Đắng lòng, mộ thủy tinh giữa bảo tàng

Thời sựThứ Sáu, 11/01/2013 11:05:00 +07:00

(VTC News) – Sinh ra không được bình thường, bị bố mẹ bỏ rơi khi vừa chào đời, các bé được đưa về bảo tàng “chôn cất”.

(VTC News) – Sinh ra không được bình thường, các bé bị bố mẹ bỏ rơi khi vừa chào đời. Từ đó, ban lãnh đạo bảo tàng quyết định xin các em về “chôn cất”.

Bảo tàng chứng tích chiến tranh TP.HCM đang trưng bày chuyên đề “Hậu quả chất độc da cam/điôxin trong chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam”. Triển lãm trưng bày gần 200 hiện vật đều là hiện thân của chất độc da cam/điôxin trong chiến tranh Việt Nam. 
Đặc biệt, giữa trung tâm của khu triển lãm, ngôi mộ của 3 bé gái cũng là nạn nhân của chất độc da cam/điôxin trong chiến tranh Việt Nam khiến những người thưởng lãm không khỏi bùi ngùi.
Bị bỏ rơi!
Ngôi mộ được chia thành 2 phần riêng biệt, một phần dành cho cặp bé gái song sinh, phần còn lại dành riêng cho một bé gái khác. Các bé sinh ra khỏe mạnh, cân nặng từ 2,5kg đến 3,5kg nhưng lại bị khiếm khuyết một số bộ phận trên cơ thể. Hai bé gái song sinh bị dính liền bụng ngực, sứt môi. Bé kia cũng bị sứt môi, chỉ có một chân và một tay.
các bé gái 

Chị Nguyễn Thị Thu Sương (Tổ phó Tổ Tuyên truyền của bảo tàng) cho biết, hai ngôi mộ này được trưng bày từ 30/4/2010, cùng với các hiện vật trong chuyên đề, có chiều cao khoảng 3 tấc và được lưu giữ trong bình kính bằng thủy tinh. Xét ở góc độ bảo tàng, thi thể 3 bé gái có thể coi là một trong những nhân chứng để tố cáo chiến tranh, nhưng đó cũng là vật chứng đặc biệt để những người làm bảo tàng nâng niu, lưu giữ…
Cặp bé gái song sinh chào đời năm 1986, còn bé kia chào đời trước đó chừng 1-2 năm và đều được sinh ra ở Bệnh viện Từ  Dũ TP.HCM.

Nhận các bé về trong thời kỳ bảo tàng còn gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở kỹ thuật yếu kém, ban lãnh đạo bảo tàng đã bảo quản trong những hũ đựng phoóc-môn và đặt trên kệ phục vụ du khách tham quan.

Sau nhiều năm nghiên cứu và thảo luận, ban lãnh đạo bảo tàng quyết định bảo lưu các bé trong bình thủy tinh bằng kính, trưng bày với một thông điệp, các bé là nạn nhân của chất độc da cam/điôxin trong chiến tranh . Các bé là người, cần được xã hội nâng đỡ và bảo vệ chứ không đơn thuần là những hiện vật.
Nỗi đau dai dẳng
Chị Sương cho biết, ba mẹ các bé là những người dân tộc miền núi, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” và sống trong những khu vực rừng thiêng nước độc. Chính vì vậy, họ là nạn nhân của thảm họa chất độc màu da cam. 
“Hằng ngày, họ ăn thức ăn do mình làm ra, uống nước suối trong mát nhưng nguồn nước ấy đã bị nhiễm chất điôxin và ngấm sâu vào trong lòng đất. Khi người dân lấy nước tưới cho cây hay uống vào thì vô hình trung họ đã gián tiếp nhiễm bệnh. Bệnh của họ không biểu lộ ra ngoài, mà khi đến thời kỳ lập gia đình, con họ mới là…nạn nhân.
Nghe câu chuyện về các bé gái, người thưởng làm không khỏi bùi ngùi

Chính vì vậy không chỉ ba bé gái mà có rất nhiều em bé được sinh ra trong hoàn cảnh như thế đã không được niềm nở đón tiếp khi cất tiếng khóc chào đời. Bởi một lẽ, khi sinh các em ra, những đôi vợ chồng trẻ do ít được tiếp nhận được tiếp xúc với môi trường bên ngoài nên những tưởng con mình bị dị dạng, biến thái và thẳng thừng…bỏ con”.
Trao đổi cùng chúng tôi, bà Huỳnh Ngọc Vân (Giám đốc Bảo tàng) cho biết, kể từ khi bà được chứng kiến những đứa trẻ tật nguyền bỏ trong những chiếc hũ ở Bệnh viện phụ sản Từ Dũ, bà cảm thấy xót thương cho những đứa trẻ kém may mắn. Hình ảnh ấy, cứ đeo bám bà vào trong tận giấc ngủ. 
Và khi được bệnh viện gửi tặng, bà Vân cùng những người trong bảo tàng mong muốn sẽ làm một điều gì đó thật ý nghĩa là thiết kế cho các em một ngôi mộ có tên là ngôi mộ thủy tinh, giống như ngôi mộ trong câu chuyện “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn”.

Các bé gái sẽ là những nàng công chúa, xinh đẹp, trong sáng. Còn những tấm kính bao quanh là 7 chú lùn luôn bảo vệ, che chở cho các bé.
Ngọc Thân
Bình luận
vtcnews.vn