Đành làm người đa quốc gia

Tổng hợpThứ Bảy, 04/09/2010 10:57:00 +07:00

Sự kiện Ngô Bảo Châu rồi cũng sẽ nguôi ngoai, khi mà sau đó ông tiếp tục ở nước ngoài dạy học và nghiên cứu.Nỗi hân hoan và tự hào dân tộc qua đi, người ta...


 

   Sự kiện Ngô Bảo Châu rồi cũng sẽ nguôi ngoai, khi mà sau đó ông tiếp tục ở nước ngoài dạy học và nghiên cứu. Cũng giống như trường hợp Đng Thái Sơn trước đó, nỗi hân hoan và tự hào dân tộc qua đi, người ta mới thấy nỗi đau của việc không hiểu được thiên tài.

Mấy ai ở nước ta nghe và cảm được Đặng Thái Sơn? Mà thôi, chuyện nghe nhạc, có thể giấu dốt được, cứ ngồi nhắm mắt gật gù là… xong. Nhưng cái món “Bổ đề” của giáo sư Châu thì khác. Không thể cứ nhận bừa là mình cũng biết được. Ngay một số tiến sĩ Toán, nghe nói là cũng rất lơ mơ khi được hỏi về lĩnh vực này. Có một chuyện vui lan truyền trong giới nhà văn, ấy là có ông nhà văn đang vỗ ngực: Khó như làm thơ ta còn làm được thì chả còn cái gì ta không làm được. Một ông toán ngồi gần thủng thẳng: Có một thứ đố nhà văn nào dám làm, ấy là làm toán, trong khi rất nhiều nhà toán học là nhà văn nhà thơ…

   Lại nghe chuyện hình như chúng ta đang chuẩn bị bỏ ra rất nhiều tiền, chừng 651 tỉ để thành lập viện toán cao cấp, vừa phổ cập vừa nâng cao để đào tạo các nhân tài toán học cho đất nước. Chuyện này sẽ là cần thiết nếu như chúng ta không bỏ phí các nhân tài, chúng ta làm mọi cách để trọng dụng nhân tài, sử dụng họ đúng nơi đúng chỗ, tạo điều kiện tốt nhất để họ cống hiến. Nhưng hiện nay chúng ta đang cào bằng nhân tài bằng cách mở tràn lan các trường đại học không chất lượng, đào tạo quá nhiều người hệ không chính quy. Khi ra trường thì chỉ căn cứ vào bằng cấp, mà ai cũng biết, chỉ người giỏi thường là không biết… chạy, vậy nên những người biết chạy hoặc có thế để chạy, chỉ cần học tại chức, chỉ cần học các trường đại học mở ra để… bán bằng. Học xong là nghiễm nhiên vào các cơ quan nhà nước, điều hành quản lý cả kinh tế đến chính trị xã hội… còn những người giỏi thật sự, khi bị gạt ra khỏi những cuộc thi tuyển công chức ấy, họ đành phải… đi làm thuê cho tư bản. Cái nghịch lý ấy đã tồn tại hàng mấy chục năm nay và bây giờ vẫn còn tiếp tục, vẫn không thuyên giảm mà còn nặng hơn, khi mà chủ nghĩa bằng cấp vẫn còn rất nặng nề, bằng cấp trở thành món hàng mua bán trao tay. Thế nên mới có chuyện hai vị lãnh đạo hai tỉnh phía bắc làm tiến sĩ chỉ có… 6 tháng trời khi mà một nửa chữ tiếng Anh không biết. Thế nên mới có chuyện ở tỉnh Sóc Trăng mới kiểm tra sơ bộ đã có khoảng… hai trăm cán bộ xài bằng giả, mà mới là kiểm tra loại cán bộ bé, đa phần là giáo viên và cán bộ xã phường. Giáo viên dùng bằng giả mà vẫn đứng lớp dạy thì quả là không thể tưởng tượng nổi ở cái thời đại chúng ta đang mong có nhiều Ngô Bảo Châu hơn nữa. Thế nên mới có chuyện lâu lâu lại thấy tin công an phá các vụ án làm và bán bằng giả. Rồi nữa, luận văn tốt nghiệp đại học cho đến thạc sĩ tiến sĩ bày bán tràn lan cả trên mạng và dưới mặt đất, công khai ngay trước các cổng trường đại học. Thế nên phó giám đốc sở Văn hoá thể thao du lịch Gia Lai phải nhờ người thi hộ bằng A tin học để kẹp vào hồ sơ cán bộ, và cũng thế nên rất nhiều quan chức chúng ta sắm máy vi tính trùm khăn cho sang vì không biết dùng, trong khi rất nhiều người cần dùng lại không có tiền mua máy. Thế nên mới có chuyện, viện toán học chỉ có thể đặc cách trả lương cho giáo sư Ngô Bảo Châu 5 triệu đồng tháng, tương đương với số tiền họ đã trả cho giáo sư toán học hàng đầu Việt Nam lâu nay là bác Hoàng Tụy…

   Con gái tôi ra trường, sau khi nộp hồ sơ cho vài cơ quan nhà nước không được, cháu đã “sợt” trên mạng thông tin tuyển dụng và tự đi nộp hồ sơ phỏng vấn. Gần như họ không quan tâm đến việc học hành như thế nào trong học bạ và bằng biếc ra làm sao (tất nhiên đã phải khai trong đơn tuyển dụng), mà phỏng vấn trực tiếp, ba bốn vòng, từ phòng nhân sự đến phòng nghiệp vụ, giám đốc và thậm chí cả Tổng giám đốc. Xong vòng nào họ thông báo ngay ngày mai đến tiếp hay xin chào mãi mãi không gặp lại… cứ thế, hợp với công việc thì tuyển, và đưa đi đào tạo thêm theo tiêu chuẩn của họ. Ra trường hai năm cháu đã kịp chuyển… ba nơi làm việc, tất nhiên là nơi sau hoành tráng hơn nơi trước, lương thưởng và điều kiện đều tốt hơn. Trong khi đó phải thành thực với nhau rằng, rất nhiều cán bộ quản lý của chúng ta hiện đang, nếu không xài bằng giả (mà Sóc Trăng mới bị lộ là thí dụ), thì cũng nhiều người xuất thân từ các khoá tại chức, vốn nở ra như nấm sau mưa cả hai chục năm nay. Mà đi học hệ không chính quy (tại chức, từ xa, mở)… thì ai cũng biết cách học và chất lượng thật sự của nó như thế nào, vì ngay học chính quy bây giờ cũng còn đang bị kêu trời về chất lượng, nhất là các trường vừa mở vừa chiêu sinh, vét sinh viên như vét gạo trong vò thời tháng ba ngày tám, 5 điểm cũng đậu đại học. Vốn dĩ ban đầu, tại chức đáp ứng được yêu cầu là trang bị kiến thức cho cán bộ từ trong chiến tranh ra để đảm đương công việc. Nhưng cho đến bây giờ, gần nửa thế kỷ sau chiến tranh rồi mà vẫn tại chức, từ xa với mở trong điều kiện nước ta đang công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế... thì gay quá. Ở nước ngoài khi họ đi học là học cho họ, có thể ở tận thảo nguyên xa tít mù tắp nào đó, họ có thể học qua radio, tivi hoặc internet… nhưng là họ học để tự nâng cao kiến thức, mở mang hiểu biết. Còn ta học để lấy bằng, và dùng bằng để xin việc, chạy chức. Chủ yếu những người học tại chức, mở, từ xa là cán bộ. Tôi tin số đi học để tự trau dồi kiến thức là rất hiếm. Thế họ học vì cái gì mà hăng hái đóng tiền đến thế? Không nói ai cũng biết.

   Ấy là chưa nói đến chuyện họ học gì và học như thế nào? Sinh viên chuyên ngữ ra trường mà gặp người nước ngoài là đổ mồ hôi hột vì… không biết nói. Thế giới có hẳn một giáo trình tiếng Anh dạy chung, ai học cũng được, nhưng về ta thì không áp dụng, mà tự soạn để dạy, kết quả, học xong không nói được. Còn học Văn, Sử… thì sau mỗi kỳ thi chính các thầy cô chấm thi lại lôi học trò của mình ra giễu trên báo, làm như sản phẩm nhố nhăng ấy là của một hành tinh nào khác chứ không phải do chính mình đào tạo nên. Một ví dụ tươi rói: Đề Văn có câu hỏi yêu cầu trình bày suy nghĩ về đức tính trung thực trong thi cử. Và đây là một câu trong bài của một thí sinh: “Ông cha ta vẫn nói, thật thà là cha khôn khéo, trong thi cử cũng vậy, chúng ta phải trung thực, thật thà, nếu không làm được bài thì phải cố gắng nhìn bạn bên cạnh chứ đừng mang tài liệu mà bị lập biên bản”. Biết làm thế nào được, đành phải bắt chước các cháu tuổi teen mà hehe lên mấy tiếng vậy, hay bắt chước chàng Dâu (Joe) mà rên lên: Lá ngón của tôi đâu?... Ấy thế mà chưa khi nào nước ta nhiều tiến sĩ thạc sĩ như hiện nay, chưa bao giờ thấy nhiều phó giáo sư, giáo sư như hiện nay…

Thế nên hồi mới có tin giáo sư Ngô Bảo Châu được giải thưởng Fields, rộ lên tin đồn là nhà nước ta mời ông về nước làm việc. Trời ạ, có thể làm việc được không trong điều kiện cơ sở vật chất như thế, lương bổng đãi ngộ như thế, đồng nghiệp như thế…

Thế nên rốt cuộc, dẫu rất tự hào, thì Ngô Bảo Châu, cũng như Đặng Thái Sơn, vẫn phải là người đa quốc gia…

V.C.H

Bình luận
vtcnews.vn