Dành nửa ngày chất vấn các bộ trưởng thực hiện lời hứa

Thời sựThứ Tư, 19/09/2012 12:00:00 +07:00

(VTC News)- Sẽ phát trực tiếp nội dung các phiên chất vấn; về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; về Luật phòng, chống tham nhũng... tại Quốc hội.

(VTC News) – Kỳ họp thứ 4 Quốc hội XIII sẽ phát thanh truyền hình trực tiếp một số nội dung quan trọng, trong đó có việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)…

Sáng 19/9, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết về tình hình chuẩn bị kỳ họp thứ 4 Quốc hội XIII vào tháng 10 tới.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc (Ảnh: Internet). 
Theo ông Phúc, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 là 25 ngày (chưa kể các ngày nghỉ thứ 7 và chủ nhật), trong đó họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 22/10 và dự kiến bế mạc vào ngày 23/11/2012.

Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật và cho ý kiến 10 dự án luật.

Quốc hội cũng cho ý kiến về các nội dung về giám sát chuyên đề và công tác phòng, chống tham nhũng; các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và một số báo cáo quan trọng khác…

Để tạo điều kiện cho cử tri và nhân dân cả nước theo dõi diến biến của kỳ họp, một số nội dung quan trọng (ngoài những nội dung như thông lệ: phiên khai mạc, bế mạc, kinh tế-xã hội, giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn) sẽ được tổ chức truyền hình, phát thanh trực tiếp như: dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Quốc hội dành 0,5 ngày ở tổ và 1 ngày ở hội trường để thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; về công tác của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; về công tác thi hành án (thông lệ các kỳ họp cuối năm trước đây, thường dành 1,5 ngày ở hội trường để trình bày báo cáo và thảo luận về nội dung này).

Cùng với đó, ghép thảo luận 2 nội dung/0,5 ngày ở tổ và 3 nội dung/1 ngày ở hội trường đối với một số dự án.

Về chất vấn và trả lời chất vấn, Quốc hội dành 2,5 ngày, trong đó 2 ngày như thông lệ và 0,5 ngày để các vị bộ trưởng, trưởng ngành báo cáo về việc thực hiện lời hứa tại kỳ họp thứ 2 và thứ 3.

“Văn phòng Quốc hội sẽ có công văn đề nghị các vị bộ trưởng, trưởng ngành sớm chuẩn bị những nội dung đã hứa tại 2 kỳ họp trước để báo cáo Quốc hội” – ông Phúc cho biết.

Liên quan đến công tác chuẩn bị cho kỳ họp này, hiện Văn phòng Quốc hội đã triển khai lắp đặt 5 máy tính để phục vụ các đại biểu Quốc hội truy cập Internet tại tiền sảnh Hội trường.

Việc nối mạng internet trong hội trường họp cần có thời gian để khảo sát, xây dựng hệ thống, nghiên cứu kỹ lưỡng biện pháp bảo đảm an toàn thông tin.

Tất cả tài liệu (trừ tài liệu mật hoặc có nội dung nhạy cảm) đều gửi dưới dạng điện tử; đồng thời trong kỳ họp, vẫn gửi tài liệu là văn bản giấy.

Trần Vũ

Bình luận
vtcnews.vn