Đạo diễn Long Vân: Nổ sập nhà, lỗi ở Phương 'khói lửa'

Văn hóa - Giải tríThứ Hai, 25/02/2013 09:50:00 +07:00

(VTC News) – Theo đạo diễn Biệt động Sài Gòn, ông Phương đã bỏ qua nguyên tắc an toàn khi sử dụng chất cháy nổ dù bản thân ông là người rất kinh nghiệm.

(VTC News) – Theo đạo diễn Biệt động Sài Gòn, ông Lê Minh Phương đã bỏ qua nguyên tắc an toàn khi sử dụng chất cháy nổ dù bản thân ông là người rất kinh nghiệm.

Hai ngày nay, vụ nổ sập nhà thương tâm ngày 24/2 khiến 10 người mất mạng tại TP.HCM đã làm dấy lên nhiều nghi ngại về nghề làm khói lửa cho phim Việt và những chuyện không hay trong cái nghề được coi là nguy hiểm này.

Đã có nhiều phát biểu, nhiều ý kiến xung quanh sự việc. Những phát biểu được quan tâm đặc biệt là của những người làm trong nghề, những đạo diễn đã từng có nhiều bộ phim liên quan đến sử dụng khói lửa.

Theo đạo diễn Long Vân, ông Lê Minh Phương là người theo học công binh và có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực khói lửa trong các phim chiến tranh. Vì thế, ông là người hiểu rất rõ những nguyên tắc về sử dụng và bảo quản chất cháy nổ.

Điện ảnh Việt có nhiều phim chiến tranh nhưng chưa từng xảy ra tai nạn thương tâm do chất cháy nổ. 
Tai nạn tang thương xảy ra vào ngày 24/2 là do những sơ suất không đáng có do không tuân thủ nguyên tắc nghề nghiệp. Theo đó, người làm cháy nổ không được phép mang chất cháy nổ về nhà. Tuy nhiên, Lê Minh Phương đã bỏ qua nguyên tắc này.

Đạo diễn Long Vân cho hay, ông vừa nói chuyện với Lê Minh Phương chiều hôm trước khi xảy ra tai nạn và được biết, ông “Phương khói lửa” đang làm phim mới tại Vũng Tàu. Buổi tối hôm ấy, ông cùng nhân viên về nhà chuẩn bị để ra Vũng Tàu làm phim thì xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Theo đạo diễn Long Vân, ông Phương khói lửa là người không thận trọng. Trước đó, khi làm phim Huyền thoại con đường C1 cũng đã từng xảy ra tai nạn.

Chia sẻ kinh nghiệm của bản thân trong quãng đời làm đạo diễn, ông Long Vân kể: "Hồi chúng tôi làm phim Giải phóng Sài Gòn, là phim lớn, sử dụng đến 5 tấn thuốc nổ. Thuốc nổ sử dụng cho phim này di chuyển từ Tuyên Quang vào TP.HCM.

Đoàn chở thuốc nổ phải di chuyển theo đường biên, tránh xa thành phố và khu dân cư để tránh tai nạn đáng tiếc. Khi làm phim, hiện trường sản xuất phim cũng phải được bộ đội công binh dò tìm chất nổ. Nhận được trả lời an toàn thì đoàn mới thực hiện việc làm phim".

Trong cuộc đời làm phim của mình, đạo diễn Long Vân cũng đã một lần bị tai nạn do chất cháy nổ ở phim Người chiến sỹ trẻ về anh hùng Cù Chính Lan. Ông cho hay, vết sẹo trên môi hiện tại do lần bị văng mảnh đạn hồi làm phim ấy.

Đạo diễn cũng tiết lộ, hiện hãng phim truyện VN sản xuất rất ít phim chiến tranh nhưng vẫn có một kho vật liệu cháy nổ được cất giữ ở Cổ Loa, Đông Anh (Hà Nội). Đối với hãng phim tư nhân, việc quản lý sử dụng các phương tiện tạo hiệu ứng cháy nổ càng gặp khó khăn. Việc quản lý lỏng lẻo này đã gây nên tai nạn thương tâm tại TP.HCM như chúng ta thấy.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng có những chia sẻ xung quanh vụ nổ sập nhà tang thương đang được dư luận quan tâm này.

Ông nói: "Sự cố này bi thương ngoài sức tưởng tưởng. Tôi chưa được quen biết và có dịp cộng tác với ông Phương nhưng khi đọc cái tin đau đớn này tôi thấy rụng rời như nó xẩy ra với người đồng nghiệp quen biết đã lâu của mình vậy".

Thực hiện nhiều phim điện ảnh liên quan đến đề tài chiến tranh, đạo diễn Đặng Nhật Minh kể: "Trước mỗi cảnh quay như vậy tôi rất lo lắng hồi hộp và luôn yêu cầu đảm bảo tối đa sự an toàn. May thay tôi chưa gặp sự cố nào đáng tiếc.

Trước đây, những chuyên viên khói lửa ở các xưởng phim của nhà nước đều được đào tạo riêng, có người được đào tạo bài bản ở nước ngoài như ở Liên Xô cũ. Họ có chuyên môn và biết cách thực hiện công việc này một cách có hiệu quả và an toàn nhất.

Nhưng đã lâu rồi, không có ai nghĩ đế chuyện đào tạo cái nghề này nữa. Công việc này hoàn toàn phó thác cho thị trường điện ảnh".

Từ vụ tai nạn này, đạo diễn nêu ý kiến: Nhà nước cần có quy chế riêng đối với những người hành nghề đặc biệt này. Không thể bất kỳ ai cũng có thể đăng ký xin thành lập công ty rồi hoạt động trong lĩnh vực này được.

Từng cộng tác với đoàn làm phim Người Mỹ trầm lặng, NSND Đặng Nhật Minh tiết lộ, trong phim đó, người ta tạo hiệu quả khói lửa bằng khí gas là chính chứ không phải bằng chất nổ có sức công phá mạnh. Nói chung đây là một công nghệ đặc thù mà ta phải học ở các nền điện ảnh tiên tiến, không thể tự mầy mò mà làm được.

Xung quanh việc sử dụng khói lửa trong các phim chiến tranh, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cũng chia sẻ trên Vnmedia, ông nói: "Với phim chiến tranh, bên Hãng Phim truyện Việt Nam có quy trình rõ ràng. Bắt đầu triển khai dự án là làm đơn lên Bộ tổng tham mưu Quân đội Việt Nam. Nơi này sẽ đề xuất các đơn vị có thuốc nổ cấp cho đoàn phim.
Một cảnh cháy nổ trong Những người viết huyền thoại. 
Dự án phim phải kê ra cụ thể cần bao nhiêu cảnh có thuốc nổ, nhu cầu khối lượng bao nhiêu, bên quân đội sẽ dựa theo đó mà cấp. Ngoài thuốc nổ còn là các thiết bị khác gắn với nó như ngòi nổ, dây nối…

Trong phim chiến tranh của ta hiện tại vẫn dùng thuốc nổ TNT và kết hợp kỹ xảo. Đương nhiên, làm khói lửa trong phim chiến tranh là nghề rất nguy hiểm. Với việc làm phim chiến tranh ở Việt Nam thì càng nguy hiểm hơn nữa, bởi hệ thống an toàn cho phim mình vẫn kém và thô sơ.

Nói về vụ tai nạn ở TP.HCM, đạo diễn Thanh Vân cho hay, vì cũng chưa có thông tin điều tra cụ thể nên chưa nói được gì. Nguyên nhân thì cũng có nhiều, có thể chủ quan, khách quan… Biết đâu có thể là chập điện.

Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn bày tỏ quan ngại, làm phim chiến tranh với những cảnh cháy nổ luôn là thách thức.

Ông nói: Đạo diễn phải làm việc thật kỹ với chuyên viên khói lửa. Đầu tiên là trao đổi trên kịch bản, để bên khói lửa chuẩn bị các đạo cụ, thiết bị. Mình muốn cảnh này sẽ như thế nào, hiệu quả tới đâu… khi ra trường quay, họ sẽ đặt chất nổ, lửa khói. Những cái này cũng không phải là chuyện đùa. Bộ phận sản xuất, chủ nhiệm phim sẽ phải lo về phép tắc, xin phép địa phương, báo cho dân chúng để bảo vệ an toàn.

Trước khi quay, sẽ phải tập nhiều, nhất là những cảnh nổ lớn. Trong khi tập sẽ cắm cờ những điểm sẽ nổ, cho diễn viên và chuyên viên khói lửa tập với nhau…

Cũng phải tính toán, dự trù sao cho đạt cả an toàn tối đa đồng thời đạt hiệu quả tốt. Nếu an toàn quá thì có thể không hiệu quả, nhưng nếu chú trọng hiệu quả thì đôi khi nguy hiểm".

Nguyễn Vinh Sơn cho rằng, làm phim có chất nổ là chẳng đặng đừng. Trừ trường hợp cần thiết quá với kịch bản. Những chuyên gia khói lửa trong các hãng phim thường là bộ đội phục viên và họ quen với việc này rồi. Cộng thêm họ cũng phải được huấn luyện về cháy nổ trong điện ảnh và trong những cảnh cháy nổ thì họ sẽ là người lo liệu chính.

Còn chuyện bị nổ, lâu lâu cũng có nghe nói trong các đoàn phim cũng có tai nạn rủi ro, nhưng không lớn.
Một cảnh khói lửa trong phim truyền hình Huyền thoại 1C. 
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng thì nói ông Lê Minh Phương là người kinh nghiệm nhưng không cẩn trọng thì mới có chuyện đáng tiếc xảy ra: "Thường thì chuyện thuốc nổ rất an toàn. Vấn đề là biết cách sử dụng. Tất nhiên không ai mang về nhà, phải có kho riêng.

Ở Hãng phim truyện Việt Nam, chúng tôi có kho riêng, hoàn toàn cách biệt ở Đông Anh cất thuốc nổ, đạn, kíp mìn hoặc chất tạo cháy. Mỗi khi dùng thì chúng tôi đến đó để lấy.

Thực ra, thuốc nổ thì vô hại. Phải ở trong các điều kiện kích nổ mới thành nguy hiểm. Để khối thuốc nổ gần kíp thì rất dễ phát nổ, trong điều kiện va đập.

Quy trình sử dụng thuốc nổ khá nghiêm ngặt, chúng tôi phải gửi công văn sang Bộ Quốc phòng, đề xuất mua bao nhiêu, sau đó phải được lệnh của Bộ Tổng tham mưu cho phép thì các đơn vị mới bán cho mình.

Khi làm phim, đoàn phim quay ở vùng nào thì lấy chất nổ ở đấy. Dùng xong hết trong địa bàn này thì sau đó hủy hết số còn lại, không vận chuyển sang khu vực khác.

Trên Tuổi trẻ, Johnny Trí Nguyễn bày tỏ quan ngại về việc làm cảnh khói lửa trong điện ảnh ở Việt Nam. Anh nói: “Công việc thực hiện những cảnh cháy nổ ở Việt Nam hiện nay rất không an toàn dù mọi người đều cố gắng cẩn thận ở mức độ cao nhất.

Ở Mỹ và Thái Lan, các chuyên gia đã tạo ra một loại thuốc nổ chỉ có sức đẩy chứ không gây sát thương, diễn viên chỉ cần mặc đồ bảo hộ thông thường, không cần bảo hộ đặc biệt. Việt Nam mình chưa có công nghệ này mà dùng chất nổ thật nên rất nguy hiểm”.

Trần Lê

Bình luận
vtcnews.vn