'Đánh thức' giao thông miền Nam với loạt cao tốc được triển khai

Bất động sảnThứ Hai, 12/04/2021 10:09:00 +07:00
(VTC News) -

Nhiều dự án cao tốc trọng điểm của miền Nam đồng loạt khởi công trong năm 2021 được kỳ vọng trở thành bàn đạp cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bứt phá.

Giới chuyên gia nhận định, đường cao tốc là một trong những yếu tố vô cùng cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hiện miền Nam chỉ có 2 tuyến cao tốc là TP.HCM - Trung Lương và TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với tổng chiều dài đạt khoảng 100km. So sánh với quy mô diện tích của cả khu vực, chiều dài 100km cao tốc không thể đáp ứng được tốc độ phát triển ngày càng lớn mạnh của các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Đầu tư kết nối trục Đông - Tây

Các tuyến cao tốc này đều đã rơi vào tình trạng quá tải, xuống cấp, đặc biệt là tại cao tốc TP.HCM - Trung Lương từ nhiều năm nay luôn phải đối mặt với sự ùn tắc vào những giờ cao điểm. Vì vậy, việc đầu tư và nâng cấp mạng lưới cao tốc xuyên suốt là điều kiện cấp bách để thúc đẩy phát triển kinh tế của toàn khu vực miền Nam trong giai đoạn hiện tại.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết: Việc xây dựng cao tốc cần được đầu tư đồng bộ theo trục dọc lẫn trục ngang nhằm tạo nên mạng lưới giao thông xuyên suốt và ổn định. Giai đoạn 2021-2023 sẽ tập trung xây dựng các tuyến đường bao gồm: Cao tốc vành đai, cao tốc hướng tâm của TP.HCM; các tuyến cao tốc trục dọc phía Đông và phía Tây kết nối các tỉnh Đông Nam bộ với ĐBSCL; các tuyến trục ngang nội vùng ĐBSCL.

'Đánh thức' giao thông miền Nam với loạt cao tốc được triển khai - 1

Sơ đồ 19 tuyến cao tốc của khu vực phía Nam.

Theo đó, khu vực Đông Nam bộ đặc biệt sôi động với hàng loạt dự án cao tốc đang được xúc tiến triển khai hoặc mở rộng, giải tỏa các điểm nghẽn ùn tắc. Một trong những dự án quan trọng hàng đầu là mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với quy mô 8 - 10 làn xe đoạn từ nút giao An Phú (TP.HCM) đến TT.Long Thành (Đồng Nai). Với quy mô 4 làn xe hiện tại, tuyến cao tốc này thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe đoạn TP.HCM đến TT.Long Thành (Đồng Nai), đặc biệt vào giai đoạn cuối tuần khi mà lưu lượng xe giao thông tăng đột biến. Việc mở rộng cao tốc không chỉ giảm kẹt xe mà còn giảm áp lực trên QL51, đặc biệt khi dự án sân bay Long Thành đi vào­ vận hành sau năm 2025.

Bên cạnh đó, một số dự án thuộc trục Đông đã được Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật phê duyệt lập nghiên cứu tiền khả thi trong giai đoạn 2021-2025 bao gồm: Tuyến cao tốc TP.HCM - Chơn Thành (chiều dài 69 km); Cao tốc Chơn Thành - Đức Hòa (chiều dài 84 km); Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (chiều dài 65 km) tạo thành mạng lưới kết nối thuận lợi TP.HCM với các đô thị vệ tinh khu Đông.

'Đánh thức' giao thông miền Nam với loạt cao tốc được triển khai - 2

Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương sẽ kết nối với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và rút ngắn khoảng cách từ TP.HCM đi Lâm Đồng và Tây Nguyên.

Ở khu vực ĐBSCL hiện tại đang đón đầu những dự án cao tốc trọng điểm có giá trị thông thương rất lớn. Đầu tháng 1 vừa qua, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đã được khởi công có chiều dài 23km, với thiết kế 100 km/h, quy mô 6 làn xe. Tuyến cao tốc sẽ cơ bản hoàn thành năm 2022, đưa vào khai thác toàn bộ giai đoạn một trong năm 2023 giúp kết nối với tuyến TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận với thời gian di chuyển được rút ngắn còn 2 giờ.

Tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đã được Thủ tướng đồng ý chủ trương thực hiện, hiện Bộ GTVT đang phối hợp với các địa phương thực hiện các thủ tục cho dự án, mục tiêu hoàn thành vào năm 2025. Một số dự án khác như Đường vành đai 3 TP.HCM đoạn Bình Chuẩn - quốc lộ 22 - Bến Lức (chiều dài 89 km); Tuyến Cần Thơ - Cà Mau (chiều dài 133 km); Tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (chiều dài 180 km); Tuyến Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, (chiều dài 225 km) đang được chỉ thị nhanh chóng lập báo cáo tiền khả thi để tiến hành khởi công đúng thời điểm.

Như vậy, dự kiến giai đoạn 2021 - 2030, khu vực phía Nam sẽ có thêm hơn 1.070 km đường cao tốc chạy dọc trục Đông - Tây với hơn 12 dự án tạo thành mạng lưới giao thông liên thông các vùng kinh tế trọng điểm, đồng thời kết nối trục dọc Bắc-  Trung - Nam.

Cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc đã được thông qua

Kết nối vào tuyến TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú vừa được Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Lâm Đồng thống nhất thông qua theo phương thức đối tác công tư. Đây là dự án trọng điểm kết nối vùng Đông Nam Bộ với Nam Tây Nguyên với tổng chiều dài 220 km. Khi hoàn thành, đường cao tốc sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ TP. HCM đến các tỉnh Tây Nguyên, cũng như giải quyết tình trạng quá tải cho Quốc lộ 20 hiện tại.

'Đánh thức' giao thông miền Nam với loạt cao tốc được triển khai - 3

Theo đó, dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc là dự án Nhóm A, cơ quan quyết định chủ trương đầu tư là Thủ tướng, cơ quan quyết định dự án đầu tư là UBND tỉnh Lâm Đồng. Đơn vị đề xuất dự án là Liên danh nhà đầu tư, gồm: CTCP Tập đoàn Đèo Cả - CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh – CTCP Nam Miền Trung.

UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, tuyến cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc khi hoàn thành sẽ góp phần kết nối hệ thống giao thông khu vực các tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Thuận, kết nối Quốc lộ 20, Quốc lộ 55, đường tỉnh ĐT.725 với tuyến cao tốc; qua đó, thu hút đầu tư, giảm tải cho Quốc lộ 20, giải quyết điểm đen về giao thông tại khu vực đèo Bảo Lộc và góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) và các huyện: Đạ Huoai, Đại Tẻh, Bảo Lâm và TP. Bảo Lộc (Lâm Đồng) nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Duyên hải Nam Trung bộ nói chung.

Dự án đầu tư đường cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc có chiều dài 67km, quy mô nền đường rộng 22m, vận tốc 80km/h, phân kỳ đầu tư theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 thực hiện trong năm 2021 – 2025, đầu tư nền đường rộng 13,5m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Giai đoạn dự án sẽ tập trung hoàn chỉnh theo quy mô nền đường rộng 22m. Tổng mức vốn đầu tư cho giai đoạn 1  khoảng 16.408 tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương 4.500 tỷ đồng và ngân sách trung ương 2.000 tỷ đồng, phần còn lại là vốn của nhà đầu tư.

Quỳnh Chi
Bình luận
vtcnews.vn