Dân Triều Tiên cố liên lạc với thế giới bên ngoài bằng 'điện thoại chợ đen'

Kinh tếThứ Hai, 14/03/2016 01:50:00 +07:00

Một bộ phận người Triều Tiên vẫn cố gắng tìm cách liên lạc với thế giới bên ngoài thông qua những chiếc điện thoại được mua từ “thị trường chợ đen”.

Một bộ phận người Triều Tiên vẫn cố gắng tìm cách liên lạc với thế giới bên ngoài thông qua những chiếc điện thoại được mua từ “thị trường chợ đen”.

Việc sở hữu một chiếc điện thoại và thẻ SIM ở Triều Tiên không chỉ rất khó khăn mà còn “cực kỳ đắt đỏ” đối với người dân nước này.

Một chiếc SIM điện thoại di động có giá khoảng 16USD (tương đương khoảng 356.000 đồng) tại Triều Tiên, gấp 10 lần thu nhập tháng của một người lao động – tức gần bằng 1 năm lương, một người Triều Tiên cho biết.

Bởi thế, tại các khu vực giáp ranh, khá nhiều điện thoại Trung Quốc lắp sẵn SIM được tuồn vào Triều Tiên, phục vụ nhiều người dân có nhu cầu liên lạc với thân nhân ở nước ngoài ở nơi đây.

Điện thoại sẽ được chuyển về nước thông qua một hệ thống trung gian, hoặc lính biên phòng đã được đút lót. Ảnh: koreatimesus. 
Hiện, Triều Tiên là quốc gia bị thế giới cô lập không chỉ bị về kinh tế, ngoại giao mà còn cả về công nghệ. Thế nên ở đất nước “bí ẩn nhất thế giới” này, hiện khoảng 3 triệu người dân có quyền được truy cập vào mạng viễn thông trong nước, nhưng không được phép liên lạc với các quốc gia bên ngoài.

Mặt khác, internet ở Triều Tiên cũng như một “mặt hàng xa xỉ”, chỉ có những quan chức, những người thuộc “giới tinh hoa” của đất nước mới được phép sử dụng và chỉ cho phép truy cập các trang của chính phủ.

Tuy nhiên, một số người dân Triều Tiên đã tìm cách "xé rào", tìm mọi cách mua “điện thoại chợ đen” để dùng một cách lén lút. Những thiết bị có tên "điện thoại di động Trung Quốc" được nhập phi pháp, bất kể có xuất xứ từ Trung Quốc không.

Một báo cáo từ Cơ quan Ân xá quốc tế - Amnesty International cho biết "điện thoại di động Trung Quốc" đã trở thành một công cụ quan trọng của những người dân Triều Tiên muốn giữ liên lạc với những người họ hàng (của họ) đã rời khỏi đất nước.

Nếu họ hàng hay người thân ở nhà không có sẵn "điện thoại Trung Quốc", những người đã đào thoát thường tìm cách gửi điện thoại về nhà, mua từ Hàn Quốc, Trung Quốc hay Nhật Bản để giữ liên lạc với gia đình.

Những người Triều Tiên sở hữu "điện thoại di động Trung Quốc" này sẽ lắp SIM nhà mạng Trung Quốc vào và đi đến những khu vực sát biên giới để bắt sóng từ quốc gia láng giềng và liên lạc - nếu họ sinh sống trong nội địa.

Để có được một chiếc điện thoại như vậy, người dân Triều Tiên phải bỏ ra khoảng 500USD cho chi phí trung gian, chưa tính giá mua. Những người trung gian thường là lính biên phòng hoặc những người chuyên làm “cò mồi”.

Không những thế, việc dùng “điện thoại di động Trung Quốc” không chỉ tốn kém mà còn rất rủi ro, bởi bị phát hiện dùng điện thoại để liên lạc ra nước ngoài có thể bị phạt tù. Theo luật An ninh Quốc gia Triều Tiên, việc liên lạc với các cá nhân, tổ chức chống chính phủ có thể đối mặt với án phạt lên đến 10 năm tù.

“Trong trường hợp xấu nhất, chúng tôi sẽ bị giam trong những nhà tù chính trị trong nhiều năm liền, nhẹ hơn thì sẽ phải tới các trại cải tạo trong thời gian từ 1-2 năm”, một người Triều Tiên sở hữu điện thoại chợ đen cho biết.

Nguồn: Xã hội thông tin
Bình luận
vtcnews.vn