Dân trí càng cao, cán bộ nhà nước ngày càng 'khổ'

Thời sựThứ Năm, 01/06/2017 17:36:00 +07:00

“Dân trí ngày càng cao sẽ khiến công việc của cán bộ nhà nước ngày càng khó khăn và phức tạp hơn, áp lực vì thế cũng nhiều hơn”.

Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) tại buổi lễ ra mắt “Cẩm nang hướng dẫn thực hành quyền tiếp cận thông tin” diễn ra tại Hà Nội vào ngày 1/6.

Video: Quy trình tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin

Bà Nguyễn Thị Hạnh cho biết, Luật Tiếp cận thông tin ra đời năm 2016 là sự cụ thể hoá quyền hiến định của người dân về tiếp cận thông tin. Đây là sự chứng minh cho việc nhà nước nỗ lực hiện thực hoá quy trình dân chủ, minh bạch thông tin, thúc đẩy sự tham gia của người dân vào việc giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước.

Luattiepcanthongtin (3)

 Bà Nguyễn Thị Hạnh cho biết, Luật tiếp cận thông tin là sự cụ thể hóa quyền hiến định của người dân.

Tuy nhiên, sẽ có khó khăn, lúng túng trong việc áp dụng và thi hành Luật tiếp cận thông tin, cũng như việc tuyên truyền cho mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ và thực hành quyền tiếp cận thông tin của mình, nhất là hiện nay chưa có Nghị định hướng dẫn thi hành luật.

Bà Hạnh cho rằng, tiếp cận thông tin là quyền của mọi người dân. Khi dân trí được nâng cao thì nhu cầu đòi hỏi về các quyền cơ bản theo như hiến định cũng được đặt ra, và nhà nước buộc phải cụ thể hóa bằng luật.

Việc ban hành Luật Tiếp cận thông tin góp phần hiệu quả vào công tác phòng, chống tham nhũng; tăng tính minh bạch của thị trường, góp phần nâng cao tri thức và sự tham gia của công dân vào hoạt động quản lý nhà nước; tạo thuận lợi cho việc thực hiện vai trò giám sát của tổ chức, cá nhân và các cơ quan chức năng đối với các cơ quan nhà nước, qua đó góp phần thực thi pháp luật hiệu quả.

Video: Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính nói về Luật Tiếp cận thông tin

“Dân trí ngày càng cao sẽ khiến công việc của cán bộ nhà nước ngày càng khó khăn và phức tạp hơn, áp lực vì thế cũng nhiều hơn. Những đòi hỏi từ người dân cũng sẽ ngày càng nhiều hơn, đòi hỏi cơ quan nhà nước phải có cơ chế đáp ứng sao cho phù hợp. Điều này cũng góp phần thay đổi và chấn chỉnh lại thái độ, tác phong làm việc của các cán bộ nhà nước đối với người dân theo hướng tích cực”, bà Hạnh nói.

Trước đó, ngày 14/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị 08/CT-TTg, trong đó yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương xác định nhiệm vụ cung cấp thông tin cho công dân là một trong các nhiệm vụ thường xuyên, từ đó bố trí nguồn lực phù hợp để đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin cho công dân.

Chỉ thị nêu rõ, đây là đạo luật rất quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân và nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Để đảm bảo các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức thi hành kịp thời, hiệu quả đạo luật này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo khẩn trương chuẩn bị các điều kiện triển khai thi hành.

Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương quán triệt nội dung và tinh thần các quy định của Luật tiếp cận thông tin. Bằng các hình thức, biện pháp phù hợp, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về quyền và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức và công dân trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

Bên cạnh đó, tổ chức rà soát các quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan để kịp thời tự mình hoặc đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật tiếp cận thông tin.

Luật Tiếp cận thông tin do Quốc hội ban hành sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2018.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn