví dụ ngày xưa, chỉ có một đơn vị cung cấp âm thanh ánh sáng là Ngọc Vũ, họ có một hệ thống phun nước nhập từ Đức về. Hệ thống này tạo thành một màn nước cho phép trình chiếu video hoặc vẽ laser.

Công nghệ đó tôi đã dùng trong liveshow Số phận của Đàm Vĩnh Hưng năm 2012 nhưng tôi không làm video mà diễn tả những cơn giông bão trên sân khấu Lan Anh, tạo hiệu ứng rất tốt cho chương trình.

Trong một thị trường âm nhạc, nếu chúng ta chỉ biết chạy theo công nghệ mà không biết vận dụng cảm xúc hay nội dung cho đúng sẽ khiến mọi thứ khô khan. Tôi từng có một cú hích lội ngược dòng cho việc bài trừ công nghệ. Và tôi đã thành công vang dội trong show Sài Gòn, Bolero và Hưng.

Chương trình đó tôi không dùng bất cứ thứ gì thuộc về kỹ thuật số, chỉ dùng những thứ trước năm 1975 mình có để đưa về cảnh trí thực hoàn toàn. Tôi dựng một dãy nhà trên sân khấu, dựng nên câu chuyện và khán giả cực kì bất ngờ.

Tôi và ê kíp đã chiếm trọn trái tim của khán giả qua tiết mục đình đám như tái dựng thương xá Tax, sân ga Đà Lạt, những ca cảnh mưa rừng, tái dựng hình ảnh thần tượng của tôi là nghệ sĩ Thanh Nga hay khán giả bất ngờ khi thấy chính mình đi chia buồn với tang sự của ai đó, mà cái này chỉ có ở Sài Gòn mà thôi.

 
Tôi thích làm việc với một nghề sĩ có nghề và tôn trọng nghề, vị trí của họ trong showbiz như thế nào không là mối quan tâm của tôi.

Trần Vi Mỹ

Để làm được việc này mà không dùng đến công nghệ, chúng tôi phải vận dụng những chiêu trò về đạo cụ, tâm lý và dòng nhạc để lấy chinh phuc khán giả.

Quay trở lại chuyện làm đạo diễn sân khấu hay đạo diễn ca nhạc, đến bây giờ kinh nghiệm lớn nhất của tôi là chỉ sợ bản thân không có cảm xúc, vi nếu không có cảm xúc thì sẽ không bao giờ nghĩ ra được cái gì khác với người ta từng làm. Đó là với những ca khúc cũ, còn với những ca khúc mới sẽ không thể nào thẩm thấu được.

Nên nhớ rằng đạo diễn nghe nhạc cũng nhiều tương đương ca sĩ, nếu bạn nghe không kỹ bạn sẽ không thể đồng điệu với tác phẩm và người thể hiện được.

Làm một đạo diễn ca nhạc, tôi thành thật khuyên những đàn em đi sau rằng phải chân thành và tôn trọng cộng sự của mình, từ họa sĩ thiết kế, ban nhạc cho đến người hòa âm và các diễn viên trợ diễn như nghệ sĩ kịch, nghệ sĩ múa, các anh chạy hậu đài... Họ là nhũng người hùng góp phần nên thành công của bạn.

- Anh có phải là một người kén nghệ sĩ không?

Có, tôi từng chia sẻ với đồng nghiệp rằng bản thân không phải kiểu người quá tự cao nhưng có nguyên tắc của mình. Tôi không bao giờ xem thường ai, luôn hòa đồng nhưng nếu ca sĩ nào đó mời tôi làm liveshow, việc đầu tiên tôi bàn không phải là tiền mà là họ có hợp với cảm xúc của mình hay không, mình có thể làm việc với họ để cả hai thành công không?

Nói thẳng ra, tôi thích làm việc với một nghề sĩ có nghề và tôn trọng nghề, vị trí của họ trong showbiz như thế nào không là mối quan tâm của tôi.

Ví dụ, ca sĩ hot cỡ nào mà liveshow không hát live hay không thể hát với ban nhạc thì quả tình không thể thuyết phục được rồi. Tôi không muốn sự cộng tác của mình làm xấu đi cái nghề làm đẹp cho đời sống tinh thần của khán giả được.

- Trong năm nay và cả năm sau, nhiều nghệ sĩ đang dần chuyển sang hướng làm show bán vé. Bản thân anh có thấy đây là tín hiệu đáng mừng cho âm nhạc Việt?

Tôi thấy quá mừng. Chúng ta đã xài miễn phí nhiều rồi và có thời điểm, tôi cảm giác như đaị đa số khán giả Việt Nam không còn thói quen mua vé vào nhà hát nghe live, bởi họ được tặng miễn phí vé các chương trình gameshow, các sự kiện âm nhạc của nhãn hàng.

Việc nghệ sĩ làm show là tín hiệu đáng mừng. Nhìn nghệ sĩ thế giới diễn liveshow ròng rã 5-6 tháng mà vẫn lấp đầy chỗ mỗi đêm mà tôi khát khao như vậy cho thị trường âm nhạc của nước mình.

Cách đây không lâu, tôi sang Mỹ làm show Trường Giang. Tôi lặn lội đến New York xem nhạc kịch Frozen. Hôm đó là thứ 2 đầu tuần nhưng nhà hát 2.000 ghế vẫn full chỗ, vở diễn đó cũng 10 năm rồi. Bây giờ đang hot nhất là AladinFrozen tại Broadway New York, còn đối diện nhà hát diễn vở Frozen là nhà hát diễn vở kinh diển Phantom. Vở này chưa bao giờ ngưng hot, luôn cháy vé!

Tôi mong muốn các bạn trẻ đến các buổi trình diễn để xem live hơn là xem livestream, nếu người ta diễn không đạt bạn không xem nữa nhưng đừng bỏ đi thói quen đó vì sẽ rất uổng phí cho bản thân, và giết đi cả ngành biểu diễn vốn dĩ đầy mê hoặc cũng như làm thăng hoa biết bao cảm xúc.

daodientranvimy (2)

 

- Anh từng chia sẻ bản thân sợ nhất là không vượt qua được chính bản thân mình nhưng thể loại nào anh cũng đều đã làm qua, vậy mục đích sắp tới của anh là gì?

Câu hỏi này rất hay. Về lĩnh vực âm nhạc và sân khấu tạp kỹ, tôi đều đã dựng qua gần như toàn bộ thể loại từ nhạc trẻ, nhạc rock... cho đến bán cổ điển. Thật sự, tôi vẫn ấp ủ một đề tài nhạc kịch theo kiểu Sài Gòn đúng nghĩa. Nó đòi hỏi diễn viên không chạy show, nhạc sĩ cực kì giỏi và mang tính chất định kỳ, giống như anh Thành Lộc có Tiên Nga vậy.

Tôi không dám nói đó là Broadway bởi đó là loại hình đặc sệt chất của người ta. Trong khi đó, cải lương lại quá cổ truyền, tôi muốn đưa tân nhạc của mình thành một vở hát từ đầu đến cuối, nối với nhau để kể một câu chuyện. Tôi muốn làm một show mà không cần quá nhiều ngôi sao, tôi chỉ cần ca sĩ giỏi để cùng nhau thực hiện.

Tôi muốn làm một sân khấu có chủ đề theo dòng chảy lịch sử âm nhạc, các câu chuyện xung quanh những người đã góp nên sự tự hào âm nhạc Việt Nam và có một đơn vị nào đó đầu tư nghiêm túc bởi tôi thấy việc dàn dựng và làm show bán vé đã bắt đầu quay trở lại.

Tôi rất hạnh phúc vì mình đã chạm được những ngóc ngách trong nghề, từ show nhỏ đến show lớn, vinh quang hay khổ cực với nghề đêu có đủ, sau nay ve huu vân mong muốn làm đuọc việc gi nhỏ nhặt cho nghề cũng được cho đỡ nhớ sân khấu.

Còn bây giờ, có năng lượng dồi dào, tôi vẫn muốn cháy hết với nghề, thích thử thách lẫn khám phá học hỏi để làm sao những sản phẩm của mình được mọi người ghi nhận.

Tôi thường nói với các cộng sự của mình, “đừng bao giờ để khán giả xem những thứ mà mình xem thấy còn không được”. Đó là thái độ làm việc của tôi!

- Cảm ơn anh về những chia sẻ!

Chu Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn