Đánh thuế tài sản bất minh: 'Có những vụ án mất hàng chục năm, chẳng chứng minh được tài sản thuộc về ai'

Thời sựThứ Năm, 31/05/2018 18:08:00 +07:00

Đại biểu Quốc hội cho rằng xác minh tài sản thu nhập là việc cực kỳ khó khăn nên có những vụ án mất hàng chục năm, xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, nhưng không chứng minh tài sản đó thuộc về ai.

Báo cáo trước Quốc hội sáng 31/5 về Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, dự luật đề xuất hai phương án xử lý tài sản kê khai không trung thực là: Đánh thuế 45% hoặc xử phạt 45% giá trị tài sản bằng tiền.

Bàn về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội) chỉ ra một số điểm cần cân nhắc. Thứ nhất, dự thảo luật chưa giải quyết được một số đặc thù nếu quy định về phòng chống tham nhũng trong khu vực tư.

231074537692693866125051795016597o-1509352017258

Kiểm soát, xử phạt tham nhũng làm sao để quan chức không dám, không thể, không cần tham nhũng. 

"Phòng chống tham nhũng trong khu vực tư có những điểm khác với phòng chống tham nhũng trong khu vực công. Trong khu vực công, tài sản, thu nhập không giải trình được nguồn gốc một cách hợp lý thì Chính phủ kiến nghị thu thuế 45% hoặc xử phạt.

Tại sao trong khu vực tư, lại thu thuế 45% hoặc xử phạt, như thế có hợp lý hay không? Khu vực tư, họ lấy là lấy tài sản nhóm tư, sao chúng ta lại thu về cho Nhà nước? Có những vấn đề xử lý ở khu vực công thì hợp lý nhưng chuyển sang khu vực tư thì cần cân nhắc".

Thứ hai là cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập, đây là vấn đề rất phức tạp.

"Hiện nay, chúng ta kiểm soát rất hình thức, dù hàng năm có hàng triệu bản kê khai. Chúng ta chỉ xác minh được vài trăm bản, rồi từ đó xác minh được vài bản có vi phạm. Điều đó xuất phát từ nhiều vấn đề. Trong đó có việc cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập không đảm bảo được tính độc lập, khách quan, minh bạch một cách nhất định. Anh tổ chức cán bộ của mỗi cơ quan tổ chức đơn vị đó không có chuyên môn trong việc đi xác minh tài sản thu nhập.

Đi xác minh tài sản thu nhập là việc cực kỳ khó khăn. Có những vụ án mất hàng chục năm, xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, chả chứng minh tài sản đó thuộc về ai.

Một đồng chí làm tổ chức cán bộ của cơ quan đi xác minh tài sản thu nhập thì trên thực tế là không thực tế. Thẩm quyền thì không có. Còn nếu giao thẩm quyền cho tất cả các cơ quan tổ chức cán bộ của tất cả bộ ngành đều có quyền đến ngân hàng, thuế hỏi thông tin về thu nhập thì vấn đề bí mật thông tin cũng rất khó.

Việc Chính phủ đề xuất sửa đổi như thế thì cần phải bảo đảm tính chuyên nghiệp, tính khách quan và hiệu quả, thống nhất tương đối, bảo đảm giữ được bí mật thông tin. Tuy nhiên, phải đáp ứng tính khả thi, phù hợp thực tiễn", đại biểu Nguyễn Mạnh Cường nói.

nguyenmanhcuong

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường. 

Từ đó, đại biểu Cường cho rằng, từng bước Chính phủ triển khai dự thảo luật theo phương án 2, ở mức độ tập trung nhất định, sẽ hợp lý hơn. Dù vậy, theo ông, phương án 2 cũng có rất nhiều những quy định cần rà soát lại. 

Về xử lý tài sản thu nhập, đại biểu Cường dẫn ra 6 phương án trong thực tế.

"Thứ 1 là qua thuế thu nhập cá nhân, ở Việt Nam dự tính 45%. Phương án đó cũng có tính hợp lý của nó. Phần tài sản không được giải trình hợp lý nguồn gốc coi như một khoản thu nhập tăng thêm chưa đóng thuế thì phải thu thuế 45 %. Phương án 2 là xử phạt, liên quan đến trách nhiệm của cán bộ công chức với Nhà nước. Nhưng mức phạt ở đây là 45% thì tôi thấy chưa có căn cứ gì cả.

Phương án 3, nếu tài sản không giải trình được hợp lý thì tài sản đó không phải anh, nên cũng có thể giải quyết theo con đường hành chính hoặc tố tụng tư pháp. Cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập có thể đề nghị với toà xem xét, xử lý tài sản đó. Phương án 4 là khởi kiện, cơ quan kiểm soát tài sản thu nhập thay mặt Nhà nước khởi kiện đối với khối tài sản đó ra toà dân sự.

Phương án 5 là hình sự hoá hành vì này, ví dụ như Trung Quốc, họ coi đây là tội làm giàu bất hợp pháp. Phương án 6 là đối với tài sản bất minh, do phạm tội mà có, do vi phạm pháp luật thì tịch thu.

Tóm lại, chúng ta chỉ xử lý khi chứng minh được đó là tài sản bất hợp pháp và trách nhiệm chứng minh phải thuộc về Nhà nước".

Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể

“Hôm nay tôi là cán bộ thường nhưng có thể là 5 – 10 năm thậm chí là 20 năm sau tôi là cán bộ lãnh đạo. Do đó việc theo dõi tài sản cán bộ lãnh đạo phải theo dõi ngay từ đầu nắm được diễn biến hàng năm để sau này là cơ sở để xử lý vi phạm.

Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật theo tôi là hợp lý vì hiện nay chúng ta có công nghệ thông tin, toàn bộ các dữ liệu đều có thể lưu trữ một cách dễ dàng. Nhưng chúng ta theo dõi cán bộ từ lúc cán bộ bắt đầu vào làm việc tại các cơ quan nhà nước, có liên quan tới tài sản, ngân sách nhà nước. Nếu mà chúng ta có được những dữ liệu lớn như vậy thì công tác phòng chống tham nhũng những năm sau này sẽ thuận lợi hơn rất nhiều.

Việc giải trình của cán bộ cũng căn cứ vào bản kê khai hàng năm khi mà có một dữ liệu lớn như vậy các cơ quan phòng chống tham nhũng căn cứ vào một số đối tượng chúng ta cảm thấy tài cản tăng bất thường hoặc có dư luận thì tiến hành xem xét tài sản của cán bộ đó. Còn nếu không để đến lúc là cán bộ quản lý mới kê khai tài sản thì sẽ là một khoảng trống lớn.

Phạm Thành
Bình luận
vtcnews.vn