Danh tính 3 doanh nghiệp ‘xù’ bán gạo dự trữ quốc gia vẫn được tái đấu thầu

Đầu TưThứ Tư, 13/05/2020 16:58:43 +07:00
(VTC News) -

3/10 nhà thầu tham gia dự thầu tại Cục Dự trữ Nhà nước Hà Nội là các doanh nghiệp từng trúng thầu nhưng không ký hợp đồng bán gạo.

Ngày 12/5, các cục dự trữ Nhà nước trên cả nước mở thầu đợt 2, mua bù số gạo bị doanh nghiệp "xù" bán lần 1 ngày 12/3.

Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Nội đã tiếp nhận 23 bộ hồ sơ của 10 nhà thầu tham gia bán số gạo 9.000 tấn cho cơ quan dự trữ. Đáng chú ý, có 3/10 doanh nghiệp đã trúng thầu đợt 1 nhưng từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo. Đó là các Công ty TNHH thương mại Chương Tho, Công ty CP thương mại Minh Khai, Công ty TNHH Thủy Long Hà Nam.

Danh tính 3 doanh nghiệp ‘xù’ bán gạo dự trữ quốc gia vẫn được tái đấu thầu - 1

Ngày 12/5, các cục dự trữ Nhà nước trên cả nước mở thầu đợt 2 bán gạo dự trữ quốc gia. (Ảnh minh họa)

Được biết, trong ngày 12/5, Cục Dự trữ Nhà nước chỉ mở hồ sơ kỹ thuật để đánh giá nhà thầu có đáp ứng yêu cầu là gạo 15% tấm, loại hạt dài, được xay xát từ thóc thu hoạch vụ đông xuân năm 2020 tại Nam Bộ và đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng theo quy định hay không. 

Dự kiến đến giữa tuần này, kết quả hồ sơ kỹ thuật được hoàn thiện, cơ quan đấu thầu sẽ chấm hồ sơ về giá, trước khi công bố kết quả đấu thầu vào cuối tuần này hoặc đầu tuần sau.

Hiện thông tin về giá thầu bán gạo vẫn chưa được công bố, trong khi đó có thông tin việc giá gạo đấu thầu gạo lại hơn 182.000 tấn, tăng so với thời gian trong tháng 3, khiến ngân sách Nhà nước phải bỏ ra nhiều hơn, thiệt hại ngân sách.

Ngày 12/3, Cục Dự trữ Nhà nước đã đấu thầu 190.000 tấn gạo, với kết quả là 28 doanh nghiệp đã trúng thầu 178.000 tấn gạo. Tuy nhiên, hết thời hạn ký hợp đồng, có đến 26 doanh nghiệp đã từ chối bán 170.300 tấn gạo biến động. Nguyên nhân các nhà thầu trúng thầu nhưng từ chối ký hợp đồng được cho là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên nhu cầu dự trữ và mua tạm trữ lương thực của các doanh nghiệp, người dân trong nước tăng cao. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu gạo thời gian qua rất sôi động, khiến giá gạo tăng cao so với thời điểm đấu thầu.

Theo một lãnh đạo Tổng cục Cục Dự trữ Nhà nước, nếu không có dịch COVID-19, chắc chắn các doanh nghiệp vẫn bán gạo bình thường cho Nhà nước do đây là khách hàng truyền thống.

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn