Đắng lòng xóm chạy thận quay cuồng trong cơn bão giá

Kinh tếThứ Hai, 07/03/2011 07:00:00 +07:00

(VTC News) – Những người bệnh đang phải sống qua ngày nhờ máy chạy thận cũng không nằm ngoài vòng quay của bão giá...

(VTC News) – Những người bệnh đang phải sống qua ngày nhờ máy chạy thận cũng không nằm ngoài vòng quay của bão giá. Túi tiền eo hẹp của các bệnh nhân này không chỉ dành cho ăn uống, rồi đủ khoản chi tiêu mà còn phải đương đầu với giá thuốc tăng lên.

Túi tiền đã hẹp nay càng khó khăn

Chúng tôi đến xóm chạy thận vào một chiều cuối đông trở rét. Những dãy nhà trọ yên ắng, xập xệ nằm sâu hun hút cuối ngõ 121 – Phố Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng, HN) lọt thỏm giữa những nhà cao tầng xung quanh. Tới đây khi hỏi đến xóm chạy thận chẳng ai là không biết, bởi ở đó có những con người đang chống chọi với căn bệnh suy thận quái ác, đối với họ hai từ “ khỏi bệnh” là điều không bao giờ có và cuộc đời của những bệnh nhân tội nghiệp ấy,  sẽ còn gắn bó với xóm trọ đìu hiu này chưa biết đến bao giờ.

Men theo những ngóc ngách nhỏ chỉ đủ cho một chiếc xe máy, chúng tôi tình cờ gặp được bác Huy (quê Thanh Hóa) đang ngồi bần thần ở trước dãy nhà trọ chật hẹp. Được biết, bác đã phải chạy thận từ năm 2003 do biến chứng của căn bệnh gút.  8 năm lặng lẽ trôi qua, đồng nghĩa với chừng ấy thời gian bác Huy gắn bó với xóm chạy thận. Xa gia đình, vợ, con bác phải tự mình lo liệu mọi việc. Nhưng, đồng lương ít ỏi 1,2 triệu đồng/tháng không đủ để trang trải tất cả chi phí thuốc men, cũng như cuộc sống giữa thủ đô đắt đỏ.

Theo bác Huy cho biết, mỗi tháng tổng số tiền chi cho việc mua thuốc và ăn uống cũng như thuê nhà lên đến 2,5 – 3 triệu đồng/ tháng, còn trước đây chỉ ở mức 2 - 2,3 triệu đồng/tháng. Trong đó riêng tiền thuốc đã ngốn tới 700.000 - 800.000 đồng/ tháng. Còn điện 3.000 đồng/số nên mỗi tháng cũng phải gần 200.000 đồng, rồi tiền nước và tiền ăn cùng những khoản chi tiêu lặt vặt.

Bác Huy chia sẻ: “Tiền nhà cách đây 5 năm là 350.000 đồng, rồi tăng lên 500.000 đồng, hiện tại bây giờ là 900.000 đồng. Tôi chưa đóng tiền nhà tháng này nên cũng không rõ, nhưng một số người cạnh phòng nghe nói là chủ sắp tăng tiền nhà nữa”.

Giá cả các mặt hàng tăng lên từng ngày, đời sống của bác thêm khó khăn hơn. Vì mấy đứa con của bác Huy cũng chẳng mấy khá giả, vợ con chỉ hỗ trợ được một phần. Thời bão giá, bác phải tự thu vén, cố chi tiêu dè sẻn để đủ tiền trang trải cuộc sống giữa đất khách quê người.

Xóm trọ của những bệnh nhân chạy thận đang khó khăn chèo chống với bão giá (Ảnh Thành Công)

Theo chân bác Huy, chúng tôi đi quanh khu trọ nơi bác và gần 15 bệnh nhân khác đang ở. Mỗi căn phòng chỉ rộng chưa đầy 10 mét vuông, nhưng giá thuê cũng xấp xỉ cả triệu đồng. Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận, nhưng điểm chung là ai ai cũng nghèo và đang phải giành giật sự sống qua ngày, nhờ vào máy chạy thận nhân tạo. Trong ánh chiều cuối đông nhợt nhạt, những căn phòng đã chật hẹp không nhìn rõ mặt người lại càng tối tăm.

Bước vào căn phòng của bác Tấn  (Quê Hiệp Hòa - Bắc Giang) và anh Hưng ( Quê Nam Định), cái đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những túi thuốc, hộp thuốc đủ loại ngay cạnh giường. Trong căn phòng rộng hơn 9 mét vuông được thuê với giá 900.000 đồng/tháng không có tài sản gì đáng giá ngoài chiếc ti vi 21 inch đã cũ.

Bác Tấn năm nay mới hơn 60 tuổi những đã có “thâm niên” hơn 7,5 năm chạy thận nhân tạo. Theo bác cho biết, bệnh nhân sống ở đây chủ yếu nhờ vào trợ câp của gia đình, vì sức khỏe yếu không thể làm được việc nặng. Năm ngoái, mỗi tháng chỉ cần 1,8 triệu đồng là bác đã đủ để mua thuốc và ăn uống, nhưng bây giờ cũng phải 2 - 2,2 triệu đồng. Bác Tấn lý giải: “ Thuốc thang cứ tăng lên theo giá nhiều hàng hóa khác, một vỉ thuốc nifedipin ngày trước chỉ 8.000 đồng/ vỉ nay cũng 9.000 đồng/vỉ, hay thuốc huyết áp từ 8.000 đồng tăng lên 13.000 đồng/vỉ. Mỗi tháng trước đây tôi chỉ cần chi 1 triệu đồng, nhưng bây giờ phải thêm 100.000 – 200.000 đồng để mua thuốc”.

Còn anh Hưng bức xúc: Giá điện, nước và tiền phòng ở đây chủ trọ lấy một cách tự do, vô tội vạ, chẳng có một mức quy định nào. Vừa nói anh vừa chỉ lên chiếc công tơ được treo ở ngay trên cửa ra vào. Theo lời anh Hưng, mới đây điện nhà nước chưa tăng, nhưng chủ trọ cũng đã thông báo là chuẩn bị tăng từ 3.000 - 3.500 đồng/số… Đây là chiếc công tơ mới lắp lại, còn cái cũ đã phải gỡ xuống vì chạy “siêu tốc”. Cả phòng em chỉ dùng một chiếc ti vi với nồi cơm điện, mà có tháng phải trả tới  300.000 đồng. Còn cái mới lắp cũng không cải thiện được nhiều, vì tháng vừa rồi vẫn tới gần 250.000 đồng.

Nằm cách phòng trọ của bác Tấn không xa là căn phòng của chị Dung ( Lâm Thao – Phú Thọ ) và hai vợ chồng anh Thái (Quê Nam Định), con đường dẫn tới căn phòng này lòng vòng cũng phải mất hơn 5 phút. Nằm sau những dãy nhà cao, đường vào chỉ chưa đầy 3 mét, nếu hai người lớn muốn đi vào nhà phải nghiêng người để men theo bức tường rào.

Chị Dung năm nay mới 35 tuổi, những nụ cười đon đả của chị khi chúng tôi đến vẫn không giấu được sự mệt mỏi và câu chuyện buồn về một số phận đáng thương ẩn sau trong tâm hồn của chị. 5 năm trước khi phát hiện bị suy thận, chồng chị không những không quan tâm, chăm sóc mà đã dứt áo ra đi để cưới một người phụ nữ khác. Đau khổ chuyện gia đình tan vỡ, tưởng chừng chị không vượt qua nhưng rồi chị vẫn gượng dậy để sống và lặn lội xuống Hà Nội chữa bệnh. Giờ đây, chị tự mình bươn chải để nuôi thân và mua thuốc chữa bệnh hàng tháng.

Chị cho biết: Ở quê, giờ chỉ còn mỗi mẹ già hơn 70 tuổi nhưng lương công nhân làm gạch về hưu cũng chẳng có là bao, anh chị em ruột ai cũng vất vả cả. Nên mình tự làm, tự ăn qua ngày thôi. Để kiếm tiền trang trải hàng ngày, chị Dung tranh thủ đi bán nước chè dạo những hôm không phải đến bệnh viện.

Giá thuốc “đội”  theo giá các hàng hóa khác

Chưa có thống kê cụ thể, nhưng mỗi tháng riêng tiền thuốc của anh Đức chồng chị Thúy (quê Ứng Hòa, Hà Nội) cũng phải lên tới gần 600.000 đồng. Theo lời chị Thúy, điện vừa lên, giá phòng vừa tăng là giá thuốc cũng tăng theo. Vừa nói chị vừa lấy hộp thuốc huyết áp để cho chúng tôi xem, chị nói: “Riêng hộp này trước chỉ có 6.000 đồng bây giờ cũng lên 9.000 đồng rồi, hay thuốc Orocal của nước ngoài bây giờ bán với giá 170.000 - 180.000 đồng/lọ, tăng gần 40.000 đồng so với cách đây mấy tuần, nhưng cũng chẳng có mà mua”.

Theo chân bác Tấn đi mua thuốc tại một cửa hàng dược. Theo quan sát của chúng tôi, số tiền phải trả hoàn toàn do người bán quyết định. Túi thuốc gồm 5-6 loại mà bác Tấn mua có giá tới 1,1 triệu đồng.  Chưa kịp hỏi, bác đã kêu ca: “Tăng nhiều quá, vỉ thuốc Cosevie trợ tim này trước đây chỉ 140.000 đồng/vỉ còn bây giờ đã 155.000 đồng, hay như vỉ Ednyt trước đây 26.000 đồng nay cũng 32.000 đồng, còn Betaloc có giá 30.000 đồng/ hộp tức là thêm 4.000 đồng”.

Bác Tấn bên cạnh túi thuốc đủ loại của mình (Ảnh Thành Công)

Còn cô Thành ( Quê Nghệ An) mua thuốc ở cửa hàng bên cạnh cũng không khỏi lo lắng. Cầm túi thuốc trên tay, cô cho biết: “Tháng trước tôi chỉ phải chi 700.000 đồng để mua thuốc, tháng này vừa trả 850.000 đồng xong. Cứ thế này lại thêm khốn đốn, tiền đã không có, giờ thuốc cũng tăng thế này không biết làm sao”.

Điều mà nhiều bệnh nhân ở xóm chạy thận phải công nhận, đó là đi mua thuốc không có chuyện mặc cả như mua mớ rau, con cá ngoài chợ. Giá thuốc bao nhiêu, người mua hoàn toàn theo lời của dược sĩ. Nên, người tiêu dùng không hiểu và rõ có đúng loại thuốc ấy được bán với giá như thế hay không. Qua khảo sát, các bệnh nhân ở đây đều cho biết, nhiều loại thuốc tăng thêm từ 5 -10 %.

Cô Thành nói thêm:  Mình là người bệnh đang cần thuốc và mình cần họ. Nếu trả giá lại thêm rắc rối mà từ xưa đến giờ có ai trả giá thuốc đâu. Nói bao nhiêu, trả bấy nhiêu”. Còn về việc tăng giá là bắt nguồn từ đâu, theo lời cô Thành cho biết, người bán chỉ nói chi phí mọi thứ đều tăng nên phải tăng giá thêm thôi.

Thành Công

Bình luận
vtcnews.vn