Đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng: Quá sức chịu đựng của dân

Kinh tếThứ Hai, 16/04/2018 11:30:00 +07:00

Trả lời PV VTC News, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đánh thuế tài sản với nhà trị giá hơn 700 triệu đồng là vô lý, mang nặng tư duy tận thu; thậm chí, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) còn cho là "quá sức chịu đựng của dân".

Tại buổi họp báo công bố dự án Luật thuế tài sản chiều 13/4, Bộ Tài chính đề xuất áp thuế với mọi chủ sở hữu nhà, gồm căn hộ chung cư, đất ở, đất xây nhà chung cư, đất kinh doanh... có giá trị từ 700 triệu đồng, thuế suất từ 0,3% - 0,4% một năm.

Đề xuất về phương án đánh thuế nhà của Bộ Tài chính ngay lập tức làm bùng nổ ý kiến trái chiều trong dư luận.

Trao đổi với PV VTC News, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, đánh thuế tài sản với nhà trị giá hơn 700 triệu đồng là vô lý, không công bằng và mang nặng tư duy tận thu.

A

Dù không phản đối nhưng các chuyên gia khuyến nghị nên cân nhắc thật kỹ khi đánh thuế tài sản.

* PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính): Quá sức chịu đựng của dân

Đánh thuế tài sản phải xem hệ lụy nó như thế nào, các mục tiêu tốt đẹp hướng tới như chống đầu cơ bất động sản, thêm nguồn lực đầu tư trở lại đất đai, điều tiết một phần thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản nhà, đất, góp phần đảm bảo công bằng xã hội… có thực hiện được không.

Ở các nước kinh tế thị trường phát triển, đánh thuế tài sản nhằm điều tiết thị trường, chống đầu cơ, sử dụng đất đai nhà ở sao cho có hiệu quả nhất. Và họ đánh thuế trên tất cả tài sản từ nhà bé tới nhà to, từ nhà thứ nhất tới nhà thứ hai. Trong khu vực thì không phải quốc gia nào cũng đánh thuế tài sản nhà ở.

 
Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, việc thu thuế tài sản đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên có nhiều điểm bất hợp lý, không công bằng và quá sức chịu đựng của người dân.

PGS.TS Ngô Trí Long

Tôi lấy ví dụ ngưỡng đánh thuế là 700 triệu đồng, khoản bị đánh thuế là phần có giá trị trên 700 triệu đồng với mức thuế được áp dụng cho phần vượt lên ngưỡng định là từ 0,3% - 0,4%. Vậy, một người có 3 – 4 căn nhà dưới 700 triệu thì không bị đánh thuế, trong khi người khác có một nhà trên 700 triệu lại chịu thuế, do đó giới hạn đánh thuế từ 700 triệu đồng là vô lý.

Chính sách thuế, nguyên tắc là phải công bằng, muốn đánh thuế một cách công bằng phải có hệ thống dữ liệu đầy đủ. Hiện nay, hệ thống dữ liệu về nhà ở của mình chưa hoàn thiện.

Rồi căn cứ vào đâu để đánh giá giá trị nhà và đất của người dân?. Nói căn cứ vào suất đầu tư khoảng 7 triệu/m2, như vậy cũng không đúng. Là vì đánh vào giá trị thì phải theo giá thị trường. Một căn nhà ở hai vị trí khác nhau, một ở vị trí đắc địa, một ở vị trí ven đô giá chênh nhau cả tỷ đồng nên tính giá trị theo suất đầu tư là vô lý.

A4 4

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, thuế tài sản với nhà trên 700 triệu đồng là quá sức chịu đựng của dân

Cuối cùng, mức thuế suất 0,3% – 0,4% cũng rất là cao, vì phần lớn người dân Việt Nam hiện nay có thu nhập trung bình, trong khi đó để mua được căn nhà khoảng 1 tỷ đồng đã phải chịu biết bao nhiêu chi phí. Tới đây sẽ thực hiện đóng mức phí bảo hiểm phòng cháy nổ 0,05%/năm giá trị tài sản, giờ lại thêm thuế tài sản nữa thì quá sức. Do đó, thời điểm ngắn hạn mà đánh thuế tài sản nhà là không nên.

* Giáo sư Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Nên tính thuế lũy tiến đối với nhà ở

Tôi cho rằng, nên đánh thuế nhà ở theo diện tích sử dụng vì sẽ dễ dàng tính toán và đảm bảo công bằng, đúng mục đích của sắc thuế này là sử dụng nhà đất hiệu quả.

A1

GS Đặng Hùng Võ cho rằng, nên đánh thuế theo diện tích sử dụng và lũy tiến đối với nhà ở.

Ngoài ra, cũng cần đặt ra ngưỡng diện tích để tính thuế, giống như thuế thu nhập cá nhân là thu nhập tính thuế. Nên lấy mức bình quân diện tích nhà ở mà Chính phủ đề ra đến năm 2020 là 25m2/người là ngưỡng không chịu thuế. Phần diện tích vượt ngưỡng này mới phải tính thuế nhằm đảm bảo người dân có nhà để ở.

Mặt khác, cũng nên tính thuế lũy tiến đối với nhà ở, tức là sử dụng càng nhiều sẽ phải nộp nhiều tiền thuế. Như ngưỡng trên 25m2 mới phải nộp thuế, từ 25-50m2 là một mức thuế, 50-75m2 sẽ có mức thuế cao hơn... Mục đích là để người dân sử dụng phù hợp, hiệu quả.

Tuy nhiên, trước mắt chỉ nên đánh thuế nhà ở đô thị, chưa thu thuế tài sản đối với nhà ở nông thôn, vì thu nhập của nông dân rất thấp, chỉ trông vào vài sào ruộng.

Không nên đánh thuế với nhà theo giá trị vì sẽ kìm hãm sự phát triển nhà ở và bất động sản gắn liền với đất.

Ngoài ra, việc tính tài sản nhà theo giá trị sẽ gặp những rắc rối khi tính giá trị nhà, khấu hao hằng năm để áp thuế.

* Bà Phạm Chi Lan – nguyên Phó Chủ tịch VCCI, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng: Tận thu, không khuyến khích người dân làm ăn

Đánh thuế tài sản để điều tiết thu nhập của các cá nhân có nhiều tài sản nhà đất, góp phần đảm bảo công bằng xã hội, rồi đưa vào sử dụng cho mục đích xã hội, tôi nghĩ cũng là nên, nhiều nước đã thực hiện thu thuế đó rồi.

A2 3

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nên khuyến khích người dân làm ăn, đặc biệt là người có thu nhập thấp.

Nhưng việc đánh thuế tài sản phải đi cùng với việc bảo vệ tài sản của người dân. Bởi trên thực tế, tài sản của người dân chưa có kênh bảo đảm vững chắc. Nếu đã đánh thuế thì phải bảo vệ tài sản cho người dân, chứ không phải thuế thì muốn thu nhưng tài sản lúc nào muốn thu hồi thì lại thu hồi rất dễ dàng và không đảm bảo cho người dân.

Thứ nữa, cũng cần phải xem lại ngưỡng sẽ đánh thuế. Vào lúc này mà đưa ngưỡng 700 triệu đồng (sẽ đánh thuế phần giá trị nhà vượt 700 triệu đồng trở lên), tôi cho rằng quá bất cập so với thực tế.

 
Với con số 700 triệu đồng, có lẽ Bộ Tài chính nghĩ rằng, có thể với con số đó sẽ thu được nhiều thuế, nhưng như vậy lại trở thành vô lý.

Chuyên gia Phạm Chi Lan

Mốc 700 triệu đồng là cực kỳ vô lý, nếu có đánh phải nâng cao hơn rất nhiều, 5 - 7 tỷ đồng trở lên, chứ không thể thấp như thế. Ngay cả 5 - 7 tỷ đồng cũng phải cân nhắc, phải tính đến nhà đó bao nhiêu người ở.

Một căn nhà to, rộng rãi chỉ có hai vợ chồng ở sẽ khác với cũng căn nhà đó nhưng tam tứ đại đồng đường. Và, giá trị nhà có thể to nhưng bình quân diện tích chia ra lại không đáng kể. Thành ra, có rất nhiều yếu tố, nếu không cân nhắc thấu đáo về mức đánh thuế như thế nào sẽ trở thành bất công, bất cập rất lớn.

Chính phủ gần đây mới đưa ra chương trình hỗ trợ tài chính vay mua nhà cho người thu nhập thấp. Những căn hộ như vậy giờ muốn mua được cũng phải từ 700 triệu tới 1 tỷ đồng. Trong khi chúng ta còn cho họ vay tiền, trả lãi suất ưu đãi kéo dài thì tài sản đó có đáng bị đánh thuế hay không? Nhà nước phải hỗ trợ để người dân có được căn nhà, giờ lại thu thuế chính căn nhà đó. Như vậy, khác gì chưa kịp cho đã muốn lấy lại, như thế sao được?

Một điều nữa cũng về giá cả, tôi muốn nói thêm, ở việt Nam mình, nhà cửa quá đắt so với nhiều nước. Nên thuế suất tính thuế nhà từ 0,3 – 0,4% cũng là rất cao. Tôi nghĩ không hợp lý.

Tương tự xe ô tô cũng vậy, trong khi xe bị đẩy giá quá cao, người Việt Nam đã phải chịu giá xe cao như vậy, nhưng giờ lại chịu thêm thuế tài sản nữa, chồng lên quá nhiều vào giá trị của xe.

Phương án đánh thuế đối với nhà ở mà Bộ Tài chính vừa đề xuất rõ ràng là tận thu, không nghĩ đến việc khuyên khích người dân làm ăn.

* Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành: Chưa phải lúc để đánh thuế tài sản

Tôi cho rằng, chưa phải lúc để đánh thuế tài sản. Nhà ở là nơi ở của người dân, không phải là thứ có thể sinh lợi làm ra thu nhập để mà đánh thuế.

A3 4

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành.

Tôi thấy Việt Nam mình hiện nay người dân đa số không có khả năng để đánh thuế tài sản nhà ở đâu, nhất là những người có nhà ở trên 700 triệu đồng một chút, họ lấy đâu ra tiền, xoay xở kiếm sống, lo đóng tiền lãi ngân hàng mỗi tháng cũng khổ cực rồi.

Thuế suất đang quá nhiều và quá cao, phải "zero" để khuyến khích người dân làm ăn, còn đối với người giàu có thế đánh thuế thu nhập.

Nhiều nước phát triển trên thế giới như Pháp, Mỹ họ cũng rất e dè khi đánh thuế tài sản, thậm chí họ khuyến khích cho người dân tạo tài sản, mua nhà để ở.

Bộ Tài chính nên tính toán so sánh với các nước trên thế giới xem hiện mình thu thuế bao nhiêu % trên tổng thu nhập của dân chúng, các nước khác cũng không cao như mình, trong khi dân mình còn nghèo.

Tôi cho rằng, thay vì đánh thêm các sắc thuế, Nhà nước nên quản lý chi tiêu công sao cho hợp lý.

* Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Nên thu thuế từ căn nhà thứ 2

Một chính sách thuế khi được ban hành phải dựa trên 2 nguyên tắc: Đánh thuế trên bất động sản nhưng không làm ảnh hưởng tới việc người dân mua nhà ở và việc đánh thuế phải công bằng.

A5 6

TS kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh, việc đánh thuế phải công bằng, những người giàu thì phải chịu một mức thuế cao hơn những người thu nhập thấp.

Nhà nước đang đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ người dân mua nhà và nhiều người có thu nhập thấp đang cần chỗ ở. Nên khi nghĩ đến việc đánh thuế nhà ở thì cần phải xem việc này có ảnh hưởng tiêu cực đến chính sách hỗ trợ người dân mua nhà hay không.

Việc đánh thuế cũng phải đảm bảo, những người giàu thì phải chịu một mức thuế cao hơn những người thu nhập thấp.

Tôi đề nghị, căn nhà đầu tiên chúng ta không đánh thuế mà bắt đầu đánh thuế từ căn nhà thứ hai trở đi. Bởi lẽ, những người có thu nhập cao và kinh doanh bất động sản thì họ sẽ có từ căn nhà thứ hai. Từ đó, chúng ta đánh thuế sẽ công bằng hơn và không ảnh hưởng đến chủ trương và chính sách của nhà nước là giúp người nghèo mua nhà.

Tương tự, chúng ta chỉ nên đánh thuế với quyền sử dụng đất, chứ không nên đánh thuế trên giá trị của căn nhà xây dựng trên đó. Bởi, căn nhà xây dựng trên đó được làm nên bởi nguồn thu nhập mà người dân đã trả thuế.

Nếu chúng ta đánh thuế nhà ở đồng nghĩa với việc đánh thuế kép trên thu nhập của người dân. Nếu có đánh thuế thì chúng ta chỉ nên đánh thuế trên giá trị gia tăng (nếu có) của căn nhà mà thôi.

Video: Tài sản Vũ "nhôm" rải rác ở đâu?

Hoàng Hưng
Chuyên đề: Tin Kinh tế
Bình luận
vtcnews.vn