Đáng báo động: Việt Nam có hơn 200.000 trẻ tự kỷ

Sức khỏeThứ Ba, 11/04/2017 06:22:00 +07:00

Theo thống kê, Việt Nam có hơn 200.000 người bị tự kỷ; tuy nhiên hiện nay, các công cụ và phương tiện chẩn đoán căn bệnh này tại các cơ sở y tế vẫn còn hạn chế, dẫn đến bỏ sót nhiều trường hợp.

 Việt Nam có hơn 200.000 người tự kỷ

“Ngày Việt Nam nhận thức về tự kỷ” năm 2017 tập trung vào chủ đề “Tự kỷ - vấn đề, nhu cầu và giải pháp”. Mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác về trẻ tự kỷ, nhưng theo ước tính do Cục Bảo trợ xã hội - Bộ LĐTB&XH đưa ra, Việt Nam có khoảng hơn 200.000 người tự kỷ.

Theo chuyên trang của Liên hợp quốc, tự kỷ là một loại khuyết tật phát triển suốt đời được phát hiện trong vòng 3 năm đầu đời. Tự kỷ là do rối loạn hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ, có thể xảy ra ở bất kỳ một cá nhân nào không phân biệt giới tính, chủng tộc, giàu nghèo hay địa vị xã hội.

Tự kỷ được biểu hiện ra ngoài bằng những khiếm khuyết về tương tác xã hội, khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ/phi ngôn ngữ và hành vi, sở thích mang tính hạn hẹp, lặp đi lặp lại nhiều lần. Vào dịp 2/4 hàng năm, trên khắp thế giới đều có các hoạt động về người tự kỷ.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, số lượng trẻ tự kỷ đến các bệnh viện chẩn đoán và điều trị ngày càng đông. Thậm chí, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ này hiện nay đã đã tăng vọt gấp 50 lần so với giai đoạn 2000-2007. Tại TPHCM, tỷ lệ này tăng đến 160 lần.

Hinh anh

Trẻ tự kỷ được giáo dục tại Trường chuyên biệt Khai Trí (TPHCM). (Ảnh: B.D)

Trẻ tự kỷ tăng theo cấp số nhân

Theo số liệu ở khoa Nhi, Bệnh viện Nhi Trung ương, trước đây mỗi ngày chỉ có khoảng 5-6 trường hợp trẻ đến để kiểm tra, đo, khám về tự kỷ nhưng hiện nay đã tới khoảng 230 ca/ngày.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, hằng năm có khoảng 2.500 lượt khám đánh giá về tự kỷ, tương đương khoảng 1.000 – 1.200 bệnh nhân được chẩn đoán tự kỷ hoặc theo dõi mắc tự kỷ.

Thạc sĩ, BS Phạm Minh Triết, Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng, đã có rất nhiều phụ huynh biết con mình bị tự kỷ nhưng lại giấu thông tin hoặc cung cấp không đầy đủ, gây khó khăn cho công tác chẩn đoán và điều trị. Chính điều này đã làm cho bệnh của trẻ ngày một nặng thêm.

Theo BS Phạm Minh Triết, hiện tại, số lượng cơ sở y tế có thể đánh giá trẻ tự kỷ còn ít, đặc biệt tại các tỉnh. Hiện nay, mới chỉ có vài bệnh viện tỉnh có bác sĩ đến học tại khoa Tâm lý về đánh giá và định hướng can thiệp trẻ tự kỷ, trong khi hệ

thống các bệnh viện tâm thần tỉnh, nơi có bác sĩ có thể đánh giá được trẻ tự kỷ thì ít được bệnh nhân tiếp cận. Bên cạnh đó, hầu hết các bác sĩ tại các bệnh viện tâm thần chỉ quen khám và điều trị cho người lớn nên việc đánh giá tự kỷ ở trẻ em còn nhiều thách thức.

Việc thiếu số lượng cơ sở y tế có khả năng đánh giá trẻ tự kỷ, đặc biệt ở các tỉnh đã dẫn đến tình trạng quá tải ở những cơ sở có khả năng, khiến bệnh nhân được đánh giá và can thiệp muộn.

Nhiều chẩn đoán sai, chưa chính xác

BS Triết cho biết, một trường hợp được chẩn đoán xác định tự kỷ, nếu thực hiện đầy đủ theo quy trình thì cần ít nhất 2 ngày với các đánh giá của bác sĩ, chuyên viên tâm lý, giáo viên đặc biệt cùng các công cụ đánh giá như ADOS, ADR-1, PEP-3, CARS… Nhưng thực tế, tại Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1, việc đánh giá mỗi lần chỉ có thể kéo dài tối đa 30 phút, chủ yếu bằng phương pháp phỏng vấn MCHAT và đánh giá lâm sàng của ĐH La Trobe, không thể áp dụng công cụ ADOS-G (bảng quan sát đánh giá chung) vì không đủ thời gian và nhân lực.

Bên cạnh đó, việc chẩn đoán tự kỷ giữa các cơ sở y tế, giữa y tế với tâm lý, giáo dục còn nhiều khác biệt khiến kết quả chẩn đoán khác nhau. Đến nay, việc đào tạo chính quy cách đánh giá, chẩn đoán tự kỷ trong các ngành, đặc biệt là y khoa vẫn chưa được thực hiện hoàn chỉnh.

ĐH Y dược TPHCM và ĐH Y Phạm Ngọc Thạch không có hướng dẫn chẩn đoán tự kỷ trong bộ môn Nhi của hệ ĐH và sau ĐH; chương trình sau ĐH của bộ môn Tâm thần có hướng dẫn về tự kỷ nhưng không có phần thực tập lâm sàng… Chính vì không được hướng dẫn chính quy, chủ yếu các bác sĩ học qua những chuyên gia trong và ngoài nước ở dạng hợp tác nên đã dẫn đến sự khác biệt trong chẩn đoán giữa các cơ sở y tế.

Để nâng cao chất lượng chẩn đoán tự kỷ cần có sự hợp tác giữa các ngành y, tâm lý, giáo dục đặc biệt, bắt đầu từ công tác đào tạo đến chuẩn hóa công cụ đánh giá, thiết lập quy trình đánh giá và phân cấp. Bên cạnh đó là sự tham gia của cộng đồng để xã hội có cái nhìn chính xác và khách quan hơn về tự kỷ, từ đó giảm thiểu những vấn đề như kỳ thị, can thiệp không phù hợp, mặc cảm của gia đình có trẻ tự kỷ.

Cho đến thời điểm hiện tại. chưa có phương pháp điều trị nào có thể chữa lành hoàn toàn rối loạn tự kỷ, chỉ có thể điều trị bằng can thiệp hành vi và giáo dục. Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc can thiệp sớm cho trẻ dưới 36 tháng tuổi có thể cải thiện khả năng phát triển của trẻ tự kỷ. Việc phát hiện sớm trẻ có nguy cơ mắc tự kỷ là cơ hội vàng để trẻ có thể được điều trị sớm.  

Video: Dấu hiệu nhận biết sớm trẻ tự kỷ

(Nguồn: laodong.com.vn)
Bình luận
vtcnews.vn