Đạo diễn Tất Bình: Tôi không hề bưng bít thông tin

Văn hóa - Giải tríChủ Nhật, 20/06/2010 11:22:00 +07:00

(VTC News) - “Ai đưa được cho tôi mẫu trang phục nhà Trần năm 1226, chỉ cho tôi người quay được cảnh vũ thuật ở VN..., tôi sẽ sẵn sàng làm phim ở trong nước".

(VTC News)- “Ai đưa cho tôi mẫu trang phục nhà Trần năm 1226, chỉ cho tôi người quay được cảnh vũ thuật ở VN tôi sẽ làm phim ở trong nước. Còn tôi chưa bao giờ bưng bít thông tin với báo chí”, đạo diễn Tất Bình nói.

 

 Đạo diễn Tất Bình.
Từ khi nhận bạc tỷ cho dự án phim “Trần Thủ Độ” nhằm hướng tới kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long, đặc biệt sau chuyện lùm xùm về việc ký hợp đồng với Á hậu Thiên Lý, đạo diễn Tất Bình “mang tiếng” là kiệm lời với báo chí. VTC News đã có cuộc trò chuyện với ông ngay sau khi khép lại cuộc ra mắt phim “Huyền sử Thiên đô” được tổ chức “hoành tráng” tại Hà Nội vừa qua.

 

- Thưa ông, dường như phim Trần Thủ Độ càng được giữ kín thông tin với báo chí bao nhiêu thì “Huyền sử Thiên đô” càng “mở” với báo chí bấy nhiêu?

 

- Tôi chưa bao giờ bưng bít thông tin với báo chí. Có điều, với phim Trần Thủ Độ, dưới sự đầu tư lớn của Nhà nước thì dự án phim đó có hẳn một Ban thông tin và chúng tôi chỉ được phép làm những việc mình được phân công thôi. Các bạn không tới đó phỏng vấn, cứ nhằm vào tôi rồi nói tôi thiếu thiện chí với báo giới, trong khi đó, tôi là bạn thân của biết bao nhiêu tổng biên tập, thân từ khi các bạn còn bé tèo tẹo.

 

- Những người "ở Ban Thông tin" mà ông nói đến thì không phải vấn đề gì thuộc chuyên môn mà báo chí quan tâm tới bộ phim cũng có thể cung cấp được?

 

- Mọi vấn đề đều được chúng tôi báo cáo về Ban Thông tin đó nhưng có những vấn đề mà chúng tôi chưa ngã ngũ đã thấy báo chí đưa tin rầm rầm như thể nó được giải quyết rồi. Ví như chuyện với Dương Trương Thiên Lý, khi chúng tôi vẫn còn đang nói chuyện với cô ấy thì trên hầu hết các mặt báo đã thấy nói tới chuyện thay vai như thể các bạn biết trước kết cục là thế và quyết định thay chúng tôi vậy!

 

- Nếu như với dự án phim “Trần Thủ Độ”, ông sử dụng nhiều “nguyên liệu” ngoại nhập, ví như quay ở Trung Quốc, trang phục cũng ở Trung Quốc… thì với “Huyền sử Thiên đô”, một bộ phim mà như ông nói là “chưa từng nhận được khoản đầu tư nào nhiều hơn thế, trừ với Trần Thủ Độ là của Nhà nước” thì ông lại tận dụng triệt để “nguồn lực” trong nước?

 

- Các bạn phải biết rằng, ngay khi nhận dự án phim “Huyền sử Thiên đô”, tôi đã nghĩ ngay tới việc tận dụng hết những gì đã gây dựng ở phim Trần Thủ Độ: ví như trường quay, bối cảnh đã dựng nhưng tiếc là thời điểm lịch sử VN thời Lý Công Uẩn còn rất thô sơ, không phù hợp, rất là phí và chúng tôi đã phải dựng một trường quay với diện tích 200m2, chiều cao 6 thước bằng mái tôn tại VN để làm khu nhà ở cho các thân vương.


Dàn diễn viên chính trong phim "Huyền sử Thiên đô"

- Qua hai dự án phim lớn nhằm hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, ông có thể ước lượng bằng một con số cho việc so sánh sự tốn kém khi thực hiện dự án phim ở nước ngoài và ở trong nước không, thưa ông?

 

- Làm phim trong nước rõ ràng đỡ tốn kém hơn gấp ngàn lần khi phải làm ở nước ngoài. Nhưng các bạn có biết rằng, chúng ta không có nhà quay phim vũ đạo, không có ai biết thiết kế trang phục thời Trần những năm 1226, không biết vấn một mái tóc của các bà hoàng trong vòng 2 tiếng rưỡi bằng chính tóc sống, tóc thật chứ không phải bằng một cái đầu bằng tóc giả chụp lên.

 

Nếu ai chỉ cho tôi mẫu một bộ trang phục thời xưa của chúng ta, hay cho tôi biết một nhà quay phim võ thuật giỏi, tôi sẽ làm phim ở trong nước ngay lập tức. Chúng tôi không muốn phải vất vả khổ sở làm gì nhưng tại sao lại phải rước vất vả, bí bách vào người, chối bỏ những yếu tố nước ngoài trong khi thực lực chúng ta chưa có?!

 

- Tiền đầu tư vốn là vấn đề luôn khiến các nhà làm phim Việt Nam đau đầu, vậy với một khoản đầu tư lớn cho “Huyền thoại Thiên đô” như hiện nay, có lẽ ông không phải “căn ke” quá mức?

 

- Đây là kinh doanh và tôi hiểu sức ép khi làm việc với tư nhân. Còn việc làm phim thì không biết thế nào cho đủ, một cái đinh, một cái vít cũng là tiền. Nếu có nhiều ta làm nhiều, ít thì buộc phải thắt lưng buộc bụng. Bởi vậy chúng tôi phải trao đổi để sản xuất một bộ phim cho hợp lý. Ví dụ như với bộ phim này, chúng tôi phải làm kỹ xảo. Nhưng khi cân đối khoản tiền thì chỉ được phép làm bình quân mỗi tập 5 phút kỹ xảo thôi.

 

- Ông có thể nói đôi chút về những màn kỹ xảo trong “Huyền sử Thiên đô”?

 

- Ví dụ những màn quay dưới nước hay những màn nhân hình. Khi xem phim, chắc chắn các bạn thích những cảnh hàng ngàn chiến thuyền rầm rầm tiến vào màn hình hơn là chỉ có lèo tèo vài cái, vậy để có những cảnh hoành tráng mà chỉ với 20 cái thuyền thôi chẳng hạn thì chúng tôi phải làm kiểu nhân hình.

 

- Ông nói nhiều tới việc tiết kiệm khi làm phim, chắc hẳn trong bộ phim này, với hàng trăm diễn viên chính phụ và vô vàn cảnh quay, ông sẽ sử dụng các chất liệu lụa là, tơ tằm… ở trong nước để thiết kế trang phục thay cho việc lại dùng trang phục và phụ trang của Trung Quốc?

 

- Cách đây ba năm, tôi đi khắp VN nhưng không ai làm được trang phục của vua chúa thời xưa, người ta trả lời thẳng là không làm được nên chúng tôi phải sang Trung Quốc. Dĩ nhiên bây giờ thì khác rồi.

 

- Cuối cùng, điều ông ái ngại và lo lắng nhất khi thực hiện bộ phim này là gì?

 

- Đó chính là sức khỏe của anh chị em trong đoàn phim! Tôi rất thích các bạn đóng góp cho chúng tôi và “nhặt sạn” khi phim phát sóng. Nhưng các bạn hãy hình dung ra sự vất vả của chúng tôi để hiểu được, có một cảnh quay đẹp trên màn hình chúng tôi vất vả thế nào.

 

Hiện tại, chúng tôi đang phải làm việc trong cái nắng nóng kinh người của mùa hè miền Bắc và với nhịp độ cao. Cả đoàn phải xuất phát từ Hà Nội lúc 6h30 và trở về lúc 2h sáng. Diễn viên thì trang điểm mất 4h đồng hồ, trong khi đó thì đạo diễn, quay phim… trao đổi, sắp xếp trường quay. Cả ngày chúng tôi phải làm việc trong nhiệt độ có lúc lên tới trên 50 độ C ở căn nhà hầm hập nóng. Trưa thì kéo nhau đi ăn cơm bình dân…

 

- Vâng! Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện và chúc cho “Huyền sử Thiên đô” thành công như mong đợi!

 

Thục Nhi (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn